Khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau hiện có 55 giường nội trú, 1 phòng khám chuyên khoa ung bướu, phẫu trị, hoá trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ, đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của bệnh nhân.
Bác sĩ CKI Châu Tấn Ðạt, Trưởng khoa Ung bướu, cho biết: “Tháng 7/2022, khoa đưa hệ thống máy xạ trị gia tốc vào điều trị bệnh nhân ung thư. Ðây là một trong những máy xạ trị hiện đại nhất hiện nay, giúp bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị yên tâm điều trị tại tỉnh, đỡ tốn kém, góp phần giảm quá tải tuyến trên”.
Từ tháng 7/2022, Khoa Ung bướu - Bệnh viện Ða khoa Cà Mau đã đưa hệ thống máy xạ trị gia tốc vào điều trị bệnh nhân ung thư.
Trước đây, khi có chỉ định xạ trị cần chuyển lên tuyến trên. Từ khi có hệ thống xạ trị này, bệnh viện áp dụng đầy đủ cách điều trị đa mô thức (phẫu - hoá - xạ). Từ đó, lịch điều trị của khoa ngày càng tăng. Bệnh nhân và người nhà đỡ chi phí đi lại, đỡ chờ đợi vì lên tuyến trên bệnh nhân rất đông.
Cho đến nay, điều trị các bệnh ung thư chủ yếu có 3 phương pháp chính là phẫu thuật (mổ mở, nội soi), xạ trị (xạ trị từ ngoài, xạ trị áp sát, uống dược chất phóng xạ) và điều trị toàn thân (hoá chất, nội tiết, miễn dịch, điều trị đích). Xạ trị bằng máy gia tốc (xạ trị ngoài) là phương pháp dùng hệ thống máy gia tốc để phát ra chùm tia bức xạ ion hoá có năng lượng đủ cao để tiêu diệt tế bào ung thư, trong đó có các loại ung thư vị trí ở não; ung thư vùng đầu cổ như vòm họng, khoang miệng, hạ họng, thanh quản, lợi hàm...; ung thư vùng ngực như phổi, vú...; ung thư đường tiêu hoá như trực tràng, thực quản...; ung thư hệ niệu như tuyến tiền liệt, bàng quang...
“Trước khi vận hành máy, khoa lên kế hoạch đưa bác sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên lên Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh đào tạo trong 6 tháng. Song song đó, các chuyên gia từ Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh xuống để chuyển giao trực tiếp. Nhờ đó, hiện tại, bệnh viện đã làm chủ được công nghệ này”, Bác sĩ Ðạt cho biết.
Từ việc đào tạo chuyên sâu, tiếp nhận chuyển giao từ chuyên gia, bác sĩ từ các bệnh viện TP Hồ Chí Minh, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau làm chủ được công nghệ, thiết bị y tế hiện đại.
Từ đầu năm đến hết tháng 10/2023, công suất sử dụng giường bệnh tại Khoa Ung bướu đạt 125%, điều trị ngoại trú cho trên 4.700 ca, đặc biệt, xạ trị cho 283 ca.
"Thời gian tới, khoa kết hợp với một số khoa đưa bác sĩ đi đào tạo sinh thiết tiền liệt tuyến, sinh thiết phổi, phẫu thuật gan, nạo hạch và tạo hình ung thư đầu mặt cổ, phẫu thuật ung thư phụ khoa. Ðồng thời, triển khai điều trị nhắm trúng đích; tiếp tục tiếp nhận chuyển giao từ Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh để hoàn thiện các kỹ thuật xạ trị còn lại, cùng với đó định hướng phát triển xạ trị kỹ thuật cao IMRT”, Bác sĩ Ðạt thông tin thêm.
Trong 5 năm trở lại đây Khoa ung bướu tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngoài tỉnh.
Bác sĩ CKII Bùi Ðức Văn, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau, cho biết: “5 năm trở lại đây, bệnh viện được đầu tư, trang bị nhiều thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tim mạch có hệ thống DSA chụp động mạch vành, can thiệp đặt stent mạch vành cho bệnh nhân và đã cứu sống được hàng ngàn bệnh nhân. Ngoài ra, hệ thống DSA còn chụp được mạch não để can thiệp kịp thời những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, đột quỵ. Ðặc biệt, bệnh viện đã trang bị được hệ thống xạ trị tương đối hiện đại so với khu vực, điều trị cho rất nhiều bệnh nhân địa bàn tỉnh Cà Mau và cả bệnh nhân ở các tỉnh lân cận”.
Về cơ xương khớp, Bệnh viện Ða khoa tỉnh được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật thay khớp háng bán phần cũng như toàn phần; đang tiếp tục tiếp nhận chuyển giao thay khớp gối. Song song đó, các kỹ thuật khác của khoa, phòng khác cũng được trang bị máy móc hiện đại.
"Mới đây, Khoa Xét nghiệm được công nhận ISO 15189:2012. Thẩm định này đánh giá Bệnh viện Ða khoa tỉnh là bệnh viện đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long cùng lúc được công nhận 3 chỉ số về hoá học, huyết học và vi sinh. Kết quả xét nghiệm của bệnh viện hiện tại được lưu hành toàn quốc và có thể ra thế giới vì đã được công nhận”, Bác sĩ Văn khẳng định./.
Kim Cương