(CMO) Mùa mưa ngập úng, mùa khô thì thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất - thực trạng này đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống người dân, các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước là việc làm vô cùng quan trọng và cấp bách để phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, đặc biệt là các hiện tượng hạn hán, sụp lún, xâm nhập mặn…
Ai cũng biết Cà Mau là địa phương duy nhất trong khu vực ÐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung từ các sông đầu nguồn. Nguồn nước phục vụ cho tất cả các hoạt động từ phát triển kinh tế đến sinh hoạt chủ yếu dựa vào nước ngầm và nước mưa. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm về trữ lượng các nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; suy thoái về chất lượng do các tác động của con người trong quá trình phát triển kinh tế, sản xuất và sinh hoạt…
Theo kết quả quan trắc môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh trong 3 đợt: tháng 8, tháng 10 và tháng 12/2022 tại 43 vị trí cho thấy, nước mặt trên địa bàn tỉnh ô nhiễm về hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng và vi sinh có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là TP Cà Mau và các đô thị có mật độ dân cư sinh sống hai bên bờ sông cao, do chịu tác động trực tiếp từ nước thải, rác thải sinh hoạt.
Nước thải và chất thải rắn sinh hoạt tại những khu vực dân cư tập trung hai bên bờ sông đã gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước. |
Ngoài ra, các chỉ số quan trắc môi trường nước mặt đã chỉ ra, tại các khu vực nuôi trồng và chế biến thuỷ sản như: tuyến sông Gành Hào thuộc khu vực xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau; kênh Ông Tự đoạn qua xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời; sông Lộ Xe đoạn qua xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, có giá trị thông số về chất hữu cơ rất cao và một số chỉ số khác vượt từ 2-5 lần QCVN 08-MT: 2015/BTNMT. Tại khu vực sản xuất nông nghiệp, nước mặt bị tác động từ yếu tố nhiễm phèn, xâm nhập mặn… ngày càng phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Toàn tỉnh hiện có 21 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II là TP Cà Mau; 2 đô thị loại IV là thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời và thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn; còn lại là 18 đô thị loại V. Theo tính toán, tổng lượng nước thải sinh hoạt một ngày đêm tại các đô thị này khoảng 43.338 m3. Trong khi đó, các khu đô thị của tỉnh chưa được đầu tư khu xử lý nước thải tập trung nên nước thải chưa qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường và cả nước thải nông thôn cũng tương tự.
Không chỉ vậy, chất thải rắn sinh hoạt cũng đang chứa đựng nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nước. Theo số liệu được tổng hợp từ chuyên đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt năm 2022 cho thấy, tổng khối lượng phát sinh là khoảng 812 tấn mỗi ngày, trong đó khu vực đô thị khoảng 261 tấn, khu vực nông thôn khoảng 551 tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trung bình tại khu vực đô thị hiện nay mới đạt khoảng 87,8%, khu vực nông thôn khoảng 88,3%. Chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý tại Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau. Ðối với chất thải rắn nông thôn, người dân thu gom, phân loại, xử lý bằng phương pháp chôn lấp ủ phân và đốt phân tán theo hộ gia đình.
Ðô thị hoá là xu thế tất yếu, là động lực quan trọng của quá trình phát triển và biến đổi khí hậu gây ra những trận mưa lớn cục bộ là điều khó tránh khỏi. Hai yếu tố này sẽ là nguy cơ tiếp tục gây ra những trận ngập nghiêm trọng hơn trong tương lai nếu công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng tiêu thoát nước, chống ngập không được triển khai kịp thời, đồng bộ với tốc độ phát triển. Ngoài ra, tình trạng sụp lún đất, hạ tầng hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ, mưa lớn cục bộ kết hợp với triều cường… là hàng loạt những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra trên địa bàn TP Cà Mau.
Sự phát triển toàn diện của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế thời gian qua đã giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện mức sống của người dân…, tuy nhiên cũng đã tác động và tạo sức ép ngày càng tăng đến môi trường, nhất là nguồn tài nguyên nước mặt. Tỉnh cũng đã tập trung nhiều nguồn lực phục vụ công tác bảo vệ và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Chỉ tính riêng trong năm 2022, tỉnh đã phân bổ nguồn tài chính để chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường hơn 349,6 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trên địa bàn TP Cà Mau với công suất 8.000 m3/ngày đêm, từ nguồn vốn ODA.
Tốc độ phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh là nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm môi trường nước mặt. |
Quản lý, khai thác và phát triển tài nguyên nước là giải pháp để phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai, nhất là đối với các hiện tượng ngập úng, khô hạn, xâm nhập mặn và cả sụp lún, sạt lở đất. Ðây cũng là nhân tố quan trọng phục vụ cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản và các nhu cầu dân sinh ở cả nông thôn và thành thị. Do đó, cần đề ra chiến lược, xây dựng quy hoạch và kế hoạch đúng đắn trong quản lý, khai thác và phát triển tài nguyên nước trước mắt và lâu dài./.
Nguyễn Phú