(CMO) Với mục đích hỗ trợ người dân khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống, quỹ phòng chống thiên tai (PCTT) giúp người dân ứng phó khi xảy ra tình huống bất trắc trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, việc thu và sử dụng quỹ đến nay vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Bắt đầu triển khai thu quỹ PCTT vào đầu năm 2017, nhưng đến nay, mỗi năm tỉnh đều không thu đạt theo chỉ tiêu đề ra. Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Phó giám đốc Quỹ phòng chống thiên tai Nguyễn Long Hoai cho biết: “Thực hiện theo Nghị định 94/2014, quy định về thành lập và quản lý quỹ phòng chống thiên tai, tỉnh triển khai đồng bộ đến các địa phương. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ thu được trên 50% so với chỉ tiêu đề ra. Nguồn này rất khó thu, chỉ trên hình thức vận động là chủ yếu”.
Quỹ hỗ trợ thiên tai sẽ góp phần rất lớn hỗ trợ người dân trong mùa mưa bão. |
Được biết, năm 2018 kế hoạch của tỉnh thu 19 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm chỉ thu 10,5 tỷ đồng, đạt 55,7% kế hoạch. Riêng năm 2019, tính đến thời điểm hiện tại mới thu được 4,3 tỷ đồng, đạt 21,5% kế hoạch, nâng tổng quỹ thu đến thời điểm này gần 17 tỷ đồng (trong năm 2019 chi 2,6 tỷ đồng).
Như vậy, so với kế hoạch đề ra thì kết quả này còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu được các địa phương phản ánh chính là việc thu quỹ đối với đối tượng doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại, các đơn vị không hợp tác, kỳ kèo, không đóng đúng theo quy định, cũng không có chế tài xử lý khiến địa phương cũng lúng túng.
Theo Nghị định 94/2014, các đối tượng phải đóng góp bao gồm: Các doanh nghiệp với mức đóng góp bắt buộc 1 năm là 2/10.000 trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính hàng năm (tối thiểu là năm trăm ngàn đồng, tối đa một trăm triệu đồng) và tiền này sẽ được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn đối với cán bộ, công chức, viên chức đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp. Còn đối với những người dân, người lao động khác phải đóng 15 ngàn đồng/người/năm.
Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi Võ Chí Linh bộc bạch: “Năm 2018 kế hoạch giao thu 1,2 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp giao gần 200 triệu đồng, nhưng chỉ thu đạt 64%. Chủ yếu là nguồn thu từ cán bộ công chức, viên chức và người dân, thu của doanh nghiệp rất ít, họ đa phần không hợp tác".
Không riêng huyện Đầm Dơi, huyện Thới Bình cũng gặp khó khăn tương tự. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm trần tình: “Đến thời điểm này, đã thu quỹ được gần 800 triệu đồng, đạt 72,7%. Tuy nhiên, nguồn này chủ yếu từ cán bộ và người dân, huyện cũng rất khó trong thu doanh nghiệp, họ hoạch toán độc lập, dù đã có tuyên truyền vận động nhưng ý thức chưa cao. Tổng số tiền các doanh nghiệp trên toàn huyện phải đóng góp chỉ trên 100 triệu đồng, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ thu 1 triệu đồng, nhưng hiện thu chưa được 10%, chủ yếu vận động doanh nghiệp quen biết. Cần phải có biện pháp, chế tài”.
Không chỉ gặp khó trong việc thu quỹ, việc phân cấp quản lý và sử dụng nguồn quỹ theo Nghị định 94/2014 cũng bất cập. Hiện tại, theo quy định chỉ có Chủ tịch UBND tỉnh mới được quyền chi quỹ này. Các huyện, xã đều không được phân cấp, do vậy dẫn đến vấn đề thiếu tính chủ động khi có thiên tai bất thường xảy ra.
Thực tế cho thấy, sau đợt ảnh hưởng bão số 3 và triều cường bất thường gây nhiều thiệt hại cho địa phương, nhưng đến nay, nguồn quỹ này vẫn chưa được chi về các đơn vị để hỗ trợ người dân và địa phương. Ông Hoai cho biết: “Đã qua, địa phương cũng có đề xuất sửa chữa nghị định, trích 20% quỹ thu được cho huyện và 20% cho xã để họ chủ động khi thiên tai bất thường xảy ra, hỗ trợ kịp thời cho người dân. Khi nào vượt quá khả năng hỗ trợ của huyện, lúc đó mới trình tỉnh, như vậy sẽ dễ dàng hơn. Bởi, các huyện hầu như kinh phí để hỗ trợ dân rất hạn chế”.
Ngoài ra, hiện nay, việc thu quỹ mỗi địa phương cũng thu theo mỗi kiểu. Một số huyện giao về chi cục thuế thu các đơn vị doanh nghiệp, đơn vị UBND xã thì phụ trách thu người dân. Còn một số huyện khác thì giao về xã thu cả người dân lẫn doanh nghiệp. Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Thới Bình Trần Hoàng Vũ bộc bạch: “Năm 2018, chúng tôi thu nguồn quỹ này từ doanh nghiệp được vài tháng nhưng rất khó, doanh nghiệp không chịu hợp tác. Sau đó nhiệm vụ giao về các xã, ngành thuế chỉ hỗ trợ về sổ bộ”.
"Mặc dù nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng sắp tới tỉnh sẽ tiếp tục rà soát thống kê các đối tượng thuộc diện phải đóng quỹ tiến hành thu theo quy định nhằm đảm bảo quỹ cũng như nguồn ngân sách hỗ trợ dân kịp thời khi gặp thiên tai", ông Hoai cho biết thêm./.
Hồng Nhung