(CMO) Khôi phục và giữ rừng phòng hộ ven biển là giải pháp vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở. Theo đó, thời gian qua, nhiều giải pháp nhằm từng bước khôi phục rừng phòng hộ đã được triển khai dọc dài bờ biển từ Ðông sang Tây.
Theo thống kê, hiện nay diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh hơn 164.600 ha, trong đó diện tích có rừng khoảng 96.000 ha. Ðặc biệt, trong số này có trên 52.000 ha đất và rừng trồng ven biển. Diện tích rừng ngập mặn này không chỉ có vai trò điều hoà khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và gìn giữ ổn định môi trường sống… mà còn là vành đai bảo vệ, góp phần quan trọng giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, nhất là dông, lốc, bão và sạt lở.
Rừng phòng hộ ven biển nhiều năm qua phải chịu sức ép rất lớn từ sạt lở và cả tình trạng chặt phá của người dân để khai thác ven biển, hầm than... Các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh đã từng ước tính, tình trạng sạt lở trong hơn 10 năm qua đã khiến gần 6.000 ha đất và rừng phòng hộ khu vực ven biển bị mất. Trước những thách thức ấy, hàng loạt các dự án, công trình, giải pháp đã được tỉnh triển khai thực hiện với quyết tâm khôi phục rừng phòng hộ ven biển, bảo vệ rừng, bảo vệ tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân trước tác động của thiên tai.
Dự án xây dựng kè li tâm tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ khu vực Hương Mai, xã Khánh Tiến, huyện U Minh. |
Xây dựng kè tạo bãi để trồng rừng, triển khai dự án bơm bùn trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh nhiều khu vực bãi bồi ổn định, trồng cây ven sông, kênh… là những dự án tiêu biểu trong nỗ lực khôi phục rừng phòng hộ ven biển của tỉnh. Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Tô Quốc Nam, dù trong điều kiện thời tiết bất lợi nhưng các dự án xây dựng kè tạo bãi trồng rừng được triển khai rất quyết liệt. Ngoài ra, tỉnh còn tiến hành bơm bùn tạo bãi và tiến hành trồng lại rừng nhiều khu vực sạt lở trên tuyến biển Tây. Dọc theo khu vực ven biển, nơi nào mặt bằng đảm bảo điều kiện cho việc trồng rừng là tiến hành trồng ngay, bởi chỉ có khôi phục được rừng mới có thể hạn chế sạt lở.
Tỉnh cũng triển khai quyết liệt các giải pháp công trình kiên cố hoá đê biển, các công trình kè chống sạt lở, gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng ngập mặn ven biển... Dù nguồn kinh phí vô cùng khó khăn, song, nhờ tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và huy động nhiều nguồn lực khác, từ năm 2012 đến nay, dọc theo khu vực ven biển từ Tây sang Ðông, đã có hơn 54,5 km kè được đầu tư xây mới; trong đó có công trình kè bờ biển Tây dài 41,5 km, bờ biển Ðông dài hơn 12,9 km. Hệ thống công trình này đã khắc phục được tình trạng xói lở đất, mất rừng phòng hộ ven biển.
Phía sau những công trình kè, bãi bồi dần được hình thành và cao hơn qua từng năm. Theo đó, công tác trồng rừng cũng được triển khai song song. Với nhiều nỗ lực, thời gian qua đã có hơn 168 ha rừng phòng hộ ven biển với các loại cây đặc trưng là mắm, đước, sú, vẹt được phục hồi, đảm bảo an toàn về nhà cửa cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân phía trong đê.
Rừng đang phục hồi nhanh một số đoạn khu vực cống Hương Mai. |
Bên cạnh những giải pháp công trình, hàng loạt các giải pháp phi công trình khác cũng được triển khai nhằm giảm áp lực từ dân sinh cho rừng phòng hộ ven biển. Tạo sinh kế để người dân dưới tán rừng có thu nhập ổn định, bền vững là một trong số các giải pháp tiêu biểu hiện nay. Nuôi trồng các loài thuỷ sản đặc trưng của rừng ngập mặn ở những khu vực được giao thuê khoanh nuôi, cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm là những loại hình sinh kế thời gian qua đã và đang mang lại thu nhập cao, bền vững cho người dân sinh sống trong khu vực rừng của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Khi người dân có cuộc sống ổn định từ rừng, thì chính họ trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nỗ lực xây dựng các dự án khu tái định cư để bố trí nơi ở ổn định cho người dân hiện đang sinh sống tại các vùng ven rừng, ven biển thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai. Giúp người dân dần có được cuộc sống ổn định đồng nghĩa với việc giảm được áp lực cho rừng. Giải pháp này thời gian qua đã mang lại hiệu quả khi các vụ vi phạm rừng ngày một giảm. Từ đầu năm đến nay, toàn lâm phần rừng ngập mặn xảy ra 33 vụ vi phạm, giảm 5 vụ so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện tại, tỉnh đang triển khai nhiều dự án khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong lâm phần. Thông qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cân bằng sinh thái, đặc biệt là giảm rủi ro và thiệt hại do thiên tai./.
Nguyễn Phú