ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 18:53:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bảo vệ tài sản mùa mưa bão

Báo Cà Mau (CMO) Mưa lớn kèm theo dông lốc, gió giật mạnh, là những hiện tượng thời tiết thường xuyên xảy ra trong mùa mưa bão, hàng năm đều gây thiệt hại không nhỏ về nhà cửa và cả sản xuất của người dân. Do đó, việc chằng chống nhà cửa kịp thời và đúng cách đang là một trong những giải pháp cần thiết để hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Có thể thấy, đến thời điểm này, ngoài thiệt hại về người, tàu cá, lộ giao thông, thì thiên tai, cụ thể là dông, lốc xoáy, còn làm hơn 661 căn nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó ngập 572 căn, sập hoàn toàn 29 căn, tốc mái 52 căn và hư hỏng 8 căn.

Hay như trong năm 2020, đã xuất hiện 9 cơn bão hoạt động trên biển Ðông, 1 áp thấp nhiệt đới, có 11 đợt gió mạnh trên biển. Bên cạnh đó, hầu hết các cơn mưa kèm theo dông, lốc, một số ít có kèm sấm sét. Tổng thiệt hại về tài sản lên đến trên 29,5 tỷ đồng, trong số này mưa dông, lốc xoáy đã làm sập 166 căn nhà và tốc mái 691 căn.

Những con số thống kê trên cho thấy, mưa bão, dông lốc đã và đang tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về nhà cửa và sản xuất của người dân. Các xã ven biển thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển, là những khu vực dễ bị tổn thương do bão, áp thấp nhiệt đới và cả triều cường. Các hiện tượng thời tiết cực đoan này tác động đến tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp đến cơ sở hạ tầng, sức khoẻ và đời sống của người dân, nhất là những hộ nghèo và cận nghèo, nhà ở thiếu kiên cố.

Khu vực ven biển như thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân là một trong những địa phương có nguy cơ ảnh hưởng lớn khi có bão.

Ðến nay dù đã qua hơn 20 ngày kể từ khi ngôi nhà bị đợt gió lớn ngày 18/7 làm tốc mái hoàn toàn, nhưng ông Quách Văn Tính (Ấp 10, xã Khánh Tiến, huyện U Minh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại: “Chỉ 1 luồng gió mạnh trong vài phút đã làm tốc hoàn toàn mái nhà trước, ước thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Do diễn ra nhanh và bất ngờ nên cũng không kịp làm gì, ngoài việc tìm nơi ẩn nấp an toàn”.

Không riêng gia đình ông Tính, theo thống kê của huyện U Minh, hiện nay toàn huyện có 15.303 căn nhà thuộc diện phải chằng chống, nằm rải rác trên địa bàn 8 xã, trong đó nhiều nhất là xã Nguyễn Phích với khoảng 4.886 căn, kế đến là Khánh An hơn 2.927 căn, Khánh Lâm 2.453 căn, Khánh Tiến 1.360 căn, Khánh Hội 1.320 căn… Theo đó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã chủ trì phối hợp với các lực lượng vũ trang, UBND cấp xã, thị trấn hướng dẫn người dân chằng chống đúng cách và cử lực lượng hỗ trợ Nhân dân chằng chống nhà đảm bảo an toàn.

Không riêng huyện U Minh mà hiện nay nhiều địa phương, nhất là các địa phương ven biển đang tiến hành công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa. Chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân Trần Quốc Yên cho biết: “Ðể giúp người dân hiểu và chủ động, thị trấn đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức về phòng, chống thiên tai. Trong đó, đã tiến hành hướng dẫn cụ thể từng hộ dân các biện pháp thực hiện để ứng phó với thiên tai, nhất là trong việc chuẩn bị vật tư cần thiết để chằng chống nhà cửa và kỹ thuật chằng chống. Riêng đối với những ngôi nhà thuộc diện nhà tạm bợ, không có khả năng chống chịu ngay cả khi đã chằng chống, thì thị trấn cũng đã có phương án sơ tán người, tài sản đến những địa điểm an toàn khi có bão”.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, có nhiều cách để chằng chống nhà, giảm thiểu tốc mái. Có thể sử dụng vật liệu bằng bao cát, thanh nẹp và cây gỗ, thép… Tuy nhiên, trong quá trình chằng chống cần tiến hành đúng cách. Cụ thể theo khuyến cáo, nếu dùng bao cát thì trọng lượng mỗi bao từ 15-20 kg, nối với nhau bằng dây và đặt vắt qua mái nhà sao cho các bao cát nằm sát trên đầu tấm lợp hoặc mép tiếp giáp của các tấm lợp. Khoảng cách giữa các bao cát là 1,5 m ở vùng giữa mái và 1 m ở phần mép mái. Nếu sử dụng bằng thanh nẹp thì các thanh nẹp cách nhau từ 1,5-2 m tại mép chồng lên hai tấm lợp. Ðục lỗ tại các đỉnh mút tấm lợp, dùng thép buộc thanh nẹp vào xà gồ, đòn tay.

Chủ động chằng néo nhà cửa vào mùa mưa bão là một trong những giải pháp hạn chế thiệt hại khi có mưa dông, gió giật.

Ngoài ra, còn có giải pháp giảm thiểu tốc mái, đổ mái bằng giằng chữ A kết hợp dây neo xuống đất. Tiến hành đặt các thanh chặn ngang bằng cây, gỗ, thép lên mái cách nhau khoảng 1 m. Ðặt tiếp các giằng chữ A, đỉnh chữ A nằm tại nơi tiếp giáp giữa 2 mái nhà, cách nhau khoảng 2,5 m lên thanh chặn. Cột chặt thanh chặn và thanh giằng bằng dây thép hoặc các loại dây khác, sau đó dùng dây thép hoặc dây thừng, chão neo giằng chữ A vào các cọc cây đóng sâu xuống đất.

Với địa hình bằng phẳng không có sự chắc chắn, đặc biệt là nhà dân có khả năng thích ứng thấp, nên khi có bão khả năng gây thiệt hại vô cùng lớn. Do đó, việc từng hộ dân tự nâng cao ý thức, nắm bắt các biện pháp thích ứng với thiên tai là cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro./.

 

Nguyễn Phú 

 

Ðồng tâm hiệp lực phòng, chống sạt lở

Khi nào Cà Mau khắc phục được tình trạng sạt lở ven biển, ven sông? Ðây là câu hỏi hiện nay gần như chưa ai có câu trả lời chính xác. Bởi tình trạng sạt lở luôn diễn biến khó lường, trong khi hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn thiện, nguồn lực lại đang khó khăn...

Nhiều hạn chế cần khắc phục trong phòng, chống thiên tai

Vừa qua, trưởng các khu vực đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn được phân công phụ trách trong toàn tỉnh. Trên cơ sở kiểm tra thực tế, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, đánh giá, công tác tổng kết PCTT&TKCN năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 đã được các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

An toàn của người dân là trên hết

Ðể kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thích nghi với triều cường biến động, xã Khánh Hội, huyện U Minh chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là ngư dân trong việc chủ động phòng chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Sẵn sàng hỗ trợ người dân

Mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất, xâm nhập mặn... là những loại hình thiên tai được dự báo sẽ có nguy cơ diễn ra từ nay đến cuối năm và sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, nhất là sản xuất của người dân. Trước dự báo này, người dân cần chủ động bảo vệ sản xuất, tài sản.

Vất vả nghề bám biển

Vất vả và luôn phải đối diện với hiểm nguy, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà ngư dân phải đối mặt trong hành trình mưu sinh trên biển. Quá trình lao động nơi đầu sóng của những ngư dân, đôi lúc phải đánh đổi bằng cả tính mạng, nhất là đối với các phương tiện nhỏ.

Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2024 còn khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên biển Ðông, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển.

Chủ động ứng phó thiên tai trên biển

Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên biển đang được sự quan tâm đặc biệt, khi thời tiết biến đổi liên tục và thất thường. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, có buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Cà Mau về nhiều phương án phòng chống thiên tai và hỗ trợ ngư dân trên biển trong tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH).

Bảo vệ nhà ở và sản xuất trước thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa dông, lốc xoáy làm sập, tốc mái 24 căn nhà (sập hoàn toàn 5 căn, tốc mái 19 căn); chìm 3 tàu cá, hư hỏng 2 cụm pa nô, tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Nhiều khó khăn trong thu quỹ Phòng, chống thiên tai

Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, tại huyện U Minh, nhiều năm qua việc thu quỹ PCTT luôn đạt thấp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang chậm trễ trong việc nộp quỹ.

Kiểm soát chặt, thích ứng nhanh

Những tháng cuối năm, vùng biển phía Nam là nơi thường xuyên xuất hiện bão, mưa lớn và gió mạnh. Ðể đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ra khơi, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp an toàn, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn ngư dân trang bị những thiết bị cần thiết trên tàu cá.