(CMO) Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Theo ngành chức năng, ước tính năm 2017 cả nước có 541.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân. Trong đó, bệnh tim mạch đang gia tăng rất nhanh và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, chiếm 33% tổng số bệnh nhân tử vong. Cứ 3 người tử vong thì có 1 người do nguyên nhân tim mạch.
Thực hiện kiểm tra sức khoẻ định kỳ để phát hiện và điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh. |
Bác sĩ Ngô Minh Phước, Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến trẻ hoá các bệnh lý tim mạch ở nhiều người Việt Nam hiện nay là do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ... dẫn đến béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và cuối cùng là biến cố tim mạch.
Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc của lối sống hiện đại diễn ra trong thời gian dài khiến cơ thể của nhiều người bị căng thẳng. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim tại nhóm người trẻ tuổi. Lối sống gấp gáp, ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi không phù hợp là nguyên nhân khiến người trẻ mắc bệnh tim mạch càng nhiều.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu không kiểm soát các yếu tố gây bệnh lý tim mạch sớm thì hệ luỵ rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người bệnh mà còn để lại gánh nặng cho gia đình, xã hội. Ngoài ra, nhóm bệnh tim bẩm sinh không được phát hiện và điều trị sớm trong những năm đầu sau sinh cũng chiếm tỷ lệ bệnh lý tim mạch không nhỏ ở người trẻ.
Hiện nay, bệnh tim mạch vẫn đang là gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong cao và tàn phế cao nhất, chi phí chăm sóc điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng với hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, số bệnh nhân mắc bệnh có xu hướng ngày càng tăng. Ðáng lo hơn, những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang trẻ hoá với rất nhiều người mắc bệnh khi đang còn ở tuổi lao động.
Bác sĩ Ngô Minh Phước cho biết, bằng việc thực hiện kiểm soát huyết áp, đái tháo đường, cải thiện rối loạn lipid máu, bỏ thuốc lá và thay đổi lối sống làm giảm nguy cơ đột quỵ tim lần đầu và tái phát, đồng thời làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Phòng ngừa bệnh tim mạch là những biện pháp áp dụng để điều trị những yếu tố nguy cơ tim mạch góp phần ngăn chặn, trì hoãn hay làm thay đổi sự phát triển của bệnh xơ vữa mạnh máu lâm sàng (phòng ngừa nguyên phát) cũng như điều trị những người đã có biểu hiện bệnh động mạch vành (phòng ngừa thứ phát).
Ngoài việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý tim mạch, để tránh các hậu quả ngiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí có thể tử vong, mỗi người dân cần thực hiện các biện pháp sau đây: Theo dõi và kiểm soát tốt hàm lượng cholesterol trong máu, thực hiện chế độ ăn lành mạnh; theo dõi và kiểm soát huyết áp; không hút thuốc lá; phòng bệnh béo phì, giữ cân nặng đạt chuẩn; luyện tập thể dục, thể thao điều độ; tăng cường giấc ngủ, giảm căng thẳng; thực hiện kiểm tra sức khoẻ định kỳ...
Lê Kim