(CMO)Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành về việc triển khai các hoạt động ứng phó cơn bão số 14 (Krovanh) vào sáng ngày 21/12.
Đây là cơn bão số 14 trong năm 2020, có tên quốc tế là Krovanh. Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 21/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,4 độ Vĩ Bắc; 113,1 độ Kinh Đông, cách đảo Huyền Trân khoảng 280km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 22/12, vị trí tâm bão ở khoảng 8,8 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, cách đảo Huyền Trân khoảng 90km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm do bão trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 7,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành về việc triển khai các hoạt động ứng phó bão số 14 (Krovanh)
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 4 giờ ngày 23/12, vị trí tâm bão ở khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 100km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 24/12, vị trí tâm vùng áp thấp ở khoảng 8,6 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Cà Mau đến Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.
Mặc dù dự báo khi gần bờ bão suy yếu thành áp thấp, nhưng cấp gió nói trên vẫn rất nguy hiểm đối với nhiều công trình, nhà cửa, nhất là các hoạt động trên biển và khu vực ven biển, do đó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện tiếp tục thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 7300/UBND-NNTN ngày 19/12/2020, trong đó tập trung tuyên truyền sát với thông tin dự báo và tình hình thực tế địa phương; tránh tình trạng thiếu thông tin, thông tin không chính xác dẫn đến hoang mang hoặc chủ quan trong ứng phó.
Chính quyền địa phương, đặc biệt là các địa phương ven biển khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc người dân chằng chống nhà cửa theo phương án đã phê duyệt đối với nhà có kết cấu yếu, nhất là các khu vực nguy hiểm; chỉ đạo lực lượng xung kích hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn thực hiện việc chằng chống nhà ở. Hoàn thành việc chằng chống nhà ở trước 7 giờ ngày 23/12/2020.
Đại diện Đài khí tượng thủy văn Cà Mau thông tin về tình hình di chuyển của cơn bão số 14
Sở NN&PTNT phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương thông báo, hướng dẫn đảm bảm an toàn đối với lồng bè nuôi thủy sản tại Hòn Chuối và các cửa biển, nhất là các công trình đang thi công ven biển, ven sông; hướng dẫn người canh giữ đáy hàng khơi vào bờ an toàn; hướng dẫn các hộ nuôi tôm công nghiệp thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về điện. Chính quyền địa phương các huyện ven biển và Tp. Cà Mau chỉ đạo cắt tỉa cây xanh có nguy cơ bị gãy đổ; tháo dỡ các công trình, biển hiệu không an toàn tại các khu dân cư, đô thị.
Sở NN&PTNT phối họp chặt chẽ với UBND cấp huyện kiểm tra, rà soát, để kịp thời gia cố các tuyến đê xung yếu, bảo vệ sản xuất và đời sống của Nhân dân; vận động hộ gia đình tự gia cố bờ bao, bờ thửa để bảo vệ sản xuất; các địa phương có đê biển Tây rà soát, bố trí lực lượng xung kích, sẵn sàng ứng phó bão.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cần tổ chức kiểm đếm tàu thuyền trong khu vực và yêu cầu các phương tiện di chuyển khỏi vùng nguy hiểm và báo cáo khi có tàu thuyền di chuyển tránh trú bão sang vùng biển nước bạn. Song song đó, các đơn vị có liên quan cần cụ thể, nhịp nhàng quan tâm, hướng dẫn, sắp xếp nơi neo đậu cho các phương tiện tránh, trú bão./.
Phương Lài