(CMO) Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã xây dựng, phát động và duy trì hơn 20 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực.
Điển hình ở lĩnh vực phát triển kinh tế có mô hình “Thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi” với nhiều hoạt động khởi nghiệp được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực.
Đoàn viên, thanh niên xã Trí Phải, huyện Thới Bình gia cố bờ kè chống sạt lở, góp phần duy trì, giữ vững các tiêu chí NTM của xã. |
Cụ thể như mô hình nuôi tôm - cua kết hợp được tổ hợp tác thanh niên tại Chi đoàn ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, huyện Năm Căn dựa vào nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Hiện thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm/tổ viên; bước đầu tổ hợp tác có 11 tổ viên, đến nay tổ có trên 20 ĐVTN tham gia.
Mô hình dèo cua trứng, nuôi vọp và rắn ri tượng ở huyện Ngọc Hiển, không đòi hỏi nhiều vốn nhưng lợi nhuận kinh tế khá cao, thu lợi hàng chục triệu đồng mỗi năm. Huyện U Minh có nhiều mô hình như vườn - ao - chuồng - biogas ở Ấp 5, xã Khánh Tiến; nuôi sò huyết ở xã Khánh Hội; nuôi dế thịt ở Ấp 3, xã Nguyễn Phích; trồng mãng cầu ta ở Ấp 9, xã Khánh Hội…
“Hiệu quả mang lại từ các mô hình trước hết là ổn định đời sống, tăng thu nhập cho gia đình cán bộ, ĐVTN; từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong việc chăm lo đời sống của cán bộ, ĐVTN; giảm tỷ lệ ĐVTN rời địa phương đi làm ăn xa do không có công việc ổn định. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã và đang được nhân rộng trong toàn Đoàn”, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hoàng Đạo phấn khởi.
Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tư vấn hướng nghiệp cho hơn 66.000 thanh - thiếu niên; giới thiệu cho hơn 11.000 thanh niên và giải quyết việc làm cho hơn 4.000 thanh niên; mở 52 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - công nghệ; duy trì và nhân rộng hiệu quả 90 mô hình phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên; duy trì thực hiện hiệu quả 5 quỹ giúp nhau lập nghiệp, 5 mô hình khởi nghiệp trong thanh niên, phối hợp với các trung tâm dạy nghề, tổ chức dạy nghề, học tập kinh nghiệm các mô hình nuôi dế, gà, dê, ba ba…, tổng trị giá hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng.
Văn hoá - xã hội là lĩnh vực được các cấp bộ Đoàn đăng ký nhiều mô hình phong phú, gắn với phát triển văn hoá - xã hội ở địa phương, theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, mang lại giá trị to lớn đối với việc tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; chăm lo, thực hiện chế độ chính sách đối với người có công; nâng cao chất lượng các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Nổi bật như mô hình “Thắp sáng đường quê” được nhiều đơn vị thực hiện hiệu quả bằng nhiều hình thức vận động nguồn vốn từ các nguồn lực xã hội, mạnh thường quân; vận động ĐVTN và Nhân dân trên địa bàn hỗ trợ ngày công lao động, đào hố trồng trụ, kéo dây, ráp cần, lắp bóng đèn... phối hợp với điện lực hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn phương án bố trí cột điện, bóng đèn, lắp đặt thi công. Kết quả, đã xây dựng, lắp đặt được hơn 40 km với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng ở các địa điểm như: ấp Kinh Đào Đông, Rạch Tàu Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển; ấp Cái Đôi, xã Phú Tân, huyện Phú Tân; Khu Căn cứ Tỉnh uỷ, ấp Xẻo Đước; xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi…
Ở lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nhiều năm liền Đoàn bộ tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả mô hình cảm hoá, giáo dục thanh - thiếu niên chậm tiến. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, có 67 Đoàn xã, phường, thị trấn đảm nhận cảm hoá, giáo dục được 222 thanh - thiếu niên chậm tiến, trong đó có 161 thanh - thiếu niên được giúp đỡ trở nên tiến bộ.
Mô hình “Đoàn Thanh niên xung kích tham gia cải cách hành chính” ở lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị được Đoàn khối Dân Chính Đảng đăng ký, triển khai đến các cơ sở Đoàn trực thuộc mang lại hiệu quả thiết thực: rút ngắn từ 20-30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời công bố 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương và được niêm yết công khai, đúng quy định...
Anh Nguyễn Hoàng Đạo đánh giá cao mô hình “Câu lạc bộ (CLB) Lý luận trẻ”. Bởi, đây là mô hình tập hợp cán bộ Đoàn, ĐVTN có khả năng nghiên cứu, trao đổi về lý luận, chính trị, góp phần trang bị cho cán bộ Đoàn, ĐVTN khả năng lý luận và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về Đảng - Đoàn... Từ đó, tạo diễn đàn, sân chơi giúp ĐVTN bày tỏ quan điểm cá nhân đối với những vấn đề giới trẻ hiện nay quan tâm, đặc biệt là các sự kiện chính trị - xã hội nổi bật trong nước và quốc tế, các vấn đề đặt ra đối với tổ chức Đoàn - Hội - Đội; cùng nhau thảo luận, phân tích, nhận diện vấn đề. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được 14 CLB Lý luận trẻ (1 CLB cấp tỉnh và 13 CLB cấp huyện).
Theo anh Nguyễn Hoàng Đạo, phát huy hiệu quả từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020, Tỉnh đoàn Cà Mau sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, ĐVTN về công tác dân vận, về phong trào “Dân vận khéo” bên cạnh hệ thống các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Đoàn, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, tiếp tục phát động thực hiện phong trào “Dân vận khéo” sâu rộng trong hệ thống Đoàn bộ tỉnh. Đặc biệt là duy trì, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” đạt hiệu quả và xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh - thiếu nhi hàng năm./.
Băng Thanh