(CMO) Hiện nay rất nhiều phụ huynh sợ trẻ không ăn hết suất ăn sẽ không tăng cân, không đủ chế độ dinh dưỡng và thiếu sức đề kháng… từ đó suy nghĩ ra nhiều cách để dỗ cho con trong lúc ăn, như cho xem điện thoại, xem ti-vi và các trò chơi khác. Ngoài ra, còn có những cha mẹ khi bé không ăn thì la mắng, doạ nạt làm cho trẻ sợ khóc nhưng phải nuốt thức ăn trong miệng. Khi trẻ bị ép ăn nhiều lần dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn tâm lý, biểu hiện biếng ăn ngày càng nặng hơn và rất khó cải thiện.
Biếng ăn tâm lý là biểu hiện thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là ở những trẻ từ 6-36 tháng tuổi. Biểu hiện của trẻ biếng ăn là có biểu hiện lo lắng, sợ hãi khi thấy cha mẹ chuẩn bị bữa ăn, kể cả chỉ thấy cha mẹ cầm chén, muỗng là bé đã khóc mà không cần biết cha mẹ sẽ cho ăn những gì và nhất quyết không ngồi vào bàn ăn. Nhiều trẻ có biểu hiện ngậm chặt miệng, hay ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt.
Cha mẹ nên thay đổi món thường xuyên và trang trí món ăn hấp dẫn để kích thích trẻ ăn ngon miệng. |
Có trường hợp cha mẹ ép con ăn hết suất ăn trong khi con đã quá ngán dẫn đến trẻ ói ra hết, rồi cha mẹ lại tiếp tục chuẩn bị bữa ăn khác tiếp tục cho con ăn. Trẻ biếng ăn tâm lý sẽ ăn ít hơn những trẻ cùng trang lứa, nhiều trẻ biếng ăn chỉ ăn một số thức ăn mà trẻ cảm thấy thích. Có những trẻ không hoặc rất ít đòi ăn, nhiều trẻ tìm lý do để trốn tránh khi tới bữa ăn, như giả bộ đau bụng, giả no, thậm chí còn tìm cách làm đổ thức ăn, do vậy sẽ không nạp đủ dinh dưỡng.
Một khi đã biếng ăn thì trẻ sẽ bị thiếu vi chất dinh dưỡng, thường khi trẻ bị thiếu chất sắt dẫn đến thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu protein… làm ảnh hưởng đến sức đề kháng, trẻ chậm tăng cân và thường bị bệnh, lâu ngày trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng. Biếng ăn không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý khi thường xuyên bị cha mẹ la mắng, trẻ sẽ ngày càng xa lánh, ngại tiếp xúc với người thân trong gia đình.
Trẻ đến 6 tháng tuổi thì trẻ sẽ được kết hợp vừa bú sữa mẹ, vừa ăn bổ sung, đây là giai đoạn quan trọng để cha mẹ tập cho con thói quen ăn lành mạnh. Những ngày đầu tiên tập cho con ăn cha mẹ cần tạo cho con thói ăn đúng giờ, khoảng cách giữa các bữa ăn từ 2-3 giờ. Ăn đúng giờ sẽ giúp trẻ có khả năng tiết men tiêu hoá tốt hơn, do đó, trẻ sẽ cảm thấy ăn ngon miệng hơn. Thứ hai là cha mẹ cần chế biến các món ăn phù hợp với lứa tuổi và sở thích của trẻ, như đa dạng các món ăn, đổi món thường xuyên, trang trí món ăn hấp dẫn đẹp mắt, như vậy vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn.
Bác sĩ Ðinh Thị Nguyên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Dạy trẻ khả năng tự lập trong bữa ăn, để bé tự xúc ăn, làm quen với nhiều món ăn khác nhau để biết được món ăn nào trẻ yêu thích. Khi trẻ biếng ăn, nên ưu tiên những món yêu thích để trẻ dễ ăn hơn. Ðối với các trẻ lớn có thể cho tham gia nấu ăn, trang trí món ăn với những hình hấp dẫn cũng là cách để giúp trẻ cảm thấy thích thú với bữa ăn. Không nên kéo dài thời gian ăn, mỗi bữa ăn của trẻ nên gói gọn trong 30 phút, không doạ trẻ hay ép trẻ ăn hết suất khi trẻ không muốn ăn nữa, nếu trẻ quen ăn ít mỗi bữa thì có thể tăng số bữa trong ngày để trẻ ăn đủ lượng cần thiết”.
Một khi trẻ đã rơi vào tình trạng biếng ăn tâm lý thì nguy cơ trẻ thiếu các vi chất dinh dưỡng, như thiếu kẽm, thiếu sắt, vitamin nhóm B... Kẽm là vi chất có vai trò quan trọng giúp trẻ có khẩu vị và sức đề kháng tốt. Giai đoạn trẻ biếng ăn cũng có thể bổ sung thêm các loại men enzym và men vi sinh hỗ trợ tiêu hoá, tuy nhiên việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cần được thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế phụ trách dinh dưỡng. Nếu trẻ có xu hướng biếng ăn kéo dài thì các bậc phụ huynh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa dinh dưỡng để được bác sĩ khám, tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp và bổ sung các vi chất dinh dưỡng kịp thời, giúp trẻ phát triển toàn diện./.
Minh Khang