ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 25-9-24 03:35:49
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cà Mau có chiếc ghe Ngo

Báo Cà Mau (CMO) "Đến giờ mới về à?". Hơn 9 giờ tối mới thấy chồng về, vợ ông Dự nói vẻ giận dỗi.

Đã mấy tháng nay, trời vừa mờ sáng là ông Sáu Dự (Hữu Thành Dự) đã ra khỏi cửa, tối mịt mới về. Ngày nào cũng thế, đến nỗi mấy chục gốc Thanh Long sau vườn không ai chăm sóc đã cỗi đi thấy rõ, nên bà Sáu có chút không hài lòng. Mà cũng nói thế thôi chứ bà biết ông bận, bận chuẩn bị cho đội ghe Ngo bởi lễ hội Oóc om bóc đã cận kề.

CLB Đội ghe Ngo Rạch Giồng số 11 từng tham gia nhiều giải thi đấu trong khu vực và đoạt thứ hạng cao.

Ông Sáu Dự là Chủ nhiệm CLB Đội ghe Ngo chùa Rạch Giồng (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình). Với đồng bào Khmer, đua ghe Ngo là hoạt động thể thao sôi nổi và náo nhiệt nhất trong lễ hội Oóc om bóc.

Từ lúc về hưu, không còn làm bí thư xã nữa, ông Sáu được bà con tín nhiệm bầu vào chức ấy, để nhờ ông “tận dụng” uy tín và mối quan hệ của “nguyên bí thư xã" vận động tài trợ vực dậy phong trào đua ghe Ngo nổi tiếng một thời của chùa. Nói là vực dậy bởi cái thời vàng son khi phải "đụng" đội ghe Ngo chùa Rạch Giồng là nhiều đội đua tỉnh bạn đều lo lắng đã qua lâu lắm rồi.

Giờ anh em trong đội chủ yếu tập vì niềm đam mê, tuyển thủ thì “cơm nhà, áo vợ” nên tập luyện lúc được, lúc vắng. Thanh niên đi làm ở các nhà máy, xí nghiệp nên ông Sáu Dự chỉ tập trung họ được sớm nhất là 5 giờ chiều mỗi ngày để tập luyện chờ ngày thi tài.

Đã gần đến ngày lên Sóc Trăng tham gia lễ hội mà tình hình tập luyện của anh em trong đội vẫn chưa đâu ra đâu, ông Sáu càng rầu. Kinh phí tập eo hẹp, ông phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi xin tài trợ, “nói khó” với bạn bè, anh em nhờ họ giúp đỡ.

Tưởng chồng về hưu là an nhàn, bà Sáu mừng, ai ngờ ông đi còn nhiều hơn trước, nên bà xót, không muốn ông vất vả. Nhưng mỗi lần bà nói gì, ông lại giận, không thèm ăn cơm. “Mình cũng tự ái chứ”, ông Sáu cười cười khi tâm sự với anh em trong đội đua. Ông biết bà chỉ lo cho sức khoẻ của mình, nhưng giận thì... cứ giận! Đã nhiều lần ông bỏ bữa tối như thế, nhưng không hẳn là tự ái mấy câu nói của vợ, ông đang lo kinh phí cho CLB ghe Ngo. Mấy năm nay tiền hỗ trợ ngày càng ít đi nên ông cứ phải “xã hội hoá” bằng cách chạy vạy nhờ tài trợ. Bản thân ông cũng bỏ tiền túi nhưng chẳng thấm vào đâu, nhưng vì đam mê mà ông cứ lao tâm khổ tứ mấy tháng nay. Niềm đam mê đua ghe Ngo đã thấm vào máu thịt ông.

Hiện Cà Mau chỉ còn duy nhất đội đua ghe Ngo của chùa Rạch Giồng là cứ đều đặn đi thi hàng năm. Kinh phí gần như tự túc, nhưng họ không từ bỏ, mỗi lần đi thi như thế các tuyển thủ trong đội đua được hỗ trợ 10 kg gạo để lại nhà cho vợ con. Họ đều là dân lao động, công nhân nhà máy..., chỉ có thể tập luyện lúc nhàn rỗi, đến ngày thi thì xin chủ cho nghỉ mấy ngày. Thấy anh em vậy, ông Sáu càng xót, ông không ngại “đem cái mặt” mình đi nhờ vả. Nhiều khi buồn lắm chứ, ông trầm ngâm: "Mình lớn tuổi rồi, mà nhà cũng đâu thiếu thốn gì, nhưng vì việc chung của cộng đồng, anh em chỉ cậy vào mình nên đành phải cố".

Không khí tập luyện của CLB Đội ghe Ngo chùa Rạch Giồng.

Những việc không tên mà ông ôm vào mình giờ còn nhiều hơn khi còn làm bí thư xã. "Nói thiệt với mấy đứa chứ làm bí thư khoẻ hơn làm Chủ tịch CLB Đội ghe Ngo. Vừa tập hợp anh em tập luyện, vừa chạy kinh phí, vừa lo chiếc ghe Ngo đang sửa chữa cho ngày hạ thuỷ..., tùm lum thứ việc mà chẳng có lương bổng gì”, ông cười xoà.

Chiếc ghe Ngo của chùa Rạch Giồng đang trong quá trình tu sửa. Nó được trùng tu lại từ mũi và lái của một chiếc ghe Ngo cổ có lịch sử hào hùng. Đó là chiếc ghe Ngo "bách chiến bách thắng" có từ thời chiến tranh, giờ đã mục gần hết, chỉ còn lại có thế. Có thể là vì tâm linh, ông Sáu cùng mọi người thỉnh mũi và lái của chiếc ghe Ngo ấy rồi trùng tu lại thành chiếc ghe Ngo mới với hy vọng đội đua của chùa trở lại thời hoàng kim.

Kinh phí trùng tu trên 260 triệu đồng thì hơn phân nửa là tiền hội viên đóng góp, phần còn lại đang chờ xin kinh phí hỗ trợ. Nhưng nếu không được hỗ trợ thì anh em lại quyên góp tiếp, ông Sáu bảo thế, bởi giờ "chưa thấy động tĩnh gì". Cà Mau trước đây có 3 chiếc ghe Ngo nhưng hiện còn mỗi ghe của chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình là còn hoạt động, những chiếc khác đua được vài lần thì cũng kéo lên bờ để đấy do không có kinh phí duy trì.

Đua ghe Ngo là nét văn hoá quan trọng của người Khmer, mỗi năm, dù làm bất cứ việc gì thì đến ngày lễ hội Oóc om bóc, họ lại tụ hội về tham gia. Đây là môn thể thao thể hiện tình đoàn kết và sức mạnh trên sông nước của đồng bào dân tộc Khmer. Ông Sáu cho biết, trước đây chỉ nam giới mới được đua ghe Ngo, giờ có cả đội nữ nên hoạt động này càng sôi nổi.
Thông qua việc duy trì đội đua ghe Ngo của chùa, ông Sáu còn ấp ủ mong muốn lớn hơn là bảo tồn văn hoá của đồng bào Khmer Cà Mau.

Phong trào đua ghe Ngo không còn sôi nổi như trước đây bởi một phần nỗi lo cơm áo gạo tiền của bà con, ông không trách được, nhưng không tìm cách duy trì thì văn hoá của đồng bào ngày càng mai một. Nhìn xa xăm, ông Sáu chậm rãi nói: “Trẻ em bây giờ đến việc nói chuyện với nhau cũng không nói tiếng Khmer, đừng nói gì đến chuyện đọc và viết chữ Khmer dù có nhiều lớp dạy chữ Khmer được mở ra. Giờ nếu không giữ được truyền thống đua ghe Ngo, ngày lễ Oóc om bóc nữa thì còn gì bản sắc của đồng bào”.

Nói chuyện với anh em một lúc, ông Sáu lại cầm điện thoại lên gọi, nội dung cũng chỉ xoay quanh “tiến độ” xin tài trợ tới đâu. Buông điện thoại xuống, ông cười bảo: “Trong ấp cũng có nhiều người nghỉ hưu như mình, mình trước làm ở xã thì vận động từ xã lên, còn ai làm ở tỉnh thì xin cấp tỉnh! Anh em cũng tâm huyết như mình nên họ rất nhiệt tình vận động tiếp. Thấy mọi người vậy nên mình cũng vui”.

Chiếc ghe Ngo của chùa Rạch Giồng đang hoàn thiện chờ ngày hạ thuỷ trong niềm háo hức của ông Sáu. Thế nhưng, đi kèm với đó là nỗi lo, rồi chiếc ghe ấy có thể duy trì hoạt động được bao lâu với tình cảnh khó khăn như hiện tại. Chia tay chúng tôi ra về, ông Sáu giọng buồn buồn nói thòng lại: “Mình mà nghỉ hoạt động trong CLB Đội ghe Ngo chùa Rạch Giồng thì chắc đội đua cũng giải tán. Chỉ mong đội đua của chùa được quan tâm một chút, chứ tình hình này Cà Mau còn mỗi chiếc ghe mà có khi cũng không còn”./.

Đặng Duẩn

Xã Lý Văn Lâm trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2024 xã Lý Văn Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ðây là một trong những công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên; chủ động tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là mục đích được đề ra trong Kế hoạch triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024, vừa được UBND tỉnh ban hành.

Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Bệnh ung thư đang tăng cao

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Cẩn trọng với nguồn thực phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch

Thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) là loại thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các bữa ăn của nhiều hộ gia đình hiện nay. Bởi đây là loại thực phẩm có nguồn protein khá cao và rất tốt cho sức khoẻ, do có ít calo và chất béo bão hoà so với các loại thịt đỏ như: heo, cừu, trâu, bò… từ đó cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch hơn.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.