Xoá nhà tạm, nhà dột nát là một chủ trương mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân, hướng tới các đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, cận nghèo; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại Cà Mau, chủ trương xoá nhà tạm, nhà dột nát nhanh chóng lan tỏa thành một cao trào hành động cách mạng với quyết tâm chính trị cao của toàn hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của cả cộng đồng và sự ủng hộ, đồng thuận sâu rộng của Nhân dân. Từng ngôi nhà mới khang trang mọc lên để hiện thực hoá ước mơ an cư của người dân là kết tinh trọn vẹn Ý Đảng – Lòng Dân. Xoá nhà tạm, nhà dột nát, cũng là câu chuyện để Cà Mau nói riêng, cả nước nói chung dựng xây nền móng, định hình diện mạo của một nước Việt Nam của kỷ nguyên mới vững bền, phồn vinh, hạnh phúc và lan tỏa thông điệp lớn “không một ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhà ở được xác định là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, là một trong những yếu tố cơ bản để đánh giá về mức sống, chất lượng cuộc sống của người dân. Việc chăm lo vấn đề nhà ở cho Nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, xác định là một vấn đề xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm của chính sách an sinh xã hội. Cùng với hàng loạt cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ nhà ở, thời gian qua nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng để giúp người dân hiện thực hoá ước mơ an cư. Với quyết tâm khó khăn nào cũng phải làm, có vướng mắc thì tháo gỡ, thách thức mấy cũng phải vượt qua; làm với tất cả trái tim, khối óc vì những người nghèo còn đang phải ở nhà tạm, dột nát.
Từ các cơ chế, chính sách, chương trình về nhà ở đã triển khai, cả nước đã giải quyết vấn đề nhà ở cho khoảng 340.000 hộ gia đình có công với cách mạng; trên 800.000 hộ nghèo, cận nghèo. Qua rà soát, cả nước còn khoảng 315.000 hộ có khăn cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở.
Theo Kế hoạch số 259/KH-UBND ngày 27/11/2024 của UBND tỉnh Cà Mau về việc tổ chức thực hiện Đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, mục tiêu đặt ra đến cuối tháng 8/2025 hoàn thành xây mới, sửa chữa 4.400 căn với nhu cầu kinh phí gần 236 tỷ đồng.
Qua hơn 3 tháng triển khai thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh Cà Mau đã đạt được những kết quả tích cực.
Tại huyện Đầm Dơi, ông Trần Anh Chót, Phó chủ tịch UBND huyện thông tin: “Tổng số thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện 698 căn (trong đó có 614 căn xây mới; 84 căn sửa chữa), với tổng kinh phí hơn 39 tỷ đồng. Tổng số nhà đã khởi công 344/698 căn (294 xây mới; 50 sửa chữa), đã hoàn thành 120/344 căn (70 xây mới; 50 sửa chữa). Về kinh phí, huyện đã được phân bổ hơn 31 tỷ đồng (Quỹ vì người nghèo tỉnh hơn 24 tỷ đồng; nguồn vốn CTMTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn 7 tỷ đồng); đã giải ngân gần 17 tỷ đồng, đạt hơn 53% kế hoạch vốn”.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện ở các địa phương còn chưa đồng đều nhau. Như tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, dù được phê duyệt 211 căn, đến hết tháng 2/2025, toàn xã mới triển khai được 38 căn, trong đó xây mới 36 căn và sửa chữa 2 căn với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 18% kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Thanh Ril, Phó chủ tịch UBND xã, để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian còn lại việc triển khai phải hết sức quyết liệt, nhất là gỡ khó cho những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tại Hội nghị của Ban Chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh xoá nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Cà Mau (Ban Chỉ đạo) diễn ra vừa qua (ngày 4/3), sau 3 tháng thực hiện, Ban Chỉ đạo đã đánh giá về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát tập trung vào một số vấn đề như hộ dân không có đất ở; các địa phương đề xuất thay đổi đối tượng do đã được nhận hỗ trợ từ chương trình khác, không đảm bảo điều kiện hỗ trợ sau khi rà soát lại, gia đình đi lao động ngoài tỉnh…
Ghi nhận tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, ông Nguyễn Thanh Ril cho biết: “Tổng số nhà được phê duyệt theo chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn là 211 căn, trong đó sửa chữa 48 căn. Khó khăn của địa phương là một số hộ không đất cất nhà, một số hộ cất nhà không an toàn lộ giới. Bên cạnh đó là kinh phí hỗ trợ cho hộ người có công chưa có. Đa phần bà con thuộc đối tượng hộ nghèo không có kinh phí đối ứng nên còn khó khăn trong huy động nguồn lực để đảm bảo chất lượng công trình”.
Gia đình anh Cao Văn Có, Ấp 17, xã Nguyễn Phích, thuộc đối tượng được hỗ trợ cất nhà mới nhưng ở đợt 3 nên công trình chưa khởi công. Qua lời của anh Có, thì căn nhà cây lá địa phương đang ở đã cất hơn 10 năm, gia đình vừa ở vừa nơm nớp lo lắng vì không đảm bảo an toàn.
Hải Nguyên – Kim Cương – Lê Tuấn
Xuất bản: 15/3/2025
Bài 1: Ý thức - trách nhiệm - quyết liệt - thực chất
Bài 2: Nhiều cách làm hay, sáng tạo
Bài 3: An cư – Nền tảng lạc nghiệp
Bài cuối: Đồng bộ - hiệu quả - lan toả