Chúng tôi biết anh Phạm Hoàng My, cán bộ của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau đã khá lâu. Anh là 1 trong 3 cán bộ từng là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chính nơi đây cưu mang, sau khi trưởng thành lại quay trở về mái nhà chung để tận tuỵ cống hiến, đền đáp ơn nghĩa, dìu dắt các thế hệ đàn em.
Thật may mắn, những cuộc đổi đời kỳ diệu như trường hợp của anh My không phải là đơn lẻ, cá biệt tại Cà Mau. Từ nghịch cảnh, nhiều mảnh đời trẻ em bất hạnh dưới sự che chở, cưu mang, giáo dục của những mái nhà chung đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định, vị trí xã hội vững chắc. Tất cả những bông hoa đẹp ấy đều có một xuất phát điểm như nhau: Nghèo nhất trong những người nghèo; và một hành trình dũng cảm giống nhau: Nỗ lực học tập, dùng tri thức để mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng.
Bà Tím nói rằng: “Mỗi đứa con của gia đình này đều có hoàn cảnh đặc biệt, khả năng khác nhau, tính tình khác nhau. Đứa nào tôi cũng thương, cũng mong tụi nó có được cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Còn với những đứa có khả năng học hành, tôi khuyên chúng rằng, đó là cơ hội duy nhất, chìa khoá duy nhất để có thể thay đổi vận mệnh cuộc đời. Út Mãi đã nghe lời dạy của tôi, noi gương các anh chị của nó (chị Phạm Ngọc Hy giờ là bác sĩ gây mê tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), hai anh Phạm Văn Tráng, Phạm Văn Mạnh đều là thạc sĩ… - PV), mà từ đứa trẻ bị bỏ rơi lúc 2 tháng tuổi nay đã là bác sĩ hẳn hoi”.
28 tuổi là 28 năm bác sĩ Mãi sống trong đại gia đình Làng trẻ em SOS tỉnh Cà Mau. Ân tình, công lao của mái nhà chung này được nữ bác sĩ trẻ ghi lòng, tạc dạ: “Những gì tôi có được hôm nay đều là nhờ vào công ơn nuôi nấng, dạy dỗ, dìu dắt của các má, các dì, các thầy cô, các cô chú cán bộ của Làng trẻ em SOS. Ở đại gia đình này, tôi và anh chị em được sống trong tình yêu thương, học cách làm người, học chữ nghĩa, tri thức để tiến bộ, để có cơ hội chiến thắng nghịch cảnh, thay đổi cuộc đời”.
Bác sĩ Mãi vẫn trăn trở là chưa làm được nhiều điều để đóng góp cho nơi mình mang ơn sâu, nghĩa nặng. “Kề cận, chăm sóc má lúc tuổi già là bổn phận, trách nhiệm của con cái. Thông qua các hoạt động của đơn vị công tác, tôi cũng đã kết nối để tổ chức các hoạt động thăm khám sức khoẻ cho các em ở đây. Với các em lứa hiện tại, tôi nhắc đi nhắc lại lời dạy của người lớn về tầm quan trọng của việc học tập”, bác sĩ Mãi chia sẻ.
Hiện Hồng Mãi còn đứa em cùng mẹ khác cha, đang học tập và sống tại Làng. Mãi chia sẻ, cô em gái ước mơ và nỗ lực phấn đấu để trở thành nữ chiến sĩ công an Nhân dân. Mãi ủng hộ em và động viên rằng: “Có ước mơ, có ý chí ắt sẽ thành công. Các anh chị là tấm gương và mãi là niềm tự hào của em!”.
Chúng tôi quen biết anh, nhưng hoàn toàn ngỡ ngàng, cảm phục khi biết rõ hành trình vươn lên của anh. Anh Tráng vắn tắt: “Khi vào đại gia đình Làng trẻ em SOS, chúng tôi vô cùng may mắn khi có tình thương yêu, sự nuôi nấng, chăm sóc chu đáo, được học hành và điều quan trọng nhất là được ươm mầm và thực hiện ước mơ để vươn lên chiến thắng số phận bất hạnh”.
Anh Tráng vẫn nhớ lúc mới vào Làng trẻ em SOS năm 1996: “Tôi 10 tuổi, hoàn cảnh khó khăn phải sớm bươn chải mưu sinh, ăn nói chợ búa, học hành bê trễ, tính khí bướng bỉnh. Hồi đó, trẻ vào phải bốc thăm để chọn má, tôi may mắn làm con của má Tím, người đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi”.
Thành tích học tập của anh Tráng vô cùng ấn tượng. Sau khi thi đỗ Trường Đại học Cần Thơ, khi học năm 3, anh được kết nạp đảng viên, sau đó tốt nghiệp hạng xuất sắc. Hành trình học tập chưa dừng lại, anh Tráng tiếp tục trở thành thạc sĩ đầu tiên trong các anh em ở mái nhà chung.
“Tôi nhớ mãi khi làm hồ sơ, thủ tục kết nạp đảng viên. Khi ấy, má Tím nói với tôi rằng, đó là vinh dự rất lớn lao, kèm theo đó là trách nhiệm, là sự tiếp tục nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ. Tôi trở thành đảng viên theo lý lịch của má Tím, một người má nhân hậu, một cán bộ tận tuỵ, một đảng viên gương mẫu của Làng trẻ em SOS”, anh Tráng tâm sự.
Nhìn thấy các em trưởng thành cả về thể lực, trí lực, sống trong mái nhà tràn ngập tình yêu thương, được chăm chút việc học hành, anh Tráng như thấy hình bóng của mình, thấy cả tương lai ngời sáng của những trẻ em bất hạnh.
Những điều kỳ diệu đang được viết tiếp. Ai cũng có thể chiến thắng số phận, vượt lên nghịch cảnh; tiếp nối và lan toả các giá trị sống nhân văn, cao đẹp, thơm thảo của đời sống này nếu được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương và được soi rọi bởi ánh sáng của tri thức.
Và một điều lớn lao khác bao trùm tất cả, như một nhân vật trong cuộc đã gan ruột thổ lộ với chúng tôi: “Không ai chọn nơi sinh ra, không ai muốn mình bất hạnh, những người như chúng tôi, thật may mắn được sinh ra ở đất nước Việt Nam, nơi mà ai cũng có thể tự viết nên câu chuyện cổ tích của riêng mình. Bởi đồng hành cùng những người yếu thế là những chính sách nhân văn, ưu việt của của Đảng ta, của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, và thông điệp bất biến “Không một ai bị bỏ lại phía sau”.
Hải Nguyên – Băng Thanh
Đồ hoạ: Lê Tuấn
Xuất bản: 28/8/2024