(CMO) 100% hộ dân thuộc khu vực đông dân cư, nguy hiểm thường xuyên xảy ra thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất, có nơi ở đảm bảo an toàn - là mục tiêu được đặt ra trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến thất thường và ngày càng phức tạp ảnh hưởng đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng, gây thiệt hại rất lớn đến đời sống người dân và kinh tế của tỉnh. Các loại hình thiên tai từ hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới cho đến dông lốc và sạt lở đất… thường xuyên xảy ra, đã để lại thiệt hại lớn về kinh tế, kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là cả tính mạng con người.
Chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai, tuy nhiên, Cà Mau lại là tỉnh đang phát triển nên cơ sở hạ tầng, đời sống người dân còn không ít khó khăn. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, trong đó có việc vận động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhằm giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và đơn sơ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện tại tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố trên địa bàn tỉnh còn tương đối lớn với khoảng 29,47%. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có khoảng 41.680 người dân là đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là 5.367 hộ nghèo và 5.546 hộ cận nghèo. Ðây là những hạn chế ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Các cửa biển nhỏ như vàm Ba Tỉnh là nơi rất dễ bị thiệt hại khi có thiên tai. |
Trước thực tế ấy, tỉnh đã triển khai các công trình tránh trú cộng đồng bằng việc sử dụng kết hợp trụ sở UBND xã, huyện; trường học và cơ sở tôn giáo... Tuy nhiên, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nhận định, số lượng công trình kết hợp tránh trú thiên tai cộng đồng tại một số khu vực chưa đảm bảo, nhất là tại các khu vực dân cư sống rải rác. Mặt khác, nhiều công trình kết hợp sơ tán dân bị hư hỏng, xuống cấp theo thời gian.
Ðể chủ động nơi trú ẩn an toàn cho người dân khi cần thiết phải sơ tán, di dời, các huyện và TP Cà Mau tiến hành thống kê các trụ sở an toàn hiện có. Theo đó, trên địa bàn TP Cà Mau, nếu tận dụng hết các trụ sở cơ quan, trường học, nhà văn hoá cũng như các nhà hàng, khách sạn… thì đủ sức tiếp nhận khoảng 30.700 hộ dân. Tương tự, huyện Cái Nước khoảng 45.787 người, huyện Ngọc Hiển khoảng 20.300 người, huyện Thới Bình 4.500 người, huyện Trần Văn Thời 33.200, huyện Ðầm Dơi 41.400 người, huyện Năm Căn 17.440 người, huyện Phú Tân 17.800 người và huyện U Minh 39.700 người.
Không chỉ chủ động rà soát nơi trú ẩn an toàn cho người dân, toàn tỉnh hiện có khoảng 26.560 cán bộ thuộc lực lượng tại chỗ gồm công an, quân sự, biên phòng, y tế, thanh niên tình nguyện, lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, lực lượng phản ứng nhanh… “Lực lượng này được tập huấn thường xuyên, sẵn sàng huy động khi có các tình huống thiên tai xảy ra. Ngoài ra, sẵn sàng huy động tại chỗ trên 30 xe cứu hộ, chữa cháy; gần 200 xuồng cứu hộ các loại; gần 200 nhà bạt…; trên 1.600 phương tiện thuỷ, bộ; hàng hoá dự trữ, cơ số thuốc, dụng cụ y tế... đảm bảo yêu cầu hỗ trợ sản xuất, phục vụ sinh hoạt, xử lý môi trường và chăm sóc sức khoẻ cho người dân", ông Hoai cho biết thêm.
Các khu vực dân cư ven biển đang phải chịu tác động nặng nề của các loại hình thiên tai từ sạt lở cho đến mưa, dông, lốc...
Chủ động là giải pháp đã giúp công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt kết quả cao. Công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai luôn đảm bảo kịp thời, hiệu quả, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất, khắc phục nhanh chóng các sự cố công trình nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng, tài sản của Nhân dân.
Ngoài ra, tỉnh còn tiến hành xây dựng các khu tái định cư thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng để bố trí cho các hộ dân cư thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai. Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ.
Là tỉnh có nhiều khu vực dân cư bị sạt lở, dân cư tự do, dân cư ở vùng dễ bị tổn thương trước thiên tai, Cà Mau đã tập trung huy động nhiều nguồn vốn để tiến hành di dời, tái định cư cho người dân vùng thiên tai. Từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 1.135 hộ được bố trí nơi ở ổn định, an toàn về tài sản và tính mạng.
Tuy nhiên, đánh giá về các khu tái định cư, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhận định, các khu tái định cư gần như không hiệu quả mặc dù Nhà nước đã bỏ ra khoản tiền rất lớn. Sự kém hiệu quả này là do hạ tầng phục vụ sinh kế cho người dân còn hạn chế nên cuộc sống người dân không phát triển, từ đó người dân tiếp tục ra biển sinh sống. Do đó, Cà Mau kiến nghị Trung ương thời gian tới cần cho tỉnh thí điểm cơ chế về xã hội hoá hoặc Nhà nước kết hợp với nhà đầu tư để đầu tư các dự án tái định cư nhằm đảm bảo hạ tầng cũng như sinh kế cho người dân.
Ðể tiếp tục có nơi trú ẩn an toàn cho người dân trong điều kiện kinh phí còn khó khăn như hiện nay, tỉnh cũng đã có giải pháp lồng ghép với các chương trình, dự án khác. Cụ thể, trong kế hoạch kiên cố hoá trường lớp sẽ tập trung đầu tư xây dựng những trường có khả năng chống chịu và giảm nhẹ trước tác động của thiên tai, kết hợp làm nơi tránh trú thiên tai cho bà con khu vực xung quanh. Ðầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở y tế, đảm bảo phục vụ hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng…
Toàn tỉnh hiện có 36 trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn, trong đó 5 trạm khí tượng thuỷ văn tự động, 28 trạm đo mưa và 3 trạm đo độ mặn. Các trạm quan trắc này giúp nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. Tuy nhiên, hiện nay dọc theo chiều dài bờ biển từ Ðông sang Tây với hơn 254 km nhưng chưa có trạm quan trắc hải văn nào để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm triều cường, nước dâng, gió mạnh trên biển… Hệ thống này cần nhanh chóng được đầu tư để có những cảnh báo sớm, giúp chính quyền các cấp, người dân chủ động hơn trong công tác phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Nguyễn Phú