Trong bối cảnh hiện đại hoá và thay đổi lối sống, bệnh tim mạch vốn được xem là căn bệnh của người cao tuổi đang ngày càng trở nên phổ biến ở người trẻ. Đây là một cảnh báo nghiêm trọng khi mỗi năm, hàng nghìn người tử vong vì căn bệnh này.
- Biện pháp phòng bệnh tim mạch hiệu quả
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch từ hút thuốc lá
- Hút thuốc lá gây ra bệnh lý tim mạch
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới, trung bình mỗi năm có gần 18 triệu người trên thế giới tử vong do bệnh tim mạch, chiếm 1/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, bệnh tim mạch không chỉ gia tăng nhanh chóng mà còn vượt qua cả ung thư để trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với khoảng 200 ngàn ca tử vong mỗi năm. |
Bệnh tim mạch là các bệnh lý liên quan đến tim và hệ thống mạch máu, như: bệnh mạch vành, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim, tim bẩm sinh... Điểm chung của các bệnh lý này là làm giảm khả năng bơm máu và cung cấp oxy đến các cơ quan, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim và tử vong.
Nguy hiểm hơn, nhiều bệnh tim mạch diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu khiến nhiều người chủ quan, bỏ qua việc tầm soát và điều trị sớm. (Ảnh minh hoạ)
Thủ phạm ẩn sau thói quen thường ngày
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh tim mạch, trong đó phổ biến nhất là lối sống thiếu lành mạnh. Những hành vi như: hút thuốc lá, ăn nhiều chất béo bão hòa, thiếu vận động, căng thẳng kéo dài, thừa cân, béo phì, hoặc tiêu thụ quá nhiều rượu bia đều góp phần hình thành các mảng xơ vữa trong lòng động mạch, từ đó gây xơ vữa và tắc nghẽn mạch máu.
Ngoài ra, các yếu tố bẩm sinh hoặc di truyền cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều trường hợp trẻ em bị dị tật tim bẩm sinh nhưng không được phát hiện sớm do thiếu triệu chứng, chỉ được chẩn đoán tình cờ trong quá trình khám bệnh khác. Chính vì thế làm chậm trễ tiến trình điều trị và gây biến chứng nguy hiểm...
Mặc dù biểu hiện bệnh tim thường không rõ ràng, một số dấu hiệu cảnh báo vẫn có thể nhận biết nếu người bệnh chú ý: Các dấu hiệu như khó thở, đau tức ngực nhất là khi gắng sức, mệt mỏi kéo dài, ho dai dẳng, đánh trống ngực, chóng mặt hoặc ngất xỉu... Những triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với stress hoặc mệt mỏi thông thường, dẫn đến việc trì hoãn trong khám bệnh.
Thay đổi lối sống để phòng bệnh tim mạch
Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo, phòng bệnh hơn chữa bệnh bằng những hành động đơn giản nhất để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả gồm: Ăn uống khoa học, tăng rau củ quả, hạn chế muối, đường và chất béo bão hòa. Duy trì huyết áp, đường huyết, mỡ máu ở mức ổn định. Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, ngủ đủ giấc. Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày mỗi tuần. Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt với người có yếu tố nguy cơ hoặc tiền sử gia đình...
Khám sức khỏe định kỳ, chủ động bảo vệ tim mạch.
Bệnh tim mạch không chỉ là căn bệnh của người già, mà ngày nay nó đang dần “trẻ hóa” với những con số báo động. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu, duy trì lối sống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp mỗi người chủ động bảo vệ hệ thống tim mạch của mình.
BS Dương Thị Tú