(CMO) Năm 2018 kết thúc, chúng ta cùng điểm lại những hoạt động nổi bật của tỉnh Cà Mau năm qua trên các lĩnh vực:
1. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm và làm việc tại Cà Mau
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng lãnh đạo tỉnh Cà Mau, các bộ, ngành và Tập đoàn Dầu khí cắt băng khánh thành Nhà máy Xử lý khí Cà Mau. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự lễ khánh thành Nhà máy xử lý Khí Cà Mau; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai làm việc với Tỉnh uỷ Cà Mau về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc kiểm tra tình hình, kết quả công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp của tỉnh Cà Mau; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khảo sát việc thực hiện thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính công của tỉnh. Đây là năm tỉnh Cà Mau vinh dự được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm và làm việc, qua đó có những chỉ đạo giúp cho Đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
2. Khánh thành Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai
Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai có diện tích hơn 8.000 m² gồm các hạng mục: hồ nước, mô hình đảo Hòn Khoai thu nhỏ, đền thờ, nhà che mộ, nhà quản lý… với tổng mức đầu tư 40,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh. Theo thiết kế, riêng hạng mục nâng cấp mộ và xây mới đền thờ được thực hiện trên diện tích 563,5 m², chiều cao công trình 10,28 m, với mức đầu tư trên 9 tỷ đồng. Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai là biểu tượng thể hiện lòng tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, dân và quân tỉnh Cà Mau đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
3. Khánh thành Nhà máy xử lý Khí Cà Mau (GPP Cà Mau)
GPP Cà Mau được xây dựng tại xã Khánh An, huyện U Minh với 100% vốn đầu tư từ Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas). Đây là nhà máy xử lý khí đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ hiện đại, bản quyền của UOP. Dự án GPP Cà Mau có công suất xử lý 6,2 triệu m3 khí/ngày từ nguồn khí PM3-CAA, cùng hệ thống kho có sức chứa 8 ngàn tấn LPG. Tổng mức dự án là hơn 10 ngàn tỷ đồng. Sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành, Nhà máy xử lý khí Cà Mau cung cấp ra thị trường khoảng 600 tấn khí hoá lỏng LPG/ngày, bổ sung khoảng 10% nhu cầu thị trường trong nước. Việc nhà máy đi vào hoạt động có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là các ngành sản xuất phụ trợ, liên quan.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (thứ hai từ phải sang) kiểm tra công tác giải quyết TTHC tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính công tỉnh Cà Mau. |
4. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 744/QĐ-TTg, ngày 18/6/2018 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Mũi Cà Mau đến năm 2030.
Theo đó, Khu du lịch Mũi Cà Mau thuộc huyện Ngọc Hiển và một phần huyện Năm Căn với diện tích khoảng 20.100 ha. Trong đó, khu vực tập trung phát triển có diện tích khoảng 2.100 ha được giới hạn: Từ phía Nam trục Quốc lộ 1 (đường Hồ Chí Minh) ra biển Đông với chiều rộng trung bình 1,4 km và kéo dài từ ấp Khai Long, xã Đất Mũi đến hết khu Công viên Văn hoá Du lịch Mũi Cà Mau với chiều dài khoảng 15 km.
Đồng thời, Cà Mau phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Mũi Cà Mau trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến trên hành trình tham quan vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2030, Khu du lịch Mũi Cà Mau đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch Quốc gia. Cụ thể, đến năm 2030 đón 2 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 22 ngàn lượt). Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành), phấn đấu đạt khoảng 5 ngàn tỷ đồng; Phát triển cơ sở lưu trú, khoảng 2 ngàn buồng; tạo việc làm cho khoảng 3 ngàn lao động trực tiếp.
5. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,2 tỷ USD, tăng 9,25% so năm 2017
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng mạnh do một số yếu tố thuận lợi, đó là thị trường xuất khẩu không gặp những biến động lớn, giá cả nguyên liệu ổn định. Các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng như xuất khẩu hàng hoá. Chú trọng cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá thương hiệu; đẩy mạnh đầu tư, áp dụng nhiều mô hình, phương thức có hiệu quả cao trong nuôi trồng thủy sản.
6. Triển khai sắp xếp trường, lớp, giáo viên
Năm 2018, tỉnh Cà Mau tập trung quyết liệt cho công tác sắp xếp trường, lớp, giáo viên. Kết quả đã xoá được 199 điểm trường lẻ không còn phù hợp; Trong đó, cấp mầm non 53 điểm, tiểu học 139 điểm, THCS 7 điểm; Bình quân giáo dục mầm non có 26,04 cháu/lớp, tiểu học có 29,94 học sinh/lớp, THCS có 39,80 học sinh/lớp, THPT có 41,40 học sinh/lớp; Thừa, thiếu giáo viên được khắc phục cơ bản, hiện nay giáo dục mầm non và THPT thiếu giáo viên, tiểu học còn thừa 135 giáo viên, THCS thừa 46 giáo viên. Sau sắp xếp, tỉnh thống nhất cho tiếp tục hợp đồng 916 giáo viên, bổ sung 615 biên chế và cho hợp đồng mới 374 giáo viên. Việc sắp xếp trường, lớp, giáo viên trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp, ổn định, đa số giáo viên yên tâm công tác.
7. Thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý xe ô tô công tập trung của các đơn vị cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh”
Ngày 14/3/2018, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 400/QĐ-UBND về việc thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý xe ô tô công tập trung của các đơn vị cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, Tổ điều hành xe ô tô công tập trung đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2018. Khi đề án được thực hiện, dự kiến sẽ tiết kiệm ngân sách cho tỉnh mỗi năm 17 tỷ đồng. Ngoài ra, còn góp phần giảm chi phí, diện tích xây dựng nơi quản lý xe, khai thác tối đa hiệu quả, công suất của xe ô tô hiện có, góp phần hiện đại hoá trong quản lý xe công.
8. Ứng dụng công nghệ IOT vào quản lý nông nghiệp và chủ trương phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh bền vững
Cà Mau đã đưa vào thí điểm ứng dụng công nghệ IOT để quản lý thông tin, môi trường nông, lâm, ngư nghiệp tại tỉnh (Dự án IOT). Theo đó, phần mềm ứng dụng IOT được chia thành 7 phân hệ quản lý gồm: Quản lý thông tin về giá cả thị trường; Quản lý dữ liệu ngành nông nghiệp; Hệ thống giám sát, thu thập thông tin môi trường ngành nông nghiệp; Quản lý chỉ đạo, điều hành; Quản lý sạt lở, thiên tai, xâm nhập mặn, quản lý các vùng qua bản đồ; Ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp thông tin nông nghiệp cho người dân và doanh nghiệp; Hệ thống cung cấp thông tin vật tư ngành nông nghiệp. Cà Mau là vùng sản xuất nông nghiệp lớn, nên việc ứng dụng công nghệ IOT vào hoạt động của ngành nông nghiệp là phù hợp nhằm đảm bảo cho công tác sản xuất của người dân đạt sản lượng, chất lượng cao hơn. Đồng thời, giúp người dân tránh rủi ro trong quá trình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Chủ trương lớn của tỉnh về phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đã nhận được sự đồng thuận cao từ chính quyền địa phương và người nuôi. Đây là mô hình tạo sự đột phá cho sản lượng tôm nuôi trong tỉnh, tỷ lệ thành công lớn đang khiến cho diện tích nuôi tăng nhanh, mở ra nhiều triển vọng cho ngành tôm Cà Mau.
Theo đó, từ khoảng 100 ha nuôi tôm siêu thâm canh vào cuối năm 2016, hiện toàn tỉnh đã tăng lên 2.072 ha với hơn 1.982 hộ nuôi, đóng góp khoảng 20% sản lượng tôm nuôi trong toàn tỉnh, góp phần đưa tổng sản lượng khai thác và nuôi thuỷ sản đạt gần 500 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1,2 tỷ USD. Theo dự báo, loại hình nuôi này sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, có khả năng đạt 5.000 ha vào năm 2020 và đạt 10.000 ha vào năm 2030