(CMO) Ðể chủ động thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hiện nay bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, huyện đã xây dựng đầy đủ các chương trình, kế hoạch công tác trên một số lĩnh vực trọng tâm; ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp với các ngành, đoàn thể, cấp uỷ, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, qua 2 tháng đầu năm, số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giảm hơn 20.000 người so với cuối năm 2020.
Mỗi tháng ngành BHXH tỉnh đều tổ chức cao điểm ra quân tuyên truyền và khai thác đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. |
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên cho biết, các doanh nghiệp (DN) ở Cà Mau chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Theo số liệu thống kê, hiện còn 1.225 DN chưa đăng ký tham gia bảo hiểm cho 2.003 lao động; DN có sử dụng lao động nhiều chủ yếu là DN chế biến thuỷ sản, DN trong lĩnh vực xây dựng, tuy nhiên đa phần các DN này sử dụng lao động thời vụ trả công theo ngày, theo sản phẩm, gây khó khăn cho mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Theo số liệu phân tích từ dữ liệu hộ gia đình trong tỉnh, có đến 137.890 người đi lao động ngoài tỉnh, trong đó 106.936 lao động làm việc trong các DN có tham gia BHXH, ảnh hưởng đến bao phủ BHYT và khó có khả năng đạt tỷ lệ lao động tham gia theo mục tiêu Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Hiện tỷ lệ bao phủ đối tượng tham gia BHYT đạt 88,23%, chưa bao gồm lực lượng vũ trang và lao động ngoài tỉnh.
Hiện nay, công tác quản lý, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT trong tỉnh gặp không ít khó khăn do có quá nhiều cơ sở KCB tư nhân; các cơ sở KCB trong tỉnh tìm cách lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, kéo dài ngày điều trị… Khi BHXH phát hiện lập biên bản cảnh báo thì cơ sở chuyển sang hình thức lạm dụng khác.
Phần mềm kế toán tập trung đã chuyển đổi theo Thông tư số 102/2018 của Bộ Tài chính nhưng đến nay quyết toán phải nhập dữ liệu lại, nên gặp nhiều khó khăn trong khâu quyết toán; một số biểu mẫu quyết toán chưa lên số liệu hoặc số liệu lên sai, việc kết nối liên thông giữa phần mềm giám định và phần mềm kế toán vẫn chưa ổn định.
Công tác chi trả các chế độ BHXH không dùng tiền mặt (chi qua ATM) còn gặp nhiều khó khăn do máy ATM chủ yếu ở khu vực thành thị nên người lao động ở vùng sâu, vùng xa không đồng ý chi qua ATM.
Nhiều giải pháp
Ðể đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, BHXH tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch năm 2021 trên các mặt công tác; triển khai thực hiện đầy đủ văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh. Ðồng thời, tiếp tục chỉ đạo tham mưu cho UBND huyện, thành phố giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và BHTN cho các xã, phường, thị trấn; giao chỉ tiêu đối với các đại lý. Bắt đầu từ tháng 3/2021 thực hiện giao chỉ tiêu hàng tháng và kiểm soát kết quả thực hiện hàng tuần.
Ðồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và DN; đẩy mạnh giao dịch điện tử… Tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về BHXH, BHYT, các phần mềm nghiệp vụ của ngành; cập nhật hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chi trả các chế độ BHXH, BHTN và quản lý người hưởng, đảm bảo giải quyết chi trả đầy đủ, kịp thời quyền lợi và tăng mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, BHTN./.
Phúc Duy