(CMO) Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023) và 26 năm thành lập Bảo tàng tỉnh Cà Mau (22/2/1997-22/2/2023), từ ngày 22/2 đến ngày 27/2, Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức tiếp nhận và trưng bày các hiện vật về Nam Bộ xưa và Không gian “Phiên chợ đồ xưa” tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, ông Lê Minh Sơn thông tin: Điều đáng trân trọng trong đợt trưng bày này chính là tình cảm của những người yêu quý những giá trị hoài niệm, đã đóng góp rất nhiều cho công tác sưu tầm của đơn vị. Toàn bộ những hiện vật ở đây chính là những hiện vật mà đơn vị tiếp nhận từ các nhà sưu tầm thuộc Hội Cổ vật tỉnh An Giang, CLB Cổ vật Thuận An, Chi hội Cổ Ngoạn Sài Gòn, Chi hội Đồ xưa huyện Châu Thành, Chi hội Caphe Đồ xưa Thoại Sơn hiến tặng.
Nghi thức cắt băng khai mạc trưng bày Gốm Nam Bộ xưa tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Tạ Hoàng Hiện, Phó giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho Hội Cổ vật tỉnh An Giang.
Các hiện vật được trưng bày đều có dấu ấn của thời gian và đặc biệt là luôn được tham gia vào quá trình vận động của vùng đất và con người Nam Bộ từ xưa cho đến ngày nay.
Với không gian khoảng 80m2, tập hợp 640 hiện vật bao gồm: Tượng, bình gốm, gạch trang trí, trang sức, dụng cụ sinh hoạt bằng kim loại, dụng cụ thủ công bằng đất nung và được chia làm 3 nhóm chính: Nhóm hiện vật có liên quan đến 2 cuộc kháng chiến vệ quốc của Nhân dân ta; Nhóm hiện vật liên quan đến thời kỳ bao cấp (từ năm 1976-1986); Nhóm hiện vật gắn liền với đời sống lao động, sinh hoạt sản xuất của bà con Miền Nam…
Ông Cao Hồng Lĩnh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau (bên phải) tiếp nhận hiện vật do thành viên Hội Cổ vật tỉnh An Giang trao tặng.
Bên cạnh đó còn có một số hiện vật phản ánh nền văn hoá Óc Eo, đó là những hiện vật chất liệu bằng gốm Óc Eo (niên đại TK I – VII), lượng thông tin chứa trong các hiện vật quý giá này tuy ít ỏi nhưng góp phần tìm lại chân dung vùng đất cổ và các di tích thuộc văn hóa Óc Eo, chứng minh cho sự tồn tại của một nền văn hóa cổ trên vùng đất phía Nam.
Tham quan khu trưng bày cổ vật do Hội Cổ vật tỉnh An Giang trao tặng.
Bà Bùi Thị Thúy, nguyên Giám đốc Bảo tàng - Phó Chủ tịch Hội Cổ vật tỉnh An Giang cho biết: Hội cổ vật tỉnh An Giang đã tập hợp được số lượng lớn các nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh với nhiều tâm huyết gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa lịch sử dân tộc thông qua hội cổ vật, đồ xưa. Với sự tâm huyết của chị Đỗ Quyên, Chủ tịch Hội Cổ vật tỉnh An Giang huy động nhiều nhà sưu tập là thành viên của Hội đã hiến tặng 640 hiện vật với nhiều thể loại, chủ đề, góp phần khẳng định bề dày về lịch sử - văn hoá của vùng đất Nam Bộ, gợi nhớ lại đời sống văn hóa của lớp người thời khai hoang, mở cõi.
Chiếc bình gốm của người Khmer có niên đại hàng trăm năm rất có giá trị được trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Cà Mau.
"Những hiện vật hiến tặng lần này đang dần phủ lên phủ lớp bụi thời gian nhưng càng có tác dụng làm sống lại những giá trị nền tảng gắn chặt với tiến trình phát triển của vùng đất phương Nam. Đồng thời làm phong phú thêm kho hiện vật của Bảo tàng tỉnh Cà Mau, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và hoạt động chuyên môn của đơn vị trong thời gian tới". Bà Thúy cho biết thêm.
Những mảnh gốm vỡ có niên đại sau văn hóa Óc Eo được nhà sưu tầm Trần Văn Chất, CLB Caphe Đồ xưa Thoại Sơn hiến tặng.
Hoạt động trưng bày chuyên đề về hiện vật Nam Bộ xưa và Không gian “Phiên chợ đồ xưa” lần này tạo nên một không gian nhỏ để công chúng và người mộ điệu được chiêm ngưỡng, thưởng lãm những hiện vật đặc sắc mang dấu ấn của vùng đất Nam Bộ của những thời kỳ trước. Qua đó, hướng tới việc tham gia giữ gìn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đưa những giá trị lịch sử, mỹ thuật vô giá của hiện vật, nhất là giá trị phi vật thể hàm chứa trong mỗi hiện vật đến với cộng đồng./.
Huỳnh Lâm