ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 19:00:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bảo vệ rừng bằng công nghệ thông minh

Báo Cà Mau (CMO) “Hiện nay chưa bước vào cao điểm mùa khô, nhưng đơn vị đã chủ động tổ chức lực lượng theo phương án phòng, chống cháy rừng (PCCR). Những ngày qua có những cơn mưa trái mùa nên đến thời điểm này mực nước, độ ẩm trên rừng còn tương đối, khả năng cháy chưa cao. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng gay gắt hơn so với mùa khô năm rồi, nên dự báo trong những ngày tới mực nước sẽ nhanh chóng cạn dần”, ông Lê Thanh Dũng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, cho biết.

“Mắt thần” canh lửa

Ðược sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh về công tác PCCR, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã được đầu tư hệ thống camera giám sát PCCR nhằm mục đích quan sát lửa rừng trong mùa khô. Hệ thống được lắp đặt và chính thức vận hành từ tháng 11/2021, với chức năng quan sát các khu vực rừng, cảnh báo PCCR. Hệ thống gồm 2 bộ camera và màn hình quan sát đặt tại Trung tâm Kiểm soát PCCR (Trung tâm) ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ, mỗi bộ có 1 mắt quét thường và 1 mắt quét nhiệt. Trong đó, mắt thường chủ yếu dùng để phát hiện một số mũi khói bốc lên ở các điểm cháy. Theo đó, hệ thống sẽ phân tích điểm đó, xác định vị trí rồi báo về hệ thống cảnh báo của Trung tâm Kiểm soát PCCR thông qua còi báo động; hệ thống này sẽ nhận biết thông minh, phân tích được đâu là sương, đâu là mây và đâu là khói. Khi phát hiện khói sẽ báo ngay về Trung tâm.

Hệ thống quan sát lửa rừng được lắp đặt tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Còn đối với camera quét nhiệt, có thể cài đặt ngưỡng nhiệt mà mình muốn cảnh báo. Chẳng hạn như, khi cài đặt khoảng 60 độ, khu vực nào chạm nền nhiệt 60 độ thì hệ thống sẽ tự động chụp hình ảnh, quay lại đoạn video, báo về Trung tâm để người điều hành có thể xem và kiểm tra lại khu vực nguy cơ. Với cảm biến nhiệt này, ngoài phát hiện các khu vực nguy cơ cháy cao, còn có thể phục vụ điều tra đa dạng sinh học trong khu vực quét.

Về tính năng thông minh này của hệ thống, ông Dũng đánh giá: “Mùa khô vừa qua, hệ thống này đã quét khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia U Minh Hạ, phát hiện rất tốt những điểm cháy ở ngoài khu dân cư và báo liên tục về hệ thống. Khi báo, hệ thống có ghi lại hình ảnh, lưu video và báo hướng cháy để xác định. Tuy nhiên, hệ thống còn đang trong quá trình thử nghiệm, năm rồi thời tiết khô hạn không gay gắt nên không có sự cố cháy rừng xảy ra, do vậy chưa thể đánh giá hết công năng”.

Song, qua thực tế quan sát, hệ thống hiện chỉ quét khu rừng với bán kính 4 km, tức là chỉ quét được khoảng 3-4 ha rừng, chủ yếu ở khu bảo vệ nghiêm ngặt. Giai đoạn 2, nếu gắn thêm camera ở khu vực khác của vườn, lúc đó có thể quét toàn bộ 8.527,8 ha rừng.

Túc trực thường xuyên tại Trung tâm, anh Huỳnh Kiệt Anh Tuấn, phụ trách theo dõi hệ thống PCCR Vườn Quốc gia U Minh Hạ, cho biết: “Vào mùa khô, tại Trung tâm sẽ có người thay phiên nhau trực 24/24. Khi có tình huống cháy, hoặc có điểm nghi ngờ cháy, sau khi nhận tín hiệu của còi báo, sẽ báo cáo ngay với Ban chỉ đạo PCCR. Khi phát hiện khói, hệ thống sẽ tự động chấm vào điểm đó, zoom lại, phân tích có đúng khói hay không sẽ báo động; hoặc khi nhiệt độ vượt ngưỡng cũng sẽ báo về Trung tâm. Trường hợp, điểm báo cháy ngoài khu dân cư, mình có thể cài đặt, cập nhật lại là báo sai. Khi đó, lần sau khu vực đó có khói thì hệ thống sẽ không báo lại cho mình nữa. Tuy nhiên, hệ thống hiện tại vẫn chưa thể báo chính xác về toạ độ điểm cháy, đơn vị đã đề nghị bên cung cấp nâng cấp hệ thống về tính năng này”.

Chủ động trong mọi tình huống

Bên cạnh phát huy tính năng hỗ trợ của thiết bị thông minh quan sát lửa rừng, Vườn Quốc gia U Minh Hạ luôn tích cực, chủ động theo kế hoạch PCCR đã đề ra. Theo ông Dũng, đơn vị đã cho lực lượng kiểm tra, gia cố 8 điểm cống, đập lớn nhỏ, đảm bảo giữ nước tốt phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; phát dọn 81,55 km giao thông đường bộ đảm bảo thông thoáng, lưu thông thuận tiện; gạt ủi, phát dọn cỏ 16 km tuyến đường đất đen; vớt cỏ dưới các tuyến kênh để lưu thông đường thuỷ với chiều dài 76,5 km/127,2 km và đang tiếp tục thực hiện.

Ðồng thời, bố trí phương tiện, máy móc chữa cháy xuống địa bàn 9/13 tổ máy bơm tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao (có 1 tổ máy bơm đặt trên xe cơ động), trong đó có 6 máy bơm công suất lớn và 4 máy phao. Tiến hành cắm 36 cặp bảng cấm người ra vào rừng ở các cửa ngõ, khu vực dễ có sự tác động của người dân. Cắm 7 bảng dự báo cấp cháy rừng ở những khu vực có người và phương tiện thường xuyên lưu thông, đặc biệt khu dân cư để cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Hệ thống thông tin liên lạc cũng được chuẩn bị kỹ càng với gồm 26 máy Icom cầm tay, hoạt động tốt. Ngoài ra, mua sắm dụng cụ thủ công đảm bảo cho các đội, chốt trực phòng cháy chữa cháy rừng, bổ sung cho các tổ máy bơm khi cần thiết lúc sự cố xảy ra.

Đội cơ động bảo vệ rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ hàng ngày luồn rừng, kiểm tra độ ẩm rừng và ngăn ngừa các hành vi nguy cơ cháy rừng.

Ðặc biệt, hiện nay đơn vị đã thành lập 1 đội tuần tra cơ động gồm 16 lực lượng. Hàng ngày, lực lượng này thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, tuần tra, luồn rừng trên toàn lâm phần Vườn Quốc gia. Nhờ đó, đã kiểm tra, phát hiện, bắt nhiều vụ vi phạm lấy ong, bắt động vật hoang dã, chuyển đến cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Là Ðội trưởng Ðội Cơ động bảo vệ rừng, anh Quách Văn Tường chia sẻ: “Hàng ngày, tổ sẽ nắm bắt thông tin từ bên ngoài, luồn sâu kiểm tra đối với những khu vực nguy cơ cháy, khu vực có động thực vật rừng trú ngụ nhiều, để ngăn chặn những người ra vào săn bắt, lấy ong, bắt cá hay những động vật, tài nguyên dưới tán rừng”.

"Vào mùa này, anh em ở đây vất vả lắm, trực cao điểm 24/24, đảm bảo đủ quân số 100%. Thông thường, sáng tập trung tất cả anh em, chia nhau đi kiểm tra tất cả các địa bàn. Hôm nay đi khu vực này, ngày mai sẽ xoay vòng đi khu vực khác. Bởi thời điểm này, người dân hay lẻn vào rừng ăn ong, xiệc cá… Ðồng thời, khi luồn rừng sẽ kiểm tra mực nước rừng, diện tích khô hạn, tang vật của các đối tượng vào săn bắt. Nếu đi đường xuồng dưới kênh xáng sẽ không phát hiện được nên phải luồn sâu bên trong tán rừng, có khi đi 5-10 km", anh Tường bộc bạch.

"Hiện nay, lực lượng trực trong ngày khoảng 80 người. Mặc dù tình hình khô hạn chưa đến mức nguy cơ, báo động, nhưng đơn vị luôn đảm bảo lực lượng trực tại chỗ. Sắp tới vào cao điểm mùa khô sẽ tăng cường nhiều lực lượng như cảnh sát phòng cháy chữa cháy, kiểm lâm, kể cả dân quân tự vệ… cùng với công nghệ thông minh, Vườn Quốc gia U Minh Hạ quyết tâm đảm bảo mùa khô an toàn cho cánh rừng", ông Dũng quyết tâm./.

 

Phi Long

 

Liên kết hữu ích

Ðồng tâm hiệp lực phòng, chống sạt lở

Khi nào Cà Mau khắc phục được tình trạng sạt lở ven biển, ven sông? Ðây là câu hỏi hiện nay gần như chưa ai có câu trả lời chính xác. Bởi tình trạng sạt lở luôn diễn biến khó lường, trong khi hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn thiện, nguồn lực lại đang khó khăn...

Nhiều hạn chế cần khắc phục trong phòng, chống thiên tai

Vừa qua, trưởng các khu vực đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn được phân công phụ trách trong toàn tỉnh. Trên cơ sở kiểm tra thực tế, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, đánh giá, công tác tổng kết PCTT&TKCN năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 đã được các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

An toàn của người dân là trên hết

Ðể kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thích nghi với triều cường biến động, xã Khánh Hội, huyện U Minh chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là ngư dân trong việc chủ động phòng chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Sẵn sàng hỗ trợ người dân

Mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất, xâm nhập mặn... là những loại hình thiên tai được dự báo sẽ có nguy cơ diễn ra từ nay đến cuối năm và sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, nhất là sản xuất của người dân. Trước dự báo này, người dân cần chủ động bảo vệ sản xuất, tài sản.

Vất vả nghề bám biển

Vất vả và luôn phải đối diện với hiểm nguy, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà ngư dân phải đối mặt trong hành trình mưu sinh trên biển. Quá trình lao động nơi đầu sóng của những ngư dân, đôi lúc phải đánh đổi bằng cả tính mạng, nhất là đối với các phương tiện nhỏ.

Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2024 còn khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên biển Ðông, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển.

Chủ động ứng phó thiên tai trên biển

Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên biển đang được sự quan tâm đặc biệt, khi thời tiết biến đổi liên tục và thất thường. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, có buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Cà Mau về nhiều phương án phòng chống thiên tai và hỗ trợ ngư dân trên biển trong tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH).

Bảo vệ nhà ở và sản xuất trước thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa dông, lốc xoáy làm sập, tốc mái 24 căn nhà (sập hoàn toàn 5 căn, tốc mái 19 căn); chìm 3 tàu cá, hư hỏng 2 cụm pa nô, tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Nhiều khó khăn trong thu quỹ Phòng, chống thiên tai

Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, tại huyện U Minh, nhiều năm qua việc thu quỹ PCTT luôn đạt thấp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang chậm trễ trong việc nộp quỹ.

Kiểm soát chặt, thích ứng nhanh

Những tháng cuối năm, vùng biển phía Nam là nơi thường xuyên xuất hiện bão, mưa lớn và gió mạnh. Ðể đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ra khơi, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp an toàn, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn ngư dân trang bị những thiết bị cần thiết trên tàu cá.