(CMO) Ðóng BHXH bắt buộc được 13 năm thì đến tuổi hưu, lúc đầu ông Ngô Minh Huấn cũng có suy nghĩ nhận chế độ BHXH 1 lần nhưng được nhân viên BHXH tuyên truyền đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ thời gian hưởng lương hưu. Do vậy, ông Huấn đã đóng 1 lần cho đủ 20 năm. Chỉ sau 1 tháng đóng đủ thời gian, ông đã nhận được lương hưu.
Đây là một trong hàng trăm trường hợp người lao động (NLÐ) trong tỉnh không nhận chế độ BHXH 1 lần mà đóng tiếp BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, thẻ BHYT, đảm bảo cuộc sống khi về già.
Lương hưu từ BHXH tự nguyện
Ông Ngô Minh Huấn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Phường 5, TP Cà Mau, chia sẻ: “Tôi thấy hưởng lương hưu có nhiều cái lợi, khi đau ốm hoặc dịch bệnh vẫn có lương, còn thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh được hưởng 95%”. Ðến nay, ông Huấn đã được nhận lương hưu hơn 4 năm, hiện mỗi tháng khoảng 2,5 triệu đồng.
Trường hợp ông Nguyễn Ðình Hoạt, Chủ tịch Hội Người tàn tật và trẻ mồ côi Phường 5, khi đến tuổi hưu thì ông đã đóng BHXH bắt buộc được 19 năm. Lúc này ông suy nghĩ nếu nhận tiền chế độ BHXH 1 lần thì chỉ được vài chục triệu đồng tiêu xài rồi cũng hết. Vì vậy, ông quyết định đóng 1 lần để đủ thời gian hưởng lương hưu từ năm 2015 đến nay.
Ông Nguyễn Ðình Hoạt cho biết: “Nếu có lương hưu, mỗi tháng tôi đều có thu nhập, còn nếu lãnh chế độ BHXH 1 lần thì ngày tháng còn lại sau này phải lo cuộc sống. Hiện tại mỗi tháng nhận được 2,5 triệu đồng tiền lương hưu”.
Hiện toàn tỉnh có trên 230 người hưởng lương hưu hàng tháng theo chế độ BHXH tự nguyện và được cấp thẻ BHYT, khám chữa bệnh được hưởng 95% mức hưởng. Trong đó, người hưởng lương hưu cao nhất là 4,7 triệu đồng/ tháng, người hưởng lương hưu thấp nhất là 501.000 đồng/tháng. Lương hưu bình quân của những người hưởng chế độ hưu trí BHXH tự nguyện là 2,042 triệu đồng. Ngoài ra, cũng đã có 68 người được hưởng chế độ tuất từ BHXH tự nguyện.
Không nên hưởng chế độ BHXH một lần
Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên chia sẻ, mục tiêu BHXH nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho NLÐ khi hết tuổi lao động, từ đó trang trải được cuộc sống. Ngoài ra, còn được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, những năm gần đây do tình hình dịch bệnh, khó khăn trong việc tìm việc, NLÐ có suy nghĩ chọn phương án nhận BHXH 1 lần khi họ tạm thời thất nghiệp hoặc mất việc làm. Năm 2020, tỉnh Cà Mau có 10.329 người nhận BHXH 1 lần và 5 tháng đầu năm 2021 có trên 6.000 người nhận BHXH 1 lần, xu thế ngày càng tăng.
NLÐ đến làm thủ tục nhận chế độ BHXH 1 lần tại quầy giao dịch BHXH, Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh có xu hướng ngày càng tăng. |
“Là người quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, tôi cảm thấy nuối tiếc cho NLÐ, vì nếu NLÐ đã tham gia BHXH bắt buộc 5 năm hay 10 năm hoặc chưa đủ 20 năm mà chúng ta chọn phương án để nhận BHXH 1 lần, có nghĩa là số tiền mà NLÐ tích góp để sau này dưỡng già không còn nữa. Và sau khi NLÐ hết tuổi lao động sẽ không còn khoản thu nhập nào khác để trang trải cuộc sống về già. Thay vì sau này được lãnh lương hưu, được cấp thẻ BHYT để trang trải tuổi già, được chăm sóc sức khoẻ, không phụ thuộc vào con cháu", ông Trịnh Trung Kiên trăn trở.
Ðối với NLÐ tự do trong tỉnh hiện nay, qua tuyên truyền của ngành BHXH đã có hơn 20.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, ông Kiên mong rằng nếu NLÐ đã tham gia BHXH bắt buộc thì sẽ giữ lại số tiền đã đóng và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, thẻ BHYT khi về già.
Ông Trịnh Trung Kiên chia sẻ: "Khi NLÐ chẳng may bị mất việc làm, không còn giao kết hợp đồng lao động, không còn đóng BHXH bắt buộc thì NLÐ có quyền bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc, để khi sau này có ký kết hợp đồng lao động mới, có tiền công, tiền lương thì sẽ tiếp tục đóng BHXH bắt buộc, để khi đủ 20 năm sẽ được hưởng lương hưu".
Theo ông Trịnh Trung Kiên, thời gian tới, theo lộ trình sẽ sửa Luật BHXH là đóng BHXH 15 năm hay 10 năm sẽ đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ngoài ra, khi NLÐ không có giao kết hợp đồng để đóng BHXH bắt buộc thì NLÐ có quyền đóng BHXH tự nguyện, khi đó thời gian đã đóng BHXH bắt buộc cộng nối với thời gian đóng BHXH tự nguyện để đủ 20 năm hoặc 15 năm và tương lai là 10 năm thì vẫn được hưởng chế độ hưu trí. Chế độ hưu trí mà NLÐ đóng BHXH bắt buộc hay đóng BHXH tự nguyện đều giống nhau, đều được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá cả sinh hoạt và được cấp thẻ BHYT với mức hưởng 95% trên tổng chi phí điều trị khi đi khám chữa bệnh và khi từ trần thì thân nhân vẫn được hưởng mai táng phí, tiền tuất như chế độ hưu trí./.
Hồng Phượng