(CMO) Cậu Tám của tôi, ông Ðặng Văn Trung (50 tuổi), quê ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình, nhiều năm nay cùng gia đình mưu sinh tại TP Hồ Chí Minh với nghề mua bán, chở hàng hoá thuê. Mới đây, cả nhà cậu tôi 4 người đều bị “dính” F0. Sau một tuần điều trị tại nhà, sức khoẻ của các thành viên dần hồi phục, trở lại lao động như trước.
Bí quyết được cậu tôi chia sẻ là khi bị mắc bệnh, điều quan trọng nhất là không được bỏ bữa, phải uống nước ấm, tắm nước ấm, xông sả, gừng, khò nước muối hàng ngày. Ngoài ra, phải tạo cho bản thân tâm lý lạc quan, thoải mái, thường xuyên vận động, thể dục và có chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý.
Lo lắng, sợ hãi, suy nghĩ tiêu cực là những điều xảy ra với bất cứ ai khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, cậu tôi cũng không ngoại lệ. Vì cách vài ngày trước đó, em vợ của cậu bị nhiễm Covid-19 khi cận kề ngày sinh, sau khi sinh xong, giữ được đứa trẻ, người mẹ qua đời tại bệnh viện. Thêm nữa, tâm lý ám ảnh khi phải chứng kiến biết bao người tử vong, hoả thiêu vì Covid-19… Tuy nhiên, sau khi theo dõi tin tức trên tivi và tìm hiểu qua Internet cách thức điều trị F0 tại nhà hiệu quả, cậu tôi mới bình tĩnh, tự động viên bản thân và người nhà mạnh mẽ chiến đấu với Covid.
Trên nhóm Zalo “Gia đình bà Năm” (các thành viên trong gia đình bên ngoại tôi) liên tục tin nhắn động viên, chia sẻ. Ngoại tôi ngoài 70 tuổi, rầu, nhưng khi cậu gọi cũng phải cười nói để cậu yên tâm: “Tết này gia đình mày về quê, má nấu bún nước lèo cho mày ăn” - món khoái khẩu của cậu; còn các dì, các cháu thì thay nhau kể toàn chuyện vui trong dòng họ, chuyện vui ở quê… để cậu, mợ và các em quên mệt mỏi.
Với sự động viên của người thân, sau 7 ngày nỗ lực, gia đình cậu tôi đều có kết quả PCR âm tính. Tuy nhiên, vẫn phải tiếp tục theo dõi, dưỡng sức thêm 7 ngày nữa mới có thể đi làm bình thường trở lại.
Người dân cần thường xuyên test nhanh Covid-19 để theo dõi sức khoẻ, kịp thời chữa trị. |
Cậu tôi chia sẻ, trong mấy ngày đầu mới phát bệnh, chân tay bủn rủn, cơ thể không còn sức lực, ho khan, nghẹt mũi, khó thở, dần trở nên mất khứu giác và vị giác… Tuy nhiên, thường có cảm giác đói, ăn không biết mùi vị cũng phải ráng, để có sức chống chọi. Thêm nữa, khi nhiễm Covid-19, người mệt mỏi rã rời nhưng người bệnh không nên nằm nhiều, mà phải vận động, phơi nắng, hít thở khí trời.
Gia đình cậu tôi là dân lao động, vậy mà khi nhiễm bệnh vẫn cảm thấy đuối sức. Cậu tôi nhắn nhủ mọi người không nên chủ quan, tránh xa chỗ đông người, vì lỡ nhiễm bệnh thì rất nguy hiểm, nhất là đối với những người có thể trạng yếu hoặc có bệnh nền, người già, trẻ em... Bí quyết lớn nhất là, cố gắng sinh hoạt bình thường, không quá lo lắng vì càng sợ hãi bệnh sẽ càng nặng hơn. Cứ khi nào sốt thì uống thuốc hạ sốt, nếu ho thì uống thuốc ho, bổ sung thêm các loại sủi vitamin... Hôm nhận kết quả xét nghiệm âm tính từ y tế địa phương là khoảnh khắc không thể quên của các thành viên trong gia đình cậu. Cậu nhắn lên nhóm Zalo “Gia đình bà Năm” lời chia sẻ gan ruột với người thân - Hãy chuẩn bị tinh thần lạc quan nhất để sẵn sàng chống chọi nếu dịch bệnh vô tình ghé ngang. Phải tự cứu lấy mình, nhất định không được tuyệt vọng.
Vượt qua những trải nghiệm bất đắc dĩ này, tôi nghĩ chắc không riêng gia đình cậu mà ai từng trải qua những cơn sốt ngặt người khi nhiễm Covid-19 càng nhận thức rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh mà trân trọng sức khoẻ, không nên chủ quan khi tiếp xúc, dự đám tiệc hay chốn đông người.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Cà Mau đã triển khai phương án điều trị đối với F0 không triệu chứng cách ly, điều trị tại nhà. Ðồng thời, đã lập 96 trạm y tế lưu động trực thuộc các trung tâm y tế huyện, thành phố. Sau gần 1 tháng thực hiện, kết quả được ngành y tế tỉnh đánh giá khả quan. Việc điều trị tại nhà được xem là mô hình phù hợp, không chỉ giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn mà còn giúp giảm áp lực cho các cơ sở điều trị tập trung./.
Mộng Thường