(CMO) Trên địa bàn huyện Phú Tân hiện có 12,865 km đường đô thị và 68,451 km đường huyện, có hơn 750,368 km đường giao thông nông thôn, với 598 cây cầu. Do là địa phương ven biển, điểm đầu vùng biển Tây với biển Đông nên dòng chảy trên các tuyến sông rất mạnh và thay đổi liên tục, kéo theo việc sạt lở là rất nghiêm trọng. "Việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 15/7/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Tân và Kế hoạch số 91/KH-UBND của UBND huyện nhằm bảo vệ, duy tu, sửa chữa và kè chống sạt lở các công trình giao thông trên địa bàn huyện phù hợp với tình hình thực tế, tạo được sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành và tầng lớp Nhân dân, góp phần đưa nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống”, ông Võ Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, thông tin.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, các xã, thị trấn Cái Đôi Vàm thành lập 9 ban chỉ đạo với 196 thành viên và 525 tổ quản lý, bảo vệ, duy tu, sửa chữa, kè chống sạt lở các công trình giao thông nông thôn ở các ấp, khóm, với 8.217 thành viên.
Ban chỉ đạo các xã, thị trấn Cái Đôi Vàm và các tổ quản lý ấp, khóm đều có phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên và có kế hoạch tổ chức vận động các hộ gia đình trên các tuyến đường có trách nhiệm tự giác sửa chữa, kè chống sạt lở trên phạm vi phần đất hộ dân quản lý; phát quang lề đường, trồng hoa, cây xanh ven đường, ngăn chặn tình trạng phá đường đưa cơ giới vào cải tạo vuông tôm.
Đồng thời, vận động các thành viên trong tổ và Nhân dân trên tuyến tự giác góp vốn gây quỹ duy tu, sửa chữa, kè chống sạt lở khi công trình giao thông xuống cấp, có nguy cơ sạt lở nhằm bảo vệ kết cấu đường giao thông. Song song đó, thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn tình trạng xây dựng các hạng mục công trình vi phạm hành lang an toàn lộ giới, đảm bảo cho phương tiện lưu thông đi lại được thuận lợi, an toàn và thông suốt.
Theo đó, đến nay UBND các xã, thị trấn Cái Đôi Vàm triển khai, thực hiện công tác duy tu, sửa chữa được 155 tuyến đường, chiều dài hơn 45.300 m; công tác kè chống sạt lở được 405 tuyến đường, chiều dài hơn 320.000 m.
Ông Trần Văn Đẳng, Bí thư Chi bộ ấp Đất Sét (xã Phú Thuận), cho biết: "Đây là chủ trương rất phù hợp, sát tình hình thực tế của địa phương nên khi triển khai đã nhận được sự ủng hộ rất tích cực của Nhân dân. Ấp thành lập mỗi tổ 15-20 hộ để người dân cùng tham gia làm bờ kè, duy tu đường. Bà con tự làm, tự giám sát nên kết quả đạt rất tốt. Ai có điều kiện thì làm bờ kè bằng bê-tông, hộ ít tiền thì làm “kè mềm” bằng cây gỗ địa phương hay trồng cây ven sông, bảo vệ tuyến lộ ngăn chặn sạt lở; cùng với đó là trồng hàng rào cây xanh tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới".
Người dân ấp Đất Sét (xã Phú Thuận) làm “kè mềm” ven các tuyến sông nhằm bảo vệ tuyến lộ giao thông nông thôn không sạt lở, hiệu quả sử dụng lâu dài. |
Bài học được rút ra sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 09, đó là có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa xã và ấp. Đối với những công trình hư hỏng nặng thì xã chịu trách nhiệm sửa chữa, công trình hư hỏng ở mức độ nhẹ thì giao cho ấp tổ chức quản lý, vận động Nhân dân cùng chung tay thực hiện. Đồng thời, có sự cam kết trách nhiệm ngay từ ban đầu, khi công trình mới nghiệm thu đưa vào sử dụng, xã chỉ đạo các tổ quản lý vận động Nhân dân ký cam kết có trách nhiệm bảo vệ, duy tu, sửa chữa.
“Xem việc bảo quản, đầu tư duy tu, sửa chữa, kè chống sạt lở các công trình giao thông là nhằm trực tiếp đem lại quyền lợi thiết thực phục vụ quyền lợi Nhân dân, từ đó để mọi người cùng tự giác tham gia, không để tình trạng đùng đẩy trách nhiệm và trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên”, ông Võ Trường Giang thông tin thêm. Tới đây, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được trách nhiệm và quyền lợi, cùng tham gia tích cực./.
Trần Nguyên