(CMO) Tại Hà Nội, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân cùng lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, đại diện một số đơn vị liên quan có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung về tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội của tỉnh Cà Mau năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân, cho biết, lực lượng lao động trong độ tuổi của Cà Mau trên 715 ngàn người, trong đó gần 700 ngàn lao động tham gia hoạt động kinh tế; mỗi năm tỉnh tạo việc làm cho trên 39 ngàn người, đào tạo nghề cho trên 35.000 người, số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay là trên 04 ngàn; cuối năm 2020 qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, toàn tỉnh có 5.367 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,75% (trừ số hộ nghèo thuộc chính sách BTXH thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm 1,57 %), có 5.546 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,81% (Trừ số hộ cận nghèo thuộc chính sách BTXH thì tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 1,74%), tỉnh không còn hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện người có công.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung làm việc với đoàn công tác của tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội của tỉnh Cà Mau năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021. |
Hiện nay, Cà Mau có trên 110 ngàn người có công, trong đó số đang hưởng trợ cấp hành tháng là 18.195 người với tổng kinh phí chi trả hàng tháng khoảng 30 tỷ đồng; số đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng là 49.047 người; số trẻ em trên địa bàn tỉnh trên 237 ngàn trẻ, trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 3.439 em (số liệu cuối năm 2021), trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa) 10.986 trẻ; Trẻ em có hoàn cảnh khác (bị tai nạn thương tích): 71 trẻ; có 122.348 người cao tuổi.
Các chế độ chính sách đối với người có công; hộ nghèo, cận nghèo; bảo trợ xã hội cũng như hỗ trợ đột xuất; hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chăm lo tết cho các đối tượng chính sách... đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định. Đặc biệt, là công tác triển khai, rà soát hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg được ngành LĐ-TB&XH từ tỉnh đến cơ sở tham mưu thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, thận trọng, kết quả đã thực hiện hoàn thành gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó trên 139 ngàn trường hợp với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân, dịch chuyển lao động tác động lớn đến nguồn lực và cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh, từ đó nhu cầu đào tạo và đào tạo lại cho lao động nhằm đáp ứng thị trường lao động hàng năm rất lớn. Bên cạnh đó, các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy xuống cấp trầm trọng và các đối tượng cũng tăng nhanh, hiện nay là quá tải, rất khó khăn trong việc quản lý đối tượng; với tác động của nước biển dâng nên Cà Mau cần nguồn kinh phí bảo trì, cải tạo, nâng cấp mở rộng nghĩa trang liệt sỹ...
Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Lao động–TB&XH. |
Trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công, thì Cà Mau sẽ tập trung chính vào đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện có hiệu quả các chương trình giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; giảm nghèo gắn với xuất khẩu lao động.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị Cà Mau cần quan tâm đến vấn đề lao động việc làm, giáo dục nghề nghiêp, tạo công ăn việc làm qua đó giảm nghèo theo hướng đa chiều, bao trùm, toàn diện, giảm ở mọi đối tượng, mọi khía cạnh. Bộ trưởng giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục việc làm, Cục QLLĐNN phối hợp với tỉnh Cà Mau, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức một hội nghị để bàn riêng về vấn đề lao động, việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững của tỉnh Cà Mau.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý: Cà Mau sẽ trở thành một điểm sáng của cả nước trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu biết cách tuyên truyền, vận động người dân hiệu quả, bám sát đối tượng và tuyên truyền trực tiếp tại từng ấp, khóm cùng sự phát triển của kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, phải tập trung cao trong công tác phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em; chú ý đến lao động trẻ em; rà soát, sắp xếp hợp lý quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, vừa đảm bảo phát huy hiệu quả hoạt động, vừa đảm bảo năng lực đào tạo, trong đó có đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cơ bản nhất trí với những nội dung mà tỉnh đề xuất như: đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội theo hướng đa chức năng; nâng cấp, mở rộng cơ sở cai nghiện ma túy; nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng nhà điều dưỡng người có công với cách mạng.
Nguyễn Quốc Thanh