Từ đầu năm đến nay, tình trạng thiếu máu phục vụ công tác điều trị bệnh diễn ra tại các tỉnh, thành phố khu vực ÐBSCL, trong đó có Cà Mau. Bộ Y tế liên tiếp có 4 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp các đơn vị liên quan để giải quyết tình trạng này nhưng vẫn chưa khả quan. Nguyên nhân chính không phải là nguồn máu hiến bị thiếu mà là công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ chưa đảm bảo để bệnh viện tiếp nhận và cung cấp máu đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện lân cận.
Thiếu máu dẫn đến hàng loạt khó khăn trong công tác điều trị bệnh tại tỉnh Cà Mau. Mỗi năm, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau sử dụng từ 6-8 ngàn đơn vị máu. Bình quân 1 ngày, tại Bệnh viện Ða khoa Cà Mau sử dụng từ 30-50 đơn vị máu, thời gian gần đây, số lượng máu được cấp chỉ từ 30-50% số lượng này.
Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau đang quá tải bệnh nhân, trong khi số lượng máu cung cấp quá ít, gây khó khăn cho công tác điều trị bệnh, nhất là bệnh nặng.
Bác sĩ CKII Bùi Ðức Văn, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau, cho biết: “Vấn đề thiếu máu tăng dần, đặc biệt trầm trọng hơn là trong 2 tháng trở lại đây. Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ đã có công văn tạm ngưng cung cấp máu, chỉ cung cấp cho những trường hợp cấp cứu; yêu cầu Ban Giám đốc phải trực tiếp ký duyệt cơ số máu và điều xe lên Cần Thơ nhận. Lượng máu mà các bệnh viện tại Cà Mau nói chung, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau nói riêng sử dụng rất nhiều. Một chuyến đi chúng tôi chỉ có thể nhận từ 3-5 đơn vị máu. Còn trường hợp sử dụng tiểu cầu chúng tôi phải báo trước, chờ khi nào có mới lên nhận".
Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau cũng đang trong tình trạng được "cung cấp máu nhỏ giọt". Bác sĩ CKII Trương Minh Kiển, Phó giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết: “Khoảng 10 năm nay, theo Thông tư 26 của Bộ Y tế, tất cả máu đều tập trung về Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ để sàng lọc. Bệnh viện Huyết học - Truyền máu liên kết với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau tổ chức phong trào hiến máu và tất cả máu tiếp nhận được đều tập trung về bệnh viện sàng lọc. Hằng tuần, vào thứ Sáu, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu sẽ mang xuống giao cho Bệnh viện Sản - Nhi. Còn trong những trường hợp đột xuất, bệnh viện cho xe đi lấy. Quy trình từ xưa đến giờ là vậy. Tuy nhiên, trong 6 tháng gần đây, bệnh viện trên Cần Thơ bị thiếu máu trầm trọng nên không cấp máu cho các đơn vị được".
Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau cũng gặp tình trạng thiếu máu cung cấp cho bệnh nhân. Các bệnh nặng đều phải chuyển lên tuyến trên thay vì điều trị tại chỗ như trước đây.
Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau sử dụng rất nhiều máu cho cả ca sản và nhi. Về các ca sản, có các trường hợp như: rong kinh, rong huyết mất máu, tử cung vỡ... Ðối với trẻ em phải đối mặt với thiếu máu mãn tính, thứ Sáu hằng tuần phải vào đây truyền máu. Do thiếu máu trầm trọng nên công tác điều trị bệnh tại chỗ và kịp thời vô cùng nan giải.
Ðể giải quyết khó khăn trước mắt, Bác sĩ CKII Trương Minh Kiển chia sẻ: “Ðối với các bệnh phải truyền máu, chúng tôi phải chuyển bệnh nhân lên TP Hồ Chí Minh, vì Cần Thơ cũng không có máu. Có những ca mổ như: u nang, u xơ... chúng tôi cũng phải chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ, vì những trường hợp thiếu máu, chúng tôi không có máu để thực hiện các ca mổ. Chúng tôi đã liên hệ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu và họ cũng có công văn gửi Bộ Y tế. Bộ Y tế đã hứa sẽ có máu cung cấp cho các bệnh viện”.
Hiện tại, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau cũng phải tự thân vận động tìm và ký hợp đồng với những trung tâm khác với mong mỏi có đủ lượng máu điều trị cấp cứu cho bệnh nhân. Vì trường hợp nặng nếu không thực hiện mổ tại chỗ mà tốn thời gian chuyển đi sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Máu nhận từ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ sẽ được Khoa Xét nghiệm, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Cà Mau làm xét nghiệm thuận hợp trước khi truyền cho bệnh nhân.
Bác sĩ CKII Bùi Ðức Văn chia sẻ: “Chúng tôi đã liên hệ với Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy và được trung tâm này hỗ trợ máu hằng tuần, nhưng số lượng nhận được chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với các đơn vị truyền máu khác, có thể là ở Kiên Giang hay xa hơn... để tìm nguồn. Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ cũng như các đơn vị chức năng khắc phục tình trạng này, để đảm bảo nguồn cung máu”.
Hiện Sở Y tế TP Cần Thơ và Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ đang khẩn trương báo cáo UBND TP Cần Thơ tổ chức đấu thầu, mua sắm vật tư, hoá chất, sinh phẩm, túi máu...; báo cáo kết quả và tiến độ mua sắm về Bộ Y tế. Trong trường hợp vẫn chưa mua sắm được, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế tìm mọi cách huy động các nguồn lực của địa phương và xã hội để có vật tư, túi máu... phục vụ công tác cung ứng máu.
Hy vọng thời gian tới, tình trạng thiếu máu ở các bệnh viện sẽ được khắc phục. "Nếu không có nguồn cung cấp ổn định mà phải xin tạm từ nhiều nguồn như hiện tại thì thời điểm tết Nguyên đán sắp tới, bệnh viện thiếu 50% lượng máu cần thiết dự trữ cho các ca cấp cứu và điều trị. Từ đó sẽ dẫn đến khó khăn cho công tác điều trị bệnh", Bác sĩ Bùi Ðức Văn thông tin./.
Lam Khánh