(CMO) Những năm gần đây, vấn nạn xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng, đã gióng lên hồi chuông báo động cần sự tham gia vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng. Trong đó, phải kể đến vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau.
Ông Ngô Đức Bính, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho biết: “Xâm hại trẻ em ở nhiều dạng tội phạm khác nhau như giao cấu, dâm ô, hiếp dâm. Trẻ em bị xâm hại tình dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả thể xác lẫn tinh thần, dẫn tới mặc cảm, khó hòa nhập cộng đồng. Hành vi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội, gây tâm lý hoang mang và bị xã hội lên án mãnh liệt”.
Theo thống kê của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, 10 tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã thụ lý 558 vụ. Trong đó, có 47 vụ liên quan đến xâm hại trẻ em. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, độ tuổi trẻ em bị xâm hại dưới 13 tuổi đang có xu hướng tăng, đa phần các vụ việc mà đối tượng xâm hại chủ yếu là người thân thích và người quen biết của bị hại.
Luật sư Ngô Đức Bính đến tận gia đình người bị hại để trợ giúp pháp lý
Ông Bính cho biết: “Những vụ án xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục nói riêng luôn được Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh quan tâm. Trung tâm đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, kịp thời phát hiện và cử người thực hiện trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em là người bị hại trong các vụ án hình sự”.
Là người trực tiếp trợ giúp pháp lý cho những trường hợp bị xâm hại trên địa bàn huyện U Minh, chị Nguyễn Cẩm Hường, Trợ giúp viên pháp lý huyện U Minh cho biết: “Có nhiều vụ người bị hại và gia đình người bị hại có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng nên họ không trình báo với cơ quan có thẩm quyền nên gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử...”.
Tháng 8/2020, chị Hường nhận hỗ trợ pháp lý cho gia đình chị T.T.L, ấp 3, xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Hoàn cảnh của chị L vô cùng khó khăn. Nhà đông con, nghèo khó, chồng chị làm nghề câu mực, mỗi con nước đi biển sau 20 ngày mới vào bờ. Hằng ngày, chị L phụ chồng làm thêm nghề vá lưới hoặc ai mướn gì làm nấy. Thời gian chăm sóc con cái không có nên bé T.T.M kết bạn chơi với nhiều thanh niên khác nhau và xảy ra quan hệ tình dục trong suốt thời gian dài khi em mới 13 tuổi.
Sự việc vỡ lỡ, chị L đau lòng tìm đến ngành chức năng can thiệp. Thông qua chị Hường chị L biết nhiều hơn về pháp luật để bảo vệ cho con của mình, nhưng tất cả đã muộn. Chị L bộc bạch: “Giờ tất cả đã quá muộn màng, từ khi xảy ra chuyện với đứa con gái, tôi luôn ở nhà lo cho cháu và các em của nó, cuộc sống vốn đã khó khăn giờ lại khó khăn hơn”.
Những đối tượng xâm hại con chị L sẽ bị trả giá về hành vi của mình nhưng nỗi ám ảnh thì có lẻ sẽ còn đeo đẳng đến suốt cuộc đời bé M. Giá mà, chị hiểu biết sớm hơn về pháp luật, giá mà chị có thời gian quan tâm nhiều hơn đến những thay đổi tâm sinh lý của con gái thì mọi chuyện đã theo chiều hướng khác.
Nỗi đau thể xác và tinh thần sẽ ám ảnh trẻ em bị xâm hại
Là có nhiều kinh nghiệm trong nghề trợ giúp viên pháp lý, Luật sư Ngô Đức Bính, Phó giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh nắm trong tay gần 60 vụ án hình sự liên quan đến trẻ em trong suốt 10 năm công tác. Ông Bính tâm sự: Những ngày tháng đầu tiên nhận công việc trợ giúp pháp lý (TGPL) vừa vất vả nhưng cũng đầy mới mẻ. Thời điểm đó, nhiều người dân chưa hình dung ra TGPL là gì, để họ hiểu thì mình phải tiên phong tuyên truyền đến từng địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa. Cũng hành nghề luật, làm công việc như luật sư nhưng khác với luật sư, công chứng viên, trợ giúp viên pháp lý không nhận tiền thù lao, nói cách khác là những “trợ giúp viên pháp lý 0 đồng” nhưng không vì thế mà chúng tôi tắc trách trong công việc.
Con số 60 vụ trẻ bị xâm hại được ông Bính bảo vệ thành công là minh chứng rõ ràng nhất cho chuỗi hoạt động TGPL thời gian qua. Đến thăm bé D.B.Tr, ấp Tân Ánh, xã Phú Hưng (Cái Nước). Đây là trường hợp ông Bính tham gia trực tiếp tố tụng từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sụ “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Người thực hiện hành vi không ai khác chính là dượng rể của cháu Tr. Lợi dụng sự non dại của bé và lòng tin của ba mẹ vợ. Đối tượng nhiều lần thực hiện hành vi của mình khi bé Tr, khi bé chưa tròn 12 tuổi. Sự việc bại lộ, bản thân đối tượng không biết hối cải mà còn thách thức gia đình bé Tr. “Tức nước vỡ bờ”, mẹ bé Tr trình báo với ngành chức năng để điều tra và truy tố đối tượng ra pháp luật.
Hoàn cảnh bé Tr vô cùng đáng thương, cha mẹ chia tay từ khi em mới lọt lòng. Vì cảnh nghèo, mẹ bé Tr gửi con cho mẹ ruột của mình nuôi nấng để mưu sinh nơi xứ người. Hơn 12 năm qua, Tr sống với ngoại thiếu tình thương và sự dạy dỗ của mẹ, ngoại già yếu không quan tâm nhiều đến cháu và dưới dự đe dọa của dượng nên dù có bị lợi dụng cháu Tr vẫn không dám kể cùng ai. “Cứ tưởng dượng yêu cháu như con. Nhưng đến khi mọi chuyện vỡ lỡ thì hối hận đã muộn”, ngoại bé Tr bùi ngùi.
Anh Bính chia sẻ: “Mỗi một vụ án là một câu chuyện khác nhau. Mình muốn xâm nhập vào nó thì phải đặt mình vào từng trường hợp. Không chỉ nói lý mà người ta nghe, vì vậy cần có cái tình để xoa dịu nỗi đau của gia đình và các em nhỏ. Phải có quyết tâm vạch trần hành vi vi phạm của đối tượng xâm hại trẻ em để họ trả giá trước pháp luật cho hành động của mình”.
Chính vì trách nhiệm, sự cảm thông cho những mảnh đời yếu thế nên đội ngũ trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn tỉnh luôn ý thức được công việc của mình. Họ mong muốn làm sao để “phủ sóng” được cho tất cả mọi người hiểu pháp luật. Không để người dân tìm đến mình mà những cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh còn chủ động đến với người dân để tư vấn pháp luật.
“Để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ xâm hại trẻ em trong thời gian tới, Trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về luật TGPL thông qua nhiều hình thức, phương pháp để người dân nhận thức đầy đủ hơn về Luật TGPL. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng. Đẩy mạnh tuyên truyền về giáo dục pháp luật về giới, về tình dục, về quyền của phụ nữ và trẻ em một cách sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm; nhất là huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em”. Ông Bính quyết tâm./.
Bài và ảnh: Kim Cương – Khánh Phương