Năm 2014, trên 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị xử lý do xả thải gây ô nhiễm môi trường. Tại các cửa biển lớn, các chất thải gây ô nhiễm vượt gấp 5 lần mức độ cho phép; cả hệ thống bệnh viện vẫn chưa có hệ thống xử lý thải hoàn chỉnh... Qua đó cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp.
Năm 2014, trên 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị xử lý do xả thải gây ô nhiễm môi trường. Tại các cửa biển lớn, các chất thải gây ô nhiễm vượt gấp 5 lần mức độ cho phép; cả hệ thống bệnh viện vẫn chưa có hệ thống xử lý thải hoàn chỉnh... Qua đó cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp.
Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phát triển phân tán trong khi hầu hết các khu công nghiệp đều không được đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, không có khu xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung… Những hạn chế đó, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh ngày một trầm trọng hơn.
Ngoài tầm kiểm soát
Nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, những năm qua, UBND tỉnh có không ít văn bản và chỉ thị về các biện pháp quản lý môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là khu công nghiệp, khu dân cư vẫn xảy ra khá trầm trọng. Tiêu biểu có thể kể đến là Chỉ thị số 07 của UBND ngày 22/7/2008 về việc tăng cường biện pháp chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó tập trung đối với 54 cơ sở sản xuất công nghiệp phát sinh nước thải. Tuy nhiên, qua hơn 6 năm, kết quả vẫn chưa như mong muốn. Ðến nay, vẫn còn 5 cơ sở sản xuất công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải trong tổng số 54 cơ sở sản xuất công nghiệp phát sinh nước thải.
Các hoạt động sơ chế thuỷ sản trong tình trạng thiếu hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng tại các cửa biển. |
Ðặc biệt hơn, đối với 11 cơ sở nằm trong danh mục sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (4 cơ sở thuộc khu vực công ích, 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ), ngày 25/6/2013, Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định số 911 về phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay, ngoài 1 cơ sở đã tạm ngưng hoạt động thì còn lại các đơn vị vẫn chưa có đơn vị nào được xác nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo quy định.
Bên cạnh các khu công nghiệp tại một số cửa biển lớn trên địa bàn tỉnh hiện trạng môi trường cũng không có gì khá hơn. Theo kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường, tại các cửa biển như: Sông Ðốc, Khánh Hội, các chỉ số ô nhiễm vượt gấp 5 lần cho phép. Sự ô nhiễm nghiêm trọng này xuất phát từ ý thức trong sinh hoạt của người dân, hoạt động khai thác của các phương tiện. Ðặc biệt là tình trạng xả thải của các cơ sở chế biến vỏ đầu tôm, các cơ sở thu mua sơ chế các mặt hàng thuỷ sản dọc theo các cửa biển, do không có hệ thống xử lý nên hầu như nước thải từ sơ chế các mặt hàng thuỷ sản đều được đổ thẳng xuống sông.
Không chỉ phải sống trong môi trường ô nhiễm về nguồn nước và chất thải rắn, người dân tại các cửa biển phải chịu thêm cảnh ô nhiễm về không khí và tiếng ồn. Ông Nguyễn Văn Toàn, kinh doanh cửa hàng tạp hoá tại khóm 3, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tâm sự, không kể tình trạng bao, bọc ni-lông tấp theo các mé biển, vào những ngày tàu ra vào, tiếng máy ầm ầm gần như suốt ngày suốt đêm. Ðó là chưa kể tình trạng mùi hôi bốc ra từ các cơ sở sản xuất bột cá, vỏ đầu tôm hay cơ sở chế biến nước mắm… nếu không quen không thể chịu nổi.
Tại cửa biển Khánh Hội, tình trạng cũng tương tự. Với trên 40.000 hộ dân đang tập trung cùng với cả ngàn phương tiện khai thác khiến tình trạng bao, bọc ni-lông, xăng dầu gây ô nhiễm ngày một trầm trọng hơn.
Xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường
Bên cạnh, việc kiểm soát xả thải nơi công cộng, tuyến sông rạch, các khu dân cư hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Ngay cả việc xử lý nước thải và chất thải rắn tại các bệnh viện hiện vẫn chưa hoàn thiện. 3 trong tổng số 14 bệnh viện chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, 2 bệnh viện đã xây dựng nhưng chưa vận hành chính thức. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau Nguyễn Văn Ba nhận định, nhiều vấn đề môi trường phát sinh hiện nay nguyên nhân chính từ khâu quy hoạch. Ông Ba phân tích, hầu hết các khu công nghiệp chỉ chú trọng đất để sản xuất, không có khu xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung. Toàn bộ hệ thống xử lý nước thải do doanh nghiệp tự quản lý, không đủ độ tin cậy về sự tự giác tuân thủ quy trình và yêu cầu xử lý chỉ vì lợi nhuận.
Năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực môi trường 5 đợt (3 đợt theo kế hoạch và 2 đợt đột xuất). Trong 3 đợt kiểm tra theo kế hoạch, đoàn phát hiện và tiến hành xử phạt 10 cơ sở vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tiến hành kiểm tra 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thuỷ hải sản, theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường. Qua đó, có 6 cơ sở vi phạm xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Đồng thời, sở còn tham gia đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra 33 cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phát hiện 17 cơ sở vi phạm. |
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, ông Ba cho biết, thời gian tới, sở tập trung hỗ trợ xử lý các điểm ô nhiễm môi trường bức xúc ở địa phương bằng việc triển khai các dự án, nhiệm vụ về môi trường. Trong đó, tập trung cải tạo, xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường trên các sông, hồ, ao, khu chợ, khu dân cư tập trung đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhanh chóng triển khai toàn diện đề án thu gom rác thải sinh hoạt về nhà máy xử lý rác của TP Cà Mau. Xây dựng trạm trung chuyển rác và tập trung cải tạo đóng cửa các bãi rác gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư.
Ông Ba cho biết thêm, sẽ xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại. Ðồng thời, tăng cường kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ðầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp, khu kinh tế, xử lý chất thải nguy hại và nước thải sinh hoạt đảm bảo yêu cầu về môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Ðó là những phần việc lâu dài, trước mắt, sở đang tiến hành phối hợp với Công ty Môi trường và Công trình đô thị, Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau tiến hành thu gom và xử lý rác nhằm chỉnh trang lại đô thị để tạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho người dân vui xuân đón Tết Ất Mùi 2015./.
Bài và ảnh: Nguyễn Phú