(CMO) Theo bác sĩ Phan Văn Tam, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chi phí cho điều trị bệnh ung thư sẽ tăng dần theo độ nặng của bệnh cộng với chi phí cho thuốc tăng dần và chi phí cho dịch vụ y tế giảm dần. Gánh nặng kinh tế của căn bệnh ung thư là rất lớn. Vì vậy, trong quá trình điều trị, các bác sĩ cũng phải hết sức cân nhắc để thực hiện các chính sách y tế một cách hợp lý cho bệnh nhân”.
Anh V.V.Th, sinh năm 1964 ở ấp Nhà Máy C, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời bị bệnh ung thư đại tràng, đã trải qua 2 lần phẫu thuật và hiện đang nằm điều trị giảm sốc (bệnh đã di căn, đang ở vào giai đoạn cuối) tại khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau từ gần 2 tháng nay.
Anh Th cho biết, ban đầu anh chỉ cảm thấy đau quặn với những khối u to như quả chanh thường xuyên gò lên và di chuyển lên xuống ở những vị trí khác nhau bên dưới thành bụng tùy theo thời điểm; việc đi đại tiện của anh cũng rất khó khăn, không theo một chu kỳ nhất định nào và luôn bị táo bón. Hiện tượng bất thường này đã kéo dài gần 1 năm. Mặc dù anh có điều trị bằng các phương pháp Đông - Tây y kết hợp, song bệnh tình vẫn không thuyên giảm mà ngày càng có biểu hiện nặng hơn. Sau khi đi thăm khám tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, anh Th được các bác sĩ ở đây xác định anh đã bị khối u ác tính đại tràng.
Anh V.V.Th bị bệnh ung thư đại tràng, đang được điều trị tích cực tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. |
Do gia cảnh khó khăn, không đất sản xuất, hằng ngày gia đình anh phải đi làm thuê kiếm sống, vì vậy anh không có điều kiện đi tầm soát để phát hiện sớm căn bệnh ung thư. Đến khi phát hiện, căn bệnh của anh ở vào giai đoạn muộn và đã di căn. Việc điều trị theo phác đồ hiện nay đã giúp cho tình trạng sức khỏe của anh có phần ổn định hơn.
Tuy nhiên, theo anh Th, mặc dù anh đã có bảo hiểm y tế hộ nghèo, nhưng chi phí cho mỗi lần nhập viện điều trị, ngoài khoản thanh toán của bảo hiểm y tế ra, anh còn phải đóng viện phí từ 5-7 triệu đồng cho các khoản chi phí dịch vụ khác theo quy định. Vợ anh Th cho biết: “Hiện nay tôi phải chạy vay mượn khắp nơi để có tiền điều trị cho chồng. Cứ sau 1 tuần nằm điều trị tại bệnh viện, xuất viện được vài ba tuần thì lại phải nhập viện tiếp, nên chi phí cho thuốc men ngày càng nhiều hơn”.
Rõ ràng, đây thật sự là gánh nặng kinh tế không hề nhỏ cho những bệnh nhân chẳng may mắc phải căn bệnh ung thư nan y này, nhất là đối với bệnh nhân nghèo. Thực tế theo ghi nhận của chúng tôi tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho thấy, hầu hết bệnh nhân ung thư đang nằm điều trị tại đây đều thuộc đối tượng nghèo khó, hoặc do thời gian điều trị dài hạn nên gia đình đã rơi vào cảnh khánh kiệt, phải vay mượn khắp nơi, thậm chí có nhiều gia đình phải bán đất đai, chuyển nhà.
Bác sĩ Châu Tấn Đạt, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hơn 50% bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tốn kém về chi phí điều trị bệnh. Trong khi gánh nặng tài chính đối với bệnh nhân ung thư ngày càng cao, thì số bệnh nhân mắc căn bệnh này cũng có xu hướng ngày càng gia tăng. Nếu như trước đây, người ta thấy nhóm tuổi trên 60 có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất thì những năm gần đây, độ tuổi bị bệnh ung thư đang ngày càng trẻ hóa, thường rơi vào giai đoạn có độ tuổi phổ biến từ 30-40, thậm chí là còn trẻ hơn”.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa, để ngăn chặn tình trạng ung thư nói chung và tình trạng trẻ hóa ung thư nói riêng, người dân nên duy trì chế độ khám sức khỏe tối thiểu 1 hoặc 2 lần/năm nhằm kịp thời tầm soát, phát hiện sớm các loại bệnh tật, trong đó có ung thư. Đặc biệt, đối với những nhóm có nguy cơ cao như: nghiện rượu, bia, thuốc lá; làm việc trong môi trường độc hại... thì càng nên tầm soát dày hơn và sớm hơn./.
Phương Vũ