(CMO) Chiều ngày 11/10, Sở Tư pháp chủ trì cuộc họp cùng các sở, ngành, các huyện, TP Cà Mau bàn phương án rà soát thẩm quyền, mức chi, kinh phí và trình tự, thủ tục ban hành văn bản của UBND tỉnh theo quy định Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1502/QĐ-UBND, ngày 9/8/2021 và Quyết định số 1712/QĐ-UBND, ngày 4/9/2021 theo quy định tại điểm 12, mục II của nghị quyết.
Điểm 12, mục II quy định: Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Theo đó, Cà Mau có 158.761 người được xét hỗ trợ với số tiền 197,983 tỷ đồng (trong đó có 40.158 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo). Tính đến ngày 10/10, toàn tỉnh đã tiến hành chi hỗ trợ cho 105.530 người với số tiền trên 118 tỷ đồng.
Người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn xã An Xuyên, TP Cà Mau được nhận chi trả từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Ảnh: BĂNG THANH |
Hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung đối tượng cũng như mức chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Các đối tượng được bổ sung lần này gồm lao động làm thuê không theo hợp đồng lao động và dịch vụ tự làm (không có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế) như: tài xế, phụ xế, lái thuê xe dịch vụ, tài công (không bao gồm xe, ghe, tàu chở hàng hoá thiết yếu và xe được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ); người tự làm và người làm thuê: các hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản, mộc, nhôm, sắt, hàn, trần nhà, lắp ráp rạp, mái che; người làm nghề bốc vác, bốc xếp, chuyên chở, vận chuyển hàng hoá bằng phương tiện thô sơ; rửa xe, vá vỏ xe, sửa xe máy, máy nổ, ghe, tàu; làm đất, dọn cỏ thuê; người tự làm và làm thuê trong dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, điện gia dụng; người làm nghề may, sửa quần áo, sửa giày dép, dán decal, mài dao, kéo, đan đát, vá lưới.
Theo ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của các sở, ngành có liên quan, theo tình hình thực tế của địa phương, Sở sẽ tiếp tục xác định lại hình thức văn bản và tiến hành rà soát đợt 3 theo đúng trình tự, thủ tục quy định nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dừng hoạt động theo yêu cầu của cấp thẩm quyền để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, bị mất việc làm, mất thu nhập./.
Phương Lài