(CMO) Hạn mặn đã gây hậu quả khủng khiếp cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cà Mau nói riêng. Nhưng họ đã không đơn độc vì đã có cả hệ thống chính trị vào cuộc, được cả nước quan tâm chia sẻ, giúp đỡ để ứng phó với thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống.
Trong suốt mùa khô năm 2020, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thực hiện rất nhiều chuyến kiểm tra, khảo sát tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún ở vùng ngọt hóa. Bên cạnh những chuyến khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia về địa chất, thủy lợi, trồng trọt, xây dựng công trình giao thông... thuộc các bộ, ngành Trung ương. Tất cả mọi nỗ lực ấy nhằm mau chống tìm ra giải pháp cấp thiết giúp hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, ổn định sản xuất, nối liền mạch giao thông bộ ở các địa phương vùng ngọt.
Nhiều tổ chức và cá nhân khắp nơi trong nước đến với người dân Đồng bằng Sông Cửu Long, đến với Cà Mau bằng những hành động thiết thực để đồng cảm sẻ chia, giúp đỡ vật chất và tự bản thân người dân cũng tự vượt khó, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần lá lành đùm lá rách.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xem thiên tai, địch họa là một “loại giặc” nguy hiểm không chỉ tàn phá môi trường mà còn đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân, gây nên những thảm họa khủng khiếp. Trên tinh thần đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy cao độ, tất cả vì mục tiêu “vì nước, vì dân”, qua đó tổ chức Đảng và chính quyền được củng cố, tạo được niềm tin vững chắc trong nhân dân./.
Đồng chí Dương Thanh Bình (trái) Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau thăm và tặng quà cho các lực lượng túc trực phòng chống cháy rừng.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (bìa phải) cùng lãnh đạo các sở, ngành và các chuyên gia bộ, ngành Trung ương khảo sát các điểm sụt lún đê biển Tây và lộ giao thông nông thôn để tìm giải pháp ứng phó.
Lực lượng phòng chống cháy rừng túc trực 24/24 trên chòi canh để kịp thời báo động và ứng phó khi có sự cố cháy rừng xảy ra.
Nhiều tổ chức và cá nhân trong, ngoài tỉnh đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở vùng hạn mặn với tổng kinh phí hàng tỷ đồng và được tăng lên từng ngày theo tỉ lệ thuận với những thiệt hại, mất mát.
Lễ khởi công xây dựng tuyến lộ giao thông nông thôn ở xã Khánh An, huyện U Minh trị giá hơn 600 triệu đồng do Hội đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu vận động các mạnh thường quân tài trợ giữa mùa khô hạn là sự khích lệ rất lớn đối với chính quyền và nhân dân địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng hàng chục bộ lọc nước sạch trị giá hàng tỷ đồng cho bà con ở vùng hạn mặn Cà Mau.
Nhiều tổ chức cá nhân tặng hàng ngàn thùng chứa nước (loại 500 đến 1000 lít) cho bà con vùng sâu, vùng xa chứa nước ngọt sinh hoạt.
Tuyến phòng hộ đê biển Tây bị sụt lún 240 mét và nguy cơ sụp lún thêm 4.000 mét. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo thi công gia cố những đoạn sụp lún bằng cách bơm cát, đất vào kênh phía trong đê để phản áp, ngăn chặn sụp lở do khô hạn.
Công trình đập ngăn mặn Cái Lớn - Cái Bé do chính phủ đầu tư với tổng kinh phí 3.300 tỷ đồng tại tỉnh Kiên Giang (giáp ranh Cà Mau) sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021. Cà Mau sẽ được tiếp nước ngọt và tình trạng hạn mặn sẽ được giải cứu.
Niềm vui của người dân Cà Mau được đón dòng ngọt hóa từ công trình quốc gia Cái Lớn - Cái Bé sẽ không còn xa.
Nguyễn Thanh Dũng