(CMO) Thích ứng với tình hình mới, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên địa bàn tỉnh, hàng ngàn học sinh các cấp học phấn khởi trở lại trường, giải toả tâm lý cho các em sau thời gian dài học trực tuyến. Song, niềm vui kéo dài chưa lâu thì những ngày qua, cùng với số ca nhiễm của tỉnh có dấu hiệu tăng trở lại, số F0 trong học đường cũng tăng lên. Ngành y tế, địa phương và nhà trường đang nỗ lực kiểm soát, chủ động đảm bảo an toàn cho trẻ.
Theo ghi nhận của ngành giáo dục tỉnh, sau 3 tuần mở cửa các trường học, toàn tỉnh đã ghi nhận tổng số gần 508 ca nhiễm. Trong đó, 453 học sinh và 55 giáo viên. Chiếm cao nhất là giáo viên và học sinh bậc tiểu học với 60,2%; bậc THCS chiếm 27,7%; THPT, giáo dục thường xuyên 7,3%; thấp nhất là bậc mầm non 4,7%.
Lo ngại dịch bệnh tăng trong học đường
Ông Phạm Hoàng Gan, Phó giám đốc Sở GD&ÐT, cho biết: "Tính đến chiều 28/2, số ca nhiễm trong trường học tăng đáng kể. Dù cơ bản kiểm soát, song diễn biến dịch bệnh có chiều hướng đáng lo ngại. Ngành giáo dục đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đồng thời, chờ sự chỉ đạo từ cấp thẩm quyền".
Ðã qua, Sở GD&ÐT tỉnh phối hợp với ngành y tế phân loại, xác định F1 trong trường học, đối với trường hợp tiếp xúc gần, trực tiếp thì cách ly ở nhà 5 ngày theo dõi. Còn lại xét nghiệm toàn bộ lớp, nếu âm tính vẫn tiến hành học, đồng thời phân luồng riêng với các lớp khác. Nói chung, tất cả phương án đã được hướng dẫn rất kỹ đối với các cơ sở giáo dục và hiện tại các đơn vị trường học cũng thực hiện rất tốt.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, số ca nhiễm trong cộng đồng có xu hướng tăng, Sở GD&ÐT cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra việc dạy học và phòng, chống dịch của các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh. Kết quả, các nhà trường thực hiện khá tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định; đảm bảo an toàn cho quản lý, giáo viên và học sinh khi đến trường học. Các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm bệnh đã được xử trí kịp thời, đúng theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành giáo dục.
Học sinh các cấp học được đo nhiệt độ, khử khuẩn trước khi vào trường. |
Tuy nhiên, theo ông Gan, tỷ lệ trẻ mầm non, học sinh tiểu học đến lớp giảm, nguyên nhân chủ yếu khi trường học có F0 trong lớp, các trường hợp được xác định là F1 phải cách ly tại nhà và chuyển sang học trực tuyến, một số cha mẹ học sinh vẫn còn lo lắng, chưa yên tâm cho con đến trường.
Huyện Cái Nước ghi nhận 83 trường hợp học sinh và 18 giáo viên dương tính sau khi đi học trở lại, ông Phạm Minh Ðương, Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện Cái Nước, cho hay: “Ðối với lớp có F0, phụ huynh cũng dao động, nên số lượng học sinh một số lớp có giảm. Ngành giáo dục huyện chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với trạm y tế xử trí kịp thời khi phát hiện ca bệnh, đảm bảo an toàn cho các em còn lại để phụ huynh an tâm cho con em đến trường”.
Chủ động điều trị khi trẻ là F0
Ðể đáp ứng công tác điều trị F0 là trẻ em trong tình hình số ca nhiễm tăng, Bác sĩ Trương Minh Kiển, Phó giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi, cho biết: “Khi học sinh bắt đầu học trở lại, F0 sẽ tăng lên, điều đó nằm trong dự đoán của ngành chuyên môn. Bệnh viện luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các trường hợp F0 là trẻ em. Bệnh viện được phân 100 giường điều trị F0, trong đó có 40 giường điều trị tầng 3. Về con người và trang thiết bị, đặc biệt ô-xy, máy thở, đều trong tư thế sẵn sàng đón nhận bệnh theo quy trình đã được xây dựng trước".
Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau chuẩn bị lực lượng, giường bệnh đáp ứng điều trị trẻ khi bị nhiễm bệnh. (Ảnh minh hoạ: Khoa Cấp cứu Bệnh viện Sản - Nhi). |
Sau 3 tuần đi học lại, tính đến thời điểm này, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 20 ca F0 là trẻ em dưới 16 tuổi. Ða số trường hợp nhập viện là những trẻ có triệu chứng sốt cao; SpO2 giảm nhiều, hoặc có dấu hiệu khó thở hay không đủ điều kiện cách ly ở nhà.
Bắc sĩ Trương Minh Kiển bộc bạch: “Nhìn chung, các em chỉ có những triệu chứng nhẹ của tầng 1 và tầng 2, như sốt, ho, đau họng, mất vị giác. Riêng có 1 trường hợp nặng, biểu hiện khó thở, bắt buộc thở máy, đến nay tương đối ổn định. Bệnh viện vừa có phác đồ điều trị mới cho trẻ theo Quyết định 405 ban hành ngày 22/2/2022 của Bộ Y tế. Trong tuần này, bệnh viện sẽ tập huấn lại đội ngũ y, bác sĩ toàn tỉnh. Hiện nay, các bệnh viện tuyến huyện đã được phân tầng điều trị khá ổn, nên cũng không đáng lo ngại”.
Bác sĩ Kiển khuyến cáo, trong tình hình dịch như thế này, người dân, đặc biệt đối với phụ huynh học sinh, khi đưa con đến trường, phải theo dõi con em mình xem các triệu chứng để test kiểm tra. Khi phát hiện phải báo cáo cho trường học, các cơ sở y tế, chính quyền địa phương để cách ly. Ðồng thời, trường học đó áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch liên quan ca nhiễm F0.
Ðối với những trường hợp trẻ F0 nhẹ, không triệu chứng điều trị tại nhà, phụ huynh theo dõi như đo chỉ số SpO2, khi trẻ sốt cao, nhịp thở tăng lên thì báo với cơ sở y tế kiểm tra, hoặc đưa đến bệnh viện ngay. Về khâu chăm sóc trẻ nhỏ F0, thứ nhất vệ sinh bé; đeo khẩu trang; ăn uống bồi dưỡng; chăm sóc họng, miệng; nhà cửa sạch sẽ... Không nên sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, bởi hầu hết thuốc kháng vi-rút chống chỉ định với trẻ nhỏ./.
Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo Sở GD&ÐT chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo các trường học, chủ động theo dõi, phát hiện các trường hợp giáo viên, học sinh có những biểu hiện của Covid-19, phải kịp thời thực hiện nhanh các biện pháp giãn cách, không để tiếp xúc gần với giáo viên, học sinh khác. Ðồng thời, báo ngay cho trạm y tế kịp thời hỗ trợ thực hiện xét nghiệm sàng lọc theo quy định. Trường hợp phát hiện có biểu hiện của Covid-19, nhưng không báo cáo và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, nếu để dịch bệnh lây lan trong trường học thì hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm. |
Hồng Nhung