Ðội hình bóng đá Cà Mau sẽ có sự thay đổi ở giai đoạn 2.
Gần 30 năm lặn hụp ở các giải thi đấu phong trào và kiên trì thực hiện chỉ tiêu trụ hạng ở giải hạng Nhì quốc gia, năm 2015, bóng đá Cà Mau “thoát xác” thẳng tiến giải hạng Nhất quốc gia mùa bóng năm 2016.
Trong trận đầu tiên ra quân ở đấu trường chuyên nghiệp, bóng đá Cà Mau đã trở thành tâm điểm chú ý khi cầm hoà 0-0 với đội bóng đầy tham vọng Viettel ngay trên sân khách. Tuy nhiên, sau trận thua đậm TP Hồ Chí Minh 3-0 và tiếp theo là trận hoà 1-1 với XM Fico Tây Ninh trên sân nhà của mình, bóng đá Cà Mau đã bộc lộ sự non kém và đuối sức dần ở các vòng đấu kế tiếp. Với 5 trận thua và 3 trận hoà, Cà Mau xếp cuối bảng với 3 điểm sau 8 vòng đấu ở giai đoạn 1.
Không ngoài dự đoán
“Thành tích” chuỗi trận chiến bại của bóng đá Cà Mau không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn. Bởi lẽ, với nguồn kinh phí hạn hẹp từ ngân sách Nhà nước, nhiều năm qua bóng đá Cà Mau “thắt lưng buộc bụng” để đạt chỉ tiêu trụ hạng giải hạng Nhì quốc gia mà chưa có sự tính toán, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Ðội hình bóng đá Cà Mau sẽ có sự thay đổi ở giai đoạn 2. |
Thế nên, bất ngờ thăng hạng, bóng đá Cà Mau chới với vấn đề tài chính. Trong tình thế “chẳng đặng đừng”, Câu lạc bộ Bóng đá tỉnh đã đề xuất phương án xin đầu tư 11 tỷ đồng, rồi xuống còn 7 tỷ đồng và cuối cùng là 5 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, tham dự giải hạng Nhất quốc gia thì bóng đá Cà Mau cần có 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đề xuất của Câu lạc bộ Bóng đá đã không được chấp thuận. Tháng 10/2015, Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh Cà Mau đã gửi công văn đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), xin không tham dự giải hạng Nhất quốc gia mùa bóng 2016, do ngân sách địa phương hạn hẹp không thể đáp ứng nhu cầu tài chính cho câu lạc bộ tham gia giải.
Song, được Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tham mưu, tư vấn giải pháp thành lập Công ty Cổ phần Bóng đá địa phương, cuối tháng 11/2015, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã gửi công văn đến VFF xin tham dự giải. Nguyện vọng của Cà Mau đã được VFF đồng ý sau khi thành lập đoàn khảo sát phối hợp giữa VFF và VPF kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất của sân vận động và có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau vào tháng 12/2015.
Nguy cơ tuột hạng trong mùa giải đầu tiên
Chính thức có tên trong danh sách 10 đội bóng thi đấu giải hạng Nhất quốc gia năm 2016, lại được sự “mai mối” của VPF, Huấn luyện viên Trần Công Minh đã đồng ý về dẫn dắt đội bóng Cà Mau, khiến người hâm mộ phấn khởi vì tin vào tài năng cũng như kinh nghiệm từng làm trợ lý cho huấn luyện Ðội tuyển Quốc gia của vị huấn luyện viên này.
Tuy nhiên, ông Minh chưa một lần ngồi vào ca-bin chỉ đạo các trận đấu của Cà Mau, mà đăng ký danh sách huấn luyện viên trưởng của đội bóng đá Cà Mau lại là ông Dương Hữu Cường. Trong khi tại cuộc họp thành viên cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Bóng đá Cà Mau (tháng 3/2016) đã thống nhất danh sách 3 người trong Ban Giám đốc, trong đó ông Minh là Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật, kiêm Huấn luyện viên trưởng Ðội Bóng đá Cà Mau. Và sau trận Cà Mau thua đậm TP Hồ Chí Minh 3-0 trên sân nhà, ông Minh đã rời khỏi Cà Mau mà không có bất cứ sự ràng buộc nào vì thực tế thì giữa ông Minh và Cà Mau chưa ký kết hợp đồng.
Nỗ lực níu kéo đội bóng đang đuối dần qua từng vòng đấu, Cà Mau đã mời ông Lai Hồng Vân về đảm nhận vai trò Giám đốc Kỹ thuật. Ðồng thời, thanh lý hợp đồng với nhiều cầu thủ không đáp ứng nhu cầu để tuyển chọn “gà mới” chất lượng hơn chơi ở giai đoạn 2. Tuy nhiên, sẽ không có thay đổi nhiều trong đội hình yếu và thiếu của Cà Mau.
Theo Huấn luyện viên Dương Hữu Cường, trong phạm vi cho phép, mỗi đội bóng được đăng ký danh sách tối đa 30 cầu thủ, nhưng thường thì các đội bóng chỉ đăng ký danh sách khoảng 25 cầu thủ. Như thế, trường hợp cần thiết thì đội bóng sẽ bổ sung được 5 cầu thủ, thay đổi 3 cầu thủ. Nhưng Cà Mau đã đăng ký danh sách 29 cầu thủ, nên ở giai đoạn 2 thì thay đổi và bổ sung Cà Mau chỉ được 4 cầu thủ.
Ngay từ đầu, việc tuyển chọn cầu thủ, tổ chức tập huấn, huấn luyện… đều do ông Minh phụ trách, nhưng khi xung trận thì ông Cường là người được phân công chỉ đạo trận đấu. Không có nhiều thời gian để tập huấn, tréo ngoe về công tác tổ chức, cùng với dàn cầu thủ gần như yếu cả 3 tuyến… đã phần nào lý giải nguyên nhân chuỗi chiến bại của bóng đá Cà Mau ở giai đoạn 1.
Giai đoạn 2 này, có sự tham gia của huấn luyện viên nhiều kinh nghiệm Lai Hồng Vân giữ vai trò Giám đốc Kỹ thuật. Tất nhiên chiến thuật, lực lượng thi đấu… cũng sẽ được điều chỉnh khác hơn. Tuy nhiên, sự “thay máu” ít ỏi (chỉ 4 cầu thủ) sẽ khó mà cứu vãn “cơ thể” yếu ớt, gần như đang chơi quá sức ở đấu trường chuyên nghiệp của đội tuyển Cà Mau./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha