(CMO) Sáng nay (9/7), UBND tỉnh tổ chức phiên họp kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình quốc tế, cả nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Do đó, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp mới, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi phát biểu kết thúc phiên họp kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2021. |
Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP giá so sánh 2010) 6 tháng ước tăng 1,52% (cùng kỳ tăng 0,41%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.993,5 tỷ đồng.
Tổng sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm ước đạt 303.700 tấn, bằng 49% kế hoạch, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 455,6 triệu USD, bằng 41,4% kế hoạch, tăng 18,1% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.144 tỷ đồng, đạt 57,4% dự toán. Chi ngân sách ước đạt 4.258 tỷ đồng, bằng 40,1% dự toán, giảm 14,5% so với cùng kỳ.
Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/6/2021 đạt 1.055,2 tỷ đồng, bằng 31,3% kế hoạch vốn đã giao. Thu hút 20 dự án đầu tư mới, với tổng vốn 5.319 tỷ đồng.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, số vụ tai nạn giao thông giảm 19,4% so với cùng kỳ.
Phiên họp cũng tập trung vào công tác phòng chống thiên tai, dịch Covid-19. Về công tác tiêm vắc xin, tỉnh đã tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 đợt 1 và đợt 2 cho một số nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định, cho 29.614 người. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị nguồn lực (cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, tài chính...) và xây dựng phương án tổ chức tiêm vắc xin trên quy mô lớn.
Sở Y tế cũng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án (dự thảo) tiếp nhận, triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 các nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu, yêu cầu tổng số người tiêm trong độ tuổi 18 trở lên đạt 95% miễn dịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau: 814.693 người, số liều vắc xin: 1.629.386.
Hiện số người cần tiêm 2 mũi: 784.345. Số người cần tiêm 1 mũi: 28.232 người. Số liều vắc xin cần dùng trong thời gian tới: 1.596.922 liều. Nhu cầu nhân viên y tế cần phục vụ cho 454 bàn tiêm, cần tối thiểu 1.362 người.
Số nhân viên y tế được tập huấn về tiêm vắc xin Covid-19 toàn tỉnh là 2.044 người. Số dự phòng tập huấn tiếp theo nguồn nhân lực y tế cơ quan, xí nghiệp, tổ y tế khoảng 360 người, tập huấn vào tháng 7/2021.
Thông tin thêm, đại diện Sở Y tế đã thông báo sơ bộ về tình hình người dân trở về tỉnh, đặc biệt là từ khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. Cụ thể, số liệu từ 6 giờ chiều ngày 8/7 đến 7h sáng ngày 9/7, đã có 1.045 người về địa phương, đã cách ly tập trung 57 người.
Hiện tỉnh cũng lên phương án thành lập bệnh viện dã chiến. Xem xét các bệnh viện đủ điều kiện thực hiện test nhanh, kể cả bệnh viện tư và bệnh viện công lập.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp truyền thông tuyên truyền chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng bị ảnh hưởng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu về công tác phòng chống dịch cần lưu ý: Kinh nghiệm từ khi Cà Mau có ca nhiễm đầu tiên, hệ thống phòng, chống dịch đã hoạt động tích cực, quyết liệt, khá hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì chúng ta hiện vẫn còn lúng túng trong công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong truy vết, việc truy vết vẫn chậm. Có những nguyên nhân khách quan như những người F0, F1 thiếu tự giác, cố tình che giấu không khai báo. Điều này cần khắc phục, trong đó sự phối hợp giữa ngành Y tế, đặc biệt là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau với các huyện cần hiệu quả hơn về thông tin, báo cáo. Hiện các báo cáo vẫn còn chưa chuẩn, chưa thống nhất về thời gian.
Việc quản lý cách ly tại gia đình hiện làm chưa tốt, tuy nhiên, yếu tố khách quan là đòi hỏi người cách ly tại gia đình phải tuyệt đối tự giác. Do đó, cần tăng cường nhắc nhở người dân, tổ giám sát cộng đồng phải giám sát thường xuyên. Các tổ chức, đoàn thể, đảng viên cần tăng cường trách nhiệm tham gia công tác giám sát, phòng chống dịch.
Đặc biệt, ngày hôm qua là cao điểm người dân từ các tỉnh khác, từ TP Hồ Chí Minh về địa phương, do đó cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Chính quyền địa phương tăng cường công tác này và thực hiện thật nghiêm túc. Quản lý những đối tượng này chặt lạị, cho khai báo chặt lại. Tiếp tục truy vết, giám sát cộng đồng những đối tượng mới về. Không để sót, lọt những đối tượng có nguy cơ cao.
Kiểm soát, thực hiện khai báo y tế tại chốt Quốc lộ 1. |
Thời gian tới, tất cả người từ TP Hồ Chí Minh về thì phải cách ly tập trung. Sở Y tế cần chuyển kịp thời que test nhanh về cho các địa phương có nhu cầu.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi cho rằng: “Nguy cơ dịch bệnh thâm nhập về thông qua các đường giao thông nông thôn là rất cao, do đó cần cảnh giác, giám sát chặt chẽ. Biện pháp chỉ đạo là siết chặt người đi và về từ các tỉnh. Tăng cường trách nhiệm và kiểm soát chặt hơn ở bên trong, kiểm soát từng nhà, từng đối tượng một. Các trưởng ấp, trưởng khóm, các tổ giám sát cộng đồng phải tăng cường hoạt động mạnh hơn”.
Đề nghị Công an tỉnh, Sở Y tế cung cấp thông tin những đối tượng khai báo y tế không trung thực, bị xử lý cho Sở Thông tin và Truyền thông để truyền thông, cảnh báo, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân./.
Đặng Duẩn