Hiện nay, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, bệnh tay - chân - miệng (TCM) diễn biến phức tạp. Liên tiếp những tuần gần đây, số ca bệnh luôn ở mức cao, trung bình mỗi tuần ghi nhận hơn 15 ca bệnh và chưa có dấu hiệu giảm. Ðịa phương tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống để sớm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ người dân.
Trong năm 2023, huyện Ngọc Hiển ghi nhận 229 ca bệnh TCM, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ. Gần 2 tháng qua, bệnh bùng phát mạnh và tăng đột biến. Các địa phương có số ca nhiễm cao gồm thị trấn Rạch Gốc, các xã: Ðất Mũi, Tân Ân và Viên An Ðông.
Bác sĩ CKI Trần Văn Phước, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Mặc dù số ca mắc tăng cao nhưng Trung tâm đảm bảo tiếp nhận và điều trị khá tốt. Trong tổng số ca mắc, có 95 ca bệnh phải nhập viện, Trung tâm đã điều trị khỏi hoàn toàn, chỉ chuyển tuyến trên 1 ca”.
Theo Bác sĩ Phước, đa số ca nhiễm TCM ghi nhận ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, đã qua, trẻ lớn hơn và người lớn cũng mắc, chiếm khoảng 10%. Khó khăn hiện nay là công tác phòng bệnh tại hộ gia đình còn nhiều hạn chế, nhiều hộ chưa hiểu biết đầy đủ về bệnh TCM nên phát hiện trễ và khi đến khám thường có biểu hiện nặng.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển thăm khám cho trẻ nhiễm bệnh.
Thấy con sốt nhẹ, miệng loét, ngủ hay giật mình, quấy khóc, chị Phan Thị Tuyết Nghi ở Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, ra tiệm thuốc tây mua thuốc về cho con uống. Sau 2 ngày tự điều trị tại nhà, bé vẫn không khỏi, lòng bàn tay, chân nổi thêm nhiều đốt đỏ, chị Nghi mới đưa con đến Trung tâm Y tế huyện khám.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán con chị mắc bệnh TCM, phải nhập viện điều trị ngay. Chị Nghi bộc bạch: “Bé mới 8 tháng tuổi, ở trong nhà, ít tiếp xúc người lạ nên tôi không nghĩ sẽ mắc bệnh này. Sau gần 2 ngày nhập viện điều trị, bé đã khoẻ nhiều, không còn nóng sốt và ngủ ngon giấc hơn”.
Cũng đang điều trị bệnh TCM cho con tại Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển, chị Lê Thị Diễm ở Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, cho biết: “Khi con mắc bệnh, gia đình rất lo, nhất là hiện nay bệnh có nhiều biến chứng nặng, ghi nhận nhiều trường hợp tử vong. Rất may, nhờ phát hiện và điều trị kịp thời, đến nay bé đã khoẻ hơn nhiều, các vết phồng rộp ở da đã xẹp, khô, những vết loét ở miệng đã lành và chuẩn bị xuất viện”.
Ðể kiểm soát bệnh TCM hiệu quả, ngành y tế địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Riêng đối với mỗi ca bệnh, nhân viên y tế đến giám sát, hướng dẫn xử lý vệ sinh trong bán kính 200 m; cấp Cloramin B, hướng dẫn người dân lau chùi nhà cửa, vệ sinh đồ chơi của trẻ đúng cách, đảm bảo phòng tránh dịch bệnh lây lan.
Ngoài ra, ngành y tế huyện còn phối hợp với các trường học, nhất là bậc mẫu giáo, tiểu học triển khai quyết liệt biện pháp phòng chống. Hiện, toàn huyện có 24 trường mẫu giáo và tiểu học với tổng số hơn 7.500 học sinh. Ngành y tế huyện đã phun hoá chất khử khuẩn cho tất cả điểm trường trên địa bàn, hướng dẫn giáo viên sử dụng hoá chất vệ sinh đồ chơi, giám sát các dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh để xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho trẻ.
Giáo viên Trường Mẫu giáo xã Tân Ân hướng dẫn các bé cách rửa tay đúng cách.
Cô Huỳnh Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Tân Ân, cho biết: “Ðể bảo vệ sức khoẻ cho gần 150 trẻ theo học tại trường, nhất là thời điểm dịch bệnh TCM đang bùng phát mạnh, trường luôn thực hiện nghiêm khâu vệ sinh. Bên cạnh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cho trẻ ăn chín, uống chín, trường khử khuẩn sàn nhà, đồ chơi, khu vệ sinh của trẻ. Ðồng thời, hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân để phòng bệnh”.
Bệnh TCM đang tăng nhanh, nhưng đến thời điểm này, ngành y tế huyện Ngọc Hiển vẫn kiểm soát tốt. Ðể đẩy lùi dịch bệnh, ngành y tế huyện xây dựng kế hoạch giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống bệnh hằng tuần tại các địa phương có số ca mắc và ổ dịch tăng nhanh. Sẵn sàng các điều kiện về trang thiết bị, nhân lực, thuốc, hoá chất và vật tư y tế để tiếp nhận, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân và dự phòng dịch bệnh lây lan trên diện rộng./.
Trúc Linh - Huỳnh Tứ