(CMO) Cà Mau là tỉnh xa xôi, chót cùng cực Nam Tổ quốc nhưng vinh dự có đến 3 nhà báo anh hùng là Phan Ngọc Hiển, Trần Ngọc Hy và Nguyễn Mai. Trong mọi giai đoạn, lực lượng báo chí cách mạng tỉnh Cà Mau luôn luôn hùng hậu, được bổ sung đều đặn, có sự tiếp nối, kế thừa tuyệt vời những tinh anh của thế hệ trước, làm nên những ngòi bút xuất sắc, tạo dấu ấn sâu đậm trong đời sống báo chí không chỉ của địa phương mà của cả Nam Bộ, cả đất nước.
Mạch nguồn chảy mãi
Báo chí cách mạng ở Cà Mau đã được thầy giáo - Nhà báo - Anh hùng Phan Ngọc Hiển gieo mầm ở chóp đất tận cùng xa xôi ở xứ Tân Ân - Rạch Gốc. Tại gốc me lịch sử này, thầy giáo Hiển đã tập hợp thanh niên, truyền bá những tư tưởng tiến bộ, cách mạng, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, căm thù bè lũ giặc và tay sai. Qua ánh sáng của sách báo, những hạt giống đỏ của sự nghiệp cách mạng ở vùng đất Ngọc Hiển đã được ươm mầm, phát hiện, chăm bồi, trở thành nơi khởi phát và là nguồn cội của phong trào cách mạng tỉnh nhà. Trong 2 cuộc kháng chiến chống kẻ thù sừng sỏ thực dân và đế quốc, báo chí cách mạng Cà Mau thực sự trở thành vũ khí chiến đấu sắc sảo, đóng góp vào những chiến công vang dội của tỉnh nhà.
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau Phạm Văn Tri (Bảy Minh) chia sẻ: “Những nhà báo như Phan Ngọc Hiển, Trần Ngọc Hy và Nguyễn Mai đều có bản lĩnh nghề nghiệp, có cái tâm trong sáng của người làm báo, đều là những nhà báo - chiến sĩ cách mạng và xứng đáng với danh hiệu Nhà báo - Anh hùng. Những tác phẩm của các ông, cho tới thời điểm này vẫn có sức hút đặc biệt về thể loại, ngôn ngữ, sức chiến đấu. Không ai có thể mường tượng ra những tác phẩm viết từ những năm 30 của thế kỷ trước lại có thể đạt đến đẳng cấp chuyên nghiệp và sức lay động mạnh mẽ đến vậy”.
Một nhà báo được ngưỡng mộ bậc nhất ở Cà Mau là Nhà báo - Anh hùng Nguyễn Mai. Ông Bảy Minh cho biết: “Anh Nguyễn Mai là bậc đàn anh của tôi. Trước đó, anh Mai bắt đầu hoạt động cách mạng không phải làm báo. Chỉ khi được phân công về thành (Sài Gòn), anh Mai tự học làm báo. Sự nghiệp báo chí của anh khiến người khác vô cùng kinh ngạc. Ở Sài Gòn, ngay sào huyệt của giặc thù, anh viết bài cho trên chục tờ báo. Sau này về báo Cà Mau, anh Nguyễn Mai là người thầy đọc, sửa và góp ý cho bài báo đầu tiên của tôi”. Nhà báo Đỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn) nhớ về những kỷ niệm với Nhà báo Nguyễn Mai: “Nhà báo Nguyễn Mai có sức hút đặc biệt, kể cả trên tác phẩm hay lúc nói chuyện, diễn thuyết. Nhà báo Nguyễn Mai có trí nhớ cực tốt, thuộc tất cả các tác phẩm của mình viết ra dù là bài báo hay truyện ngắn”.
Khí phách của những người làm báo Cà Mau đã được những tấm gương sáng ngời của lớp tiền nhân gầy dựng, hun đúc. Nhà giáo - Nhà báo - Anh hùng Phan Ngọc Hiển khi ra trước pháp trường vẫn hiên ngang khí phách; Nhà báo - Anh hùng Trần Ngọc Hy chấp nhận hy sinh chớ không thoả hiệp với giặc thù; Nhà báo - Anh hùng Nguyễn Mai đứng thẳng người bắn đến viên đạn cuối cùng, đập gãy báng súng và anh dũng ngã xuống đất mẹ. Tác phẩm cuối cùng của Nhà báo Nguyễn Mai - Ký “Đêm tàn” trên báo Xuân báo Cà Mau năm 1970, chính là dự báo cho một ngày chiến thắng của cách mạng.
Phóng viên các cơ quan báo chí thường trú và báo chí Cà Mau tác nghiệp tại hiện trường sụp lún đê biển Tây tháng 2/2020. |
Những thế hệ báo chí tiếp nối của Cà Mau mãi mãi khắc ghi công lao của các bậc tiền nhân đã gầy dựng, đóng góp, dám sống và dám chết để báo chí Cà Mau có được vị thế vững chắc, có những ngòi bút ưu tú và những tác phẩm bất tử với thời gian. Chúng ta có giải báo chí truyền thống hàng năm mang tên Nhà báo - Anh hùng Trần Ngọc Hy. Và tên của ông cũng được đặt cho công ty in duy nhất của tỉnh nhà, nơi in ấn và phát hành các tờ báo in của địa phương trong suốt chặng đường dài đã qua. Riêng giải thưởng cao quý của tỉnh nhà trao tặng các cá nhân, tập thể có những đóng góp lớn, có những tác phẩm xuất sắc được xét tặng 5 năm một lần vinh dự mang tên Nhà báo - Anh hùng Nguyễn Mai.
Sự ghi nhớ và tri ân với thế hệ cha anh không chỉ được hô hào suông, mà được lực lượng báo chí tỉnh nhà thể hiện bằng những hành động nhân văn, thiết thực. Công trình nhà tình nghĩa trao tặng gia đình Nhà báo - Liệt sĩ - Anh hùng Nguyễn Mai là nghĩa cử văn minh. Ngôi nhà được thành hình bởi sự chung sức, đồng lòng, tình cảm cao đẹp của những đồng nghiệp báo chí thế hệ hôm nay sẻ chia, đồng hành cùng gia quyến Nhà báo Nguyễn Mai. Để thấy rằng, ngoài trang giấy, ngòi bút, máy ảnh, máy quay phim, những nhà báo còn có một tài sản quý báu khác, đó là lòng tự hào nghề nghiệp, là tình đồng chí - đồng nghiệp thiêng liêng.
Hội nhập báo chí hiện đại
Báo chí Cà Mau đang trong thời điểm sung sức với lực lượng đông về số, mạnh về chất. Đây là thế hệ nhà báo được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, năng động, có đầy đủ tâm thế - trí lực và kỹ năng để đưa báo chí địa phương phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Dũng đánh giá: “Các cơ quan báo chí của Cà Mau hiện nay đều đang phát triển theo xu thế hiện đại, hội nhập. Nhân lực ở lĩnh vực báo chí, sự đầu tư về trang thiết bị đều được nâng cao cả số lượng, chất lượng. Nội dung và hình thức của các loại hình báo chí ngày càng hấp dẫn, có sức tác động lớn. Báo chí Cà Mau luôn hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao tại địa phương”.
Báo Cà Mau là đơn vị có nhiều bứt phá trong khát vọng hiện đại và hội nhập. Ngoài báo in, báo Cà Mau còn có báo Cà Mau Điện tử (Online), hoạt động chính thức ngày 13/12/2008. Đến ngày 1/11/2016, báo Cà Mau chính thức vận hành báo Cà Mau Điện tử độc lập. Đặc biệt, vào ngày 27/2/2017, báo Cà Mau Điện tử chính thức phát bản tin Truyền hình Điện tử đầu tiên. Hiện tại, báo Cà Mau Điện tử có trên 97 triệu lượt truy cập và trở thành kênh tương tác thông tin đa chiều của tỉnh Cà Mau. Đặc biệt, ngày 26/11/2019, báo Cà Mau Điện tử chính thức ra mắt ứng dụng đọc báo trên điện thoại di động. Các chuyên mục, chuyên đề và sản phẩm báo điện tử của báo Cà Mau ngày càng hấp dẫn, hiện đại và có sức lan toả sâu rộng trên nền tảng Internet.
40 năm hình thành - phát triển, báo Ảnh Đất Mũi cũng đã tạo dựng được thương hiệu, dấu ấn, lượng độc giả trung thành. Đóng góp của báo Ảnh Đất Mũi có thể nhìn nhận ở góc độ mà ai cũng phải thừa nhận: Giới thiệu hình ảnh đất, người và nét đẹp vô tận của mảnh đất Cà Mau đến với bạn bè trong cả nước. Với những người làm chuyên môn, quá trình lựa chọn, đắn đo khi sử dụng một tấm ảnh trên sản phẩm báo chí cần cả trình độ, chuyên môn và con mắt xanh thẩm mỹ. Kỹ thuật viên trình bày Trần Quốc Bình, báo Ảnh Đất Mũi, cho biết: “Trước khi lựa chọn ảnh, nhất thiết phải đọc qua nội dung của bài báo. Khi lựa chọn ảnh, mỗi người cũng có gu riêng, nhưng phải đảm bảo làm sao để bài báo đẹp nhất, tờ báo hấp dẫn nhất”.
Đài PT-TH tỉnh Cà Mau đang nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ trong bối cảnh bị tác động, cạnh tranh bởi các loại hình thông tin - truyền thông khác. Phó giám đốc Đài PT-TH tỉnh Cà Mau Phạm Thanh Phong cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng nhiều dự án, chương trình để ngày càng nâng cao chất lượng, nội dung các chương trình. Tập trung vào phục vụ nhu cầu của công chúng, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao. Xây dựng đội ngũ nhà báo, biên tập viên vừa có tài, vừa có đức, có tâm, có tình yêu nghề nghiệp để tận tuỵ cống hiến”.
Giá trị cốt lõi của báo chí là sự thật. Và để phát triển nhanh, vững chắc, có những đột phá lớn, những tầm cao mới, báo chí tỉnh nhà không thể tự thoả mãn với những gì đang có. Nhìn thẳng, nhìn thật và đưa báo chí địa phương thật sự hội nhập, thật sự hiện đại, thật sự là nhu cầu không thể thiếu của toàn xã hội là điều không thể không thực hiện. Kỳ vọng là lớn lao, niềm tin là trọn vẹn. Hành trang của báo chí Cà Mau tiến vào chặng đường mới gồm cả vinh quang, tự hào và không thiếu những thách thức. Sự chung sức đồng lòng, tâm trong trí sáng của lực lượng làm báo chính là chìa khoá cho mọi thành công./.
Phạm Hải Nguyên