(CMO) Là lực lượng chiếm hơn 77% dân số toàn tỉnh, nông dân Cà Mau ngày càng khẳng định vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM; không ngừng thi đua lao động sản xuất, áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả.
Bắt nhịp xu thế phát triển, nông dân Cà Mau tham gia giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản sạch; các sản phẩm là đặc sản của Cà Mau đạt nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, sản phẩm công nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP... lên sàn giao dịch điện tử, doanh thu từ đầu năm đến nay hơn 1,5 tỷ đồng.
Nông dân Cà Mau tích cực đổi mới tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang hàng hoá quy mô lớn; sản xuất nông sản sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu, phát triển mô hình liên kết sản xuất nông sản hàng hoá theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ông Phạm Văn Biển, xã An Xuyên, TP Cà Mau (bên phải), áp dụng thành công công nghệ thuỷ canh hồi lưu vào trồng rau sạch trong nhà màng. Hiện trang trại của ông cung cấp ra thị trường 17 loại rau cải và xà lách đạt chuẩn VietGAP, mỗi tháng khoảng 2.000 kg.
Nông dân Trần Văn Lành, phường Tân Thành, TP Cà Mau, nhiều năm qua thành công với mô hình đa cây, con trên cùng diện tích. Ngoài nuôi cá chình, cá bống tượng, trồng rau màu, ông còn nuôi rắn ri tượng, cần đước, cá nước ngọt, giúp tăng thu nhập.
Mô hình trồng dưa lưới bằng đất hữu cơ NATA trong nhà màng, với hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel tại xã Tân Thành, TP Cà Mau, thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, đang được nhân rộng.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cánh đồng lúa năng suất kém ở Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh được thay thế bằng những ruộng bồn bồn xanh mướt, kết hợp nuôi cá đồng. HTX An Hoà ra đời đã giúp nhiều nông dân xứ rừng khấm khá.
Hệ thống nhà sấy của Công ty TNHH Kiên Cường (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn). Công ty đang hoàn chỉnh quy trình máy móc để nâng sản phẩm bánh phồng tôm từ chuẩn OCOP 3 sao lên 4 sao.
Quyên Thư thực hiện