(CMO) Không chỉ giúp học sinh được cộng điểm khuyến khích vào kỳ thi xét tuyển lớp 10 và tốt nghiệp THPT, dạy nghề phổ thông (NPT) còn có ý nghĩa thiết thực là giúp học sinh có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc có kỹ năng lao động sản xuất. Tuy nhiên, với mục đích cộng điểm được đặt lên hàng đầu nên dạy NPT hiện nay vẫn còn hình thức, chưa đi vào thực chất.
Theo phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT, học sinh bậc THCS (lớp 8) sẽ được học 70 tiết, bậc THPT (lớp 11) học 105 tiết NPT. Riêng đối với bậc THCS chỉ khuyến khích những trường có điều kiện chứ không nằm trong chương trình học bắt buộc.
Sớm tiếp xúc với nghề
Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 11.300 học sinh tham gia thi NPT. Trong đó có 9.300 học sinh bậc THPT, còn lại là bậc THCS. Sau khi hoàn thành chương trình học, học sinh được cộng điểm khuyến khích khi thi tốt nghiệp theo quy định.
Ngoài ra, cơ sở đào tạo sẽ cấp giấy chứng nhận cho học sinh để các em được công nhận trên thị trường lao động và được miễn trừ các nội dung này nếu có nguyện vọng theo học tiếp chương trình trung cấp chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Nghề tin học văn phòng được nhiều trường chọn vì có sẵn thiết bị thực hành từ phòng tin học. (Ảnh chụp tại trường THPT Thới Bình). |
Em Lý Đại Phú, học sinh lớp 11C, trường THPT Hồ Thị Kỷ, cho biết: “Theo em, nếu biết tận dụng nghiêm túc thì học NPT như tin học hay điện dân dụng rất có ích cho mình. Những kiến thức và kỹ năng cơ bản được tiếp cận không chỉ giúp em có thêm hiểu biết để hỗ trợ trong cuộc sống hằng ngày mà còn hỗ trợ rất nhiều trong học tập. Khi tốt nghiệp THPT, nếu không trúng tuyển vào các trường đại học như mong muốn, em có thể tiếp tục học nghề để làm việc tại các cơ sở”.
Từng tổ chức dạy nhiều nghề như chụp ảnh, nấu ăn, điện… nhưng sau khảo sát tình hình thực tế và nhu cầu phát triển, từ năm 2008, trường THPT Thới Bình chuyển sang dạy nghề lĩnh vực tin học.
Thầy Võ Văn Thử, Hiệu trưởng trường THPT Thới Bình, đánh giá: “Đối với những học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn hoặc những học sinh học lực trung bình không có điều kiện học tiếp cao đẳng, đại học thì học nghề là cơ hội để các em có thể tìm kiếm được công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. Do đó, học NPT là dịp để học sinh có thể định hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai”.
Nếu có sự tìm hiểu các lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân thì học NPT ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ là bước đầu tiên giúp học sinh làm quen tay nghề.
Ông Trần Văn Chính, giáo viên dạy nghề, trường THPT Thới Bình, nhận thấy những năm gần đây thi tốt nghiệp trở nên nhẹ nhàng hơn nên nhiều học sinh xem nhẹ việc học NPT, học chỉ mang tính chất đối phó, được cộng điểm. Đối với lĩnh vực tin học văn phòng, những kiến thức và kỹ năng học sinh được học có thể hỗ trợ thêm những môn học khác mà còn rèn các kỹ năng cơ bản để sau này học sinh có thể đi chuyên sâu hơn. Do đó, dù được cộng điểm hay không cộng điểm, NPT cũng cần thiết đối với học sinh.
Đã đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của học sinh?
Năm học 2017-2018 là năm học đầu tiên trường THPT Hồ Thị Kỷ trực tiếp tổ chức dạy nghề phổ thông cho học sinh bậc THPT (lớp 11). Những năm trước đây, việc dạy nghề phổ thông cho học sinh được trung tâm hướng nghiệp và kỹ thuật phụ trách, do cơ sở vật chất của nhà trường không đáp ứng được việc dạy NPT.
Các nghề phổ thông mà học sinh có thể lựa chọn như: tin học văn phòng, điện dân dụng, nấu ăn, cắt may… Tuy nhiên, với đội ngũ giáo viên hiện có, nhà trường quyết định chọn nghề điện dân dụng vì chỉ có giáo viên dạy môn Vật lý là đủ để đảm bảo thực hiện dạy NPT cho 13 lớp 11.
Nghề nấu ăn cũng thu hút sự quan tâm của học sinh. (Ảnh chụp tại trường THPT Cà Mau). |
Thầy Nguyễn Văn Bàng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong dạy NPT cho học sinh của trường hiện tại chính là cơ sở vật chất. Mỗi tuần trường tổ chức cho học sinh học 2 buổi vào các ngày thứ Tư và thứ Sáu. Do phòng học không đủ nên trống phòng nào thì tận dụng phòng đó để học. Đặc biệt, nhà trường triển khai dạy lý thuyết cho học sinh trước vì phòng và thiết bị thực hành vẫn chưa có. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy nghề”.
Không chỉ riêng trường THPT Hồ Thị Kỷ mà hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh đều dạy NPT dựa vào điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của nhà trường có sẵn. Nghĩa là những học sinh có đam mê hoặc sở thích với nghề này cũng đành chấp nhận học nghề khác, chưa đáp ứng được cái học sinh cần. Trong khi đó, kết quả thi NPT của học sinh mỗi năm luôn ở mức cao (đa số là loại khá, giỏi).
Tốt nghiệp THPT và được tuyển vào đại học, cao đẳng là nguyện vọng chung của đa số học sinh hiện nay, học nghề có lẽ chỉ là sự lựa chọn cuối cùng khi các bạn trẻ không thể chạm tới ngưỡng cửa ước mơ. Với tâm lý chung đó, cộng thêm điểm số của môn NPT không ảnh hưởng đến điểm trung bình của năm học nên tuy có những ý nghĩa thiết thực, nhưng có lẽ NPT vẫn còn nặng về hình thức, chưa tạo được sự quan tâm, hứng thú đối với học sinh.
Em Trần Ngọc Ái Nhi, học sinh trường THPT Thới Bình, chia sẻ: “Mặc dù tin học là môn rất cần thiết, sẽ hỗ trợ cho em rất nhiều trong học tập và công việc sau này, nhưng em vẫn thích được học nghề nấu ăn. Em nghĩ, nếu có đam mê thì làm sẽ tốt hơn. Em mong muốn NPT trong nhà trường đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh”.
Với xu thế hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT trở nên nhẹ nhàng hơn thì việc cộng điểm nghề cho học sinh xét tốt nghiệp THPT khiến nhiều giáo viên đang băn khoăn NPT có còn nên duy trì hay không? Nếu duy trì và để phát huy được ý nghĩa thì dạy NPT cần có sự thay đổi, sắp xếp như thế nào để NPT đi vào thực chất, tránh học một cách hình thức?
Theo ông Trần Văn Chính, đối với tin học văn phòng, hiện nay giáo trình đã quá cũ, lỗi thời trong khi công nghệ thì luôn đổi mới. Do đó, ông mong muốn về phần giáo trình dạy tin học, giáo viên sẽ được tự chủ để cập nhật, truyền tải những thông tin mới nhất, tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho người học.
“Cộng điểm chỉ là yếu tố hỗ trợ học tập, có kiến thức cơ bản về nghề nghiệp mới là mục đích chính mà giáo dục nghề nghiệp muốn mang đến cho học sinh. Việc cơ sở vật chất còn khó khăn, không đảm bảo việc dạy nghề kèm theo tâm lý xem nhẹ của học sinh là nguyên nhân học NPT vẫn chưa thật sự đạt chất lượng như mong muốn”, ông Trần Văn Dũng, Phó trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT, cho biết./.
Kim Chi