Phấn đấu đến năm 2040 tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước, là mục tiêu tỉnh đề ra trong Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Cà Mau là tỉnh duy nhất trong cả nước có 3 mặt giáp biển. Cùng với ngư trường rộng lớn, ngoài tiềm năng về kinh tế thuỷ sản thì năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời... được xem là một lợi thế và nguồn tài nguyên quan trọng tạo sự đột phát cho tỉnh. Theo đó, để khai thác và phát huy tiềm năng này, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực và tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Với lợi thế 3 mặt giáp biển, Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: NHẬT MINH
Ðến nay, trong số 14 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 800 MW, có 5 dự án điện gió tổng công suất 170 MW đã vận hành thương mại; 2 dự án tổng công suất 200 MW đã được nhà đầu tư đề xuất, UBND tỉnh đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định. Các dự án năng lượng tái tạo được triển khai thực hiện thời gian qua từng bước phát huy hiệu quả. Ngoài ra, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.217 công trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 111 MWp.
Ðặc biệt, theo Công văn số 5699//VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ về việc đề án xuất khẩu điện vùng biển ngoài khơi, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung xuất khẩu điện vùng biển ngoài khơi tỉnh Cà Mau vào Ðề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trình cấp có thẩm quyền xem xét. Ðây được xem là bước đột phá cho tỉnh không chỉ trong phát triển năng lượng mà còn cả trên lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Theo Ðề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau, đã trình cấp thẩm quyền xem xét, mục tiêu phấn đấu đến năm 2031 tỉnh xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo 2.000 MW, đến năm 2035 là 3.000 MW, đến năm 2040 là 5.000 MW. Song song với đó là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo không phát lên lưới cung cấp sản xuất hydro, amoniac để phục vụ trong nước và xuất khẩu, với tổng công suất khoảng 86.248 tấn/năm. Ðưa tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của vùng, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Ðối với tỉnh đang phát triển như Cà Mau, điện có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân. Trong năm 2024, sản lượng điện sản xuất trong tỉnh đạt 6.170 triệu kWh, tăng 5,1% so với năm 2023; sản lượng khí thương phẩm đạt 1.720 triệu mét khối, tăng 6,1%; sản lượng LPG-Condendate đạt 134.500 tấn, tăng 1,8%.
Dự báo thời gian tới, nhu cầu điện trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng mạnh, theo đó, tỉnh đang tập trung các giải pháp phát triển hạ tầng năng lượng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ðẩy mạnh mời gọi đầu tư danh mục các dự án nguồn điện, lưới điện xã hội hoá trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ quy hoạch. Ðồng thời, triển khai các giải pháp thực hiện tốt các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm tổn thất điện năng đến mức thấp nhất, với mục tiêu tỷ lệ tiết kiệm năng lượng đạt 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045./.
Ngô Ðức Giang