(CMO) Chỉ còn vài ngày nữa, Cà Mau sẽ cùng với Bạc Liêu bước sang tuổi 25 kể từ ngày chia tách tỉnh Minh Hải (1/1/1997-1/1/2022). 25 năm - khoảng thời gian chưa dài lắm đối với một địa phương, nhưng cũng đủ để nhìn lại, thấy được những bước tiến phát triển vững chắc, vượt bậc mang tính toàn diện trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến quốc phòng, an ninh của vùng đất trẻ nơi cực Nam Tổ quốc.
Vượt qua muôn vàn khó khăn buổi đầu tái lập tỉnh, cả những khó khăn, thách thức không hề nhỏ trong suốt quá trình đi lên xây dựng và phát triển quê hương, nhất là liên tục phải chịu tác động ngày càng nghiêm trọng của thiên tai, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, và gần đây là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cà Mau cho thấy là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế năng động, trở thành trục tứ giác tạo động lực cho cả vùng ĐBSCL.
Phát huy lợi thế, cùng với sự đầu tư có trọng tâm, du lịch Cà Mau trở thành ngành kinh tế trọng điểm, trở thành điểm đáng đến của mỗi người dân đất Việt, cũng như tạo cho du khách quốc tế có được trải nghiệm lý thú khi đến Việt Nam, đến với Cà Mau. Ảnh: Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, nơi thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá vùng đất thiêng của Việt Nam. |
Tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên rừng ngập về đến tận Mũi Cà Mau mở lối phát triển lợi thế kinh tế rừng, biển gắn với ứng phó thiên tai, đảm bảo quốc phòng - an ninh… |
Là 1 trong 3 đô thị động lực của tỉnh, sau 25 năm tái lập tỉnh, Năm Căn đang dần nắm vững vị trí xứng đáng trung tâm cực phát triển phía Đông của Cà Mau. |
Lợi thế được phát huy từ khai thác hiệu quả tiềm năng, kinh tế thủy sản Cà Mau luôn giữ vững ngôi đầu của cả nước cả về nuôi trồng và xuất khẩu; kinh tế lâm nghiệm ngày càng đi vào chiều sâu thông qua đổi mới hình thức sản xuất từ phương thức canh tác đến khai thác sản phẩm gỗ.
Kinh tế thủy sản dần đi vào chiều sâu với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng. Ảnh: Nuôi tôm công nghiệp khép kín tập trung của Công ty N.G trên địa bàn tỉnh. |
Kinh tế nông nghiệp Cà Mau đang dần được quy hoạch theo hướng hiện đại hóa, mang lại sự hiệu quả và chất lượng, phát triển ổn định và bền vững. |
Lợi thế từ biển giờ không chỉ là nuôi trồng và khai thác hải sản, mà năng động hơn từ tài nguyên khí hóa lỏng đã làm nên “nhịp đập trái tim công nghiệp ĐBSCL” với sự hình thành cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm mang tầm và ảnh hưởng quốc gia. Gần đây, điện gió Cà Mau được hình thành dọc dài bên bờ biển Đông, và tới đây sẽ tiếp tục triển khai bên bờ biển Tây.
Nhà máy Đạm Cà Mau, một trong những thành phần trong tổ hợp Khí - Điện - Đạm, tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Cà Mau tỏa khắp cả nước, kể cả xuất khẩu, mang lại nguồn kinh tế quan trọng cho địa phương. |
Lợi thế đã và đang được tận dụng, khai thác hiệu quả, sớm đưa Cà Mau trở thành một trong những “cánh đồng điện gió” của Việt Nam. Ảnh: Điện gió Tân Thuận (huyện Đầm Dơi). |
Trong bước đường đi lên của vùng đất cực Nam, không thể bỏ qua giá trị đặc trưng đã được khẳng định trong khai thác hiệu quả Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, cùng với đó là du lịch biển đảo, du lịch sinh thái mà hiếm nơi nào trong Vùng có được, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương.
Năng động phát triển kinh tế luôn đi đôi với đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhất là tuyến biên giới biển. Ảnh: Tàu tuần tra Biên phòng Cà Mau kết hợp tuần tra trên vùng biển thuộc hệ thống Nhà giàn DK1/10 - Bãi cạn Mũi Cà Mau. |
Cà Mau - sức trẻ tuổi 25 đã và đang khẳng định vị thế trong hành trình đi cùng đất nước đổi mới và hội nhập, sẽ tiếp tục vững chãi và đỉnh đạc qua từng bước đi năng động, chiều sâu, xứng tầm khi mà tới đây sẽ có đường cao tốc về đến TP Cà Mau, hướng phát triển đến Mũi Cà Mau trong tương lai; trục lộ giao thông liên hoàn Đông - Tây; đường ven biển phía Nam (ngoài tuyến Xuyên Á đã hình thành); cảng biển tổng hợp Hòn Khoai; tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP Cà Mau; mở thêm các đường bay… Đủ để chúng ta thấy được dáng hình tương lai rạng rỡ hơn, tươi đẹp hơn của mảnh đất Cà Mau anh hùng./.
Trần Nguyên