Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2020 vào chiều ngày 23/12.
20 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” không ngừng phát triển mạnh và đi vào chiều sâu, lan rộng đến từng cơ sở. Từ phong trào đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,57% (5.367 hộ nghèo) và 1,74% hộ cận nghèo (5.546 hộ). Đến nay có 55/101 xã, phường có Trung tâm Văn hóa, Thể thao-Học tập cộng đồng, có 772/949 Nhà văn hóa-Khu thể thao ấp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi người dân địa phương vui chơi, giải trí, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với 7 phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao chất lượng gia đình, ấp khóm văn hóa, 20 năm qua đã có trên 253.000 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 86,4%. Đồng thời, có 719 ấp, khóm đạt chuẩn văn hóa, đạt 75,7%; 5 phường văn minh đô thị, đạt 26,3% và 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 47,5%. Đến nay, đã ghi nhận được 791 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 63,4%.
Riêng đối với phong trào “Người tốt, việc tốt”, các điển hình tiên tiến, từ năm 2000 đến nay toàn tỉnh đã có trên 3.500 gia đình văn hóa tiêu biểu được biểu dương, tặng giấy khen, trên 500 hộ gia đình tiêu biểu cấp tỉnh, 30 gia đình được khen cấp Trung ương, góp phần lan rộng nét đẹp cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2020
Tuy nhiên, một số đơn vị, địa phương cũng cho rằng, các tiêu chí trong các phong trào, cuộc vận động chưa rõ ràng, thống nhất về nội dung tuyên truyền, còn chồng chéo về phương thức, hình thức vận động. Các thiết chế văn hóa sau khi xây dựng chưa phát huy hiệu quả. Vấn đề hỗ trợ kinh phí cho cuộc vận động nhiều nơi còn chưa đúng quy định. Việc nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế chủ yếu tự phát, hỗ trợ đầu tư còn hạn chế.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 thu hút 70% số người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; 95% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 65% phường, thị trấn được công nhận và giữ vững danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 80% ấp, khóm có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH,TT&DL.
Biểu dương, ghi nhận kết quả, thành tích của các đơn vị, địa phương đạt được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đề nghị: Cần thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa gắn với phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Triển khai nghiêm túc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Quan tâm đầu tư và tăng cường hoạt động thiết chế văn hóa. Nâng cao chất lượng phong phong trào, kịp thời, nhất quán từ tỉnh đến cơ sở, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Dịp này, Bộ VH,TT&DL trao tặng 2 tập thể 2 cá nhân và UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 19 cá nhân có thành tích xuất sắc phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giai đoạn 2000-2020./.
Hồng Nhung