(CMO) Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chiến tranh biên giới Tây Nam chống lại tội ác diệt chủng của chính quyền Pôn Pốt, tỉnh Cà Mau có hàng ngàn người mẹ đã hiến dâng những người thân yêu của mình cho Tổ quốc: đó là những người chồng, người con, người cháu của các mẹ đã hy sinh hoặc mang thương tật vì độc lập, tự do của dân tộc.
Tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh có 118.039 đối tượng chính sách đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; 6.566 thương binh được cấp quà 27/7; 2.506 mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 112 mẹ còn sống. Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Ðảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội và các tầng lớp Nhân dân tỉnh nhà luôn quan tâm chăm lo các mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Hình ảnh các Mẹ Việt nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và thương bệnh binh luôn bình dị giữa đời thường nhưng là niềm tự hào của Ðảng bộ và quân, dân tỉnh nhà. Họ là những chứng nhân lịch sử, những di sản văn hoá truyền thống yêu nước quý báu của quê hương Cà Mau anh hùng.
Cuộc sống đời thường của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Thị Bay (81 tuổi, ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước). |
Mẹ Việt Nam anh hùng Ðoàn Thị Bảy (ấp Dân Quân, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân) thắp nén nhang cho chồng và con trai là liệt sĩ. |
Với Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Anh (93 tuổi, ở ấp Tapasa 1, xã Tân Phú, huyện Thới Bình), lao động là niềm vui, giúp mẹ lạc quan, yêu đời, sống lâu với con cháu. Mẹ Anh hiện được đơn vị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận phụng dưỡng đến cuối đời. |
Trở về cuộc sống đời thường sau chiến tranh với nhiều vết thương trên mình, thương binh Huỳnh Hải Thuyền (73 tuổi, ở ấp Hiệp Hoà Tây, xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi) miệt mài, hăng say lao động sản xuất và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. |
Huỳnh Lâm thực hiện