(CMO) Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, thời gian qua, báo Cà Mau tập trung tuyên truyền sâu rộng, phong phú các mảng đề tài liên quan đến phát triển kinh tế biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển. Trong đó, tập trung tuyên truyền 2 nội dung trọng tâm là phát triển kinh tế biển và giữ vững quốc phòng - an ninh trên biển.
Cà Mau là tỉnh có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển trên 250 km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển của cả nước. Trong đó có một số cụm đảo gần bờ như hòn Đá Bạc, Hòn Khoai, Hòn Chuối, là nơi thuận tiện cho tàu thuyền tránh trú bão, trao đổi hàng hoá, dịch vụ thuỷ sản, phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, bờ biển và vùng biển của tỉnh Cà Mau có tiềm năng khai thác điện gió, dầu khí, phát triển du lịch và là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng lớn và đa dạng các loài hải sản.
Kinh tế biển - đề tài rộng lớn
Theo đó, thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau và là đề tài rộng lớn để báo Cà Mau tập trung tuyên truyền, nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Báo Cà Mau kịp thời tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế biển; đăng tải nhiều bài viết về các công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cho các địa phương ven biển, nhất là các công trình, dự án kinh tế biển mang tầm vóc khu vực và cả nước, điển hình như dự án khai thác khí nằm trong Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau; dự án điện gió Khai Long; dự án cảng nước sâu Hòn Khoai; dự án các khu neo đậu tránh trú bão Sông Đốc, Rạch Gốc, Hố Gùi… Đồng thời, phản ánh những thuận lợi, khó khăn của ngư dân trong giải ngân nguồn vốn đóng mới tàu thuyền công suất cao theo Nghị định số 67 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương về chuyển đổi ngành nghề cho cư dân ven biển nhằm nâng cao đời sống dân sinh, gắn với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven biển, nhất là các mô hình kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được báo Cà Mau thực hiện thường xuyên, trở thành mô hình điểm cho các xã, thị trấn ven biển vận dụng phù hợp vào tình hình thực tế từng địa phương.
Cà Mau được biết đến là “thủ phủ” của ngành kinh tế thuỷ sản cả nước, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 1,2 tỷ USD. Báo Cà Mau đã đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân tuyên truyền quá trình nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, chế biến và xuất nhập khẩu. Nhiều bài viết góp phần tháo gỡ “nút thắt” về cơ chế chính sách, nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật, con giống chất lượng cao, thông tin thị trường… cho doanh nghiệp và người dân.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. (Trong ảnh: Hòn Đá Lẻ thuộc cụm đảo Hòn Khoai, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển). Ảnh: Lê Khoa |
Cà Mau còn có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. Một số vùng của tỉnh được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là 1 trong 3 vùng lõi. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau còn được công nhận là khu Ramsar của thế giới. Đây là cơ hội để Cà Mau phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm các làng nghề ven biển, du lịch biển… Từ đó, báo Cà Mau có nhiều bài viết giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người, ẩm thực của Cà Mau đến đông đảo bạn đọc, du khách trong, ngoài nước thông qua tờ báo in và báo Cà Mau điện tử.
Chủ quyền và an ninh trên biển
Biển Việt Nam thật sự là đề tài rộng lớn để báo chí khai thác. Đối với báo Cà Mau, hàng năm tuyên truyền trên 200 tin, bài và nhiều hình ảnh liên quan đến đề tài kinh tế biển, quốc phòng - an ninh trên biển. Thông qua báo Cà Mau điện tử, nhiều bài viết, tin tức, hình ảnh về quá trình thực hiện chiến lược biển nói riêng, tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh Cà Mau nói chung, được đông đảo độc giả trong cả nước đón nhận.
Báo Cà Mau tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ quyền biển, đảo. Trích đăng những bài viết, các bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ… khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền cho ngư dân không khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài; vận động ngư dân gắn thiết bị hành trình tàu cá; phản ánh tình hình an ninh trật tự trên biển; kịp thời thông tin về công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn trên biển; thông tin về áp thấp nhiệt đới, dông lốc, bão… để cảnh báo ngư dân vào nơi tránh trú an toàn; tuyên truyền, biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu đang làm nhiệm vụ trên biển; tuyên truyền và nhân rộng mô hình đội tàu an toàn trên biển…
Kinh tế biển là đề tài rộng lớn của báo chí. |
Để tuyên truyền hiệu quả chiến lược biển Việt Nam, Ban Biên tập báo Cà Mau lồng ghép nội dung này vào các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề của toà soạn. Điển hình, về kinh tế biển được lồng ghép đăng tải trên các chuyên mục Kinh tế, Tái cơ cấu ngành nông nghiệp… Về quốc phòng - an ninh trên biển được đăng tải trên các chuyên mục Biển đảo Việt Nam, Biên phòng, An ninh - Trật tự…
Đặc biệt, báo Cà Mau phối hợp với Vùng Cảnh sát biển 4, Vùng 5 Hải quân, Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Sở VH-TT&DL, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau… định kỳ thực hiện các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề. Trong đó, nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế biển và an ninh - quốc phòng trên biển. Đây là việc làm thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; góp phần đưa tờ báo Đảng địa phương đến với đông đảo độc giả; mở rộng đối tượng cộng tác viên có nghiệp vụ chuyên môn từ các cơ quan chức năng, nhất là cộng tác viên đang thực hiện nhiệm vụ trên biển, đảo.
Song, đối với công tác tuyên truyền kinh tế biển, báo Cà Mau vẫn tồn tại những hạn chế. Đó là công tác phối hợp tuyên truyền giữa báo Đảng các địa phương có biển thời gian qua chưa được triển khai thực hiện, mà chỉ tập trung tuyên truyền kinh tế biển tại địa phương. Từ đó, chưa khái quát thực trạng kinh tế biển vùng Tây Nam Bộ để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ hoạch định chính sách, chủ trương phát triển kinh tế biển.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền nói chung và tuyên truyền về biển đảo nói riêng, thời gian tới, Ban Biên tập báo Cà Mau xác định, nội dung tuyên truyền phải bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về biển đảo và vận dụng sáng tạo, phù hợp vào tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền giữa báo Đảng địa phương về kinh tế biển, trong đó tập trung thực hiện loạt bài chuyên sâu về các mảng đề tài mang tính đại diện cho cả vùng biển Tây Nam Bộ. Lồng ghép nội dung tuyên truyền về biển, đảo vào các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề để tạo sự đa dạng, hấp dẫn người đọc. Thiết lập và mở rộng đối tượng cộng tác viên, nhất là cộng tác viên đang thực hiện nhiệm vụ trên biển, đảo để có thông tin chính xác, kịp thời, sinh động.
Với những kết quả tuyên truyền về kinh tế biển, báo Cà Mau đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
Đỗ Chí Công