ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 12:50:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cách ly vì cộng đồng

Báo Cà Mau (CMO) Cách ly 21 ngày tập trung hoặc tại gia đình, đó là việc bắt buộc người dân ở vùng dịch hoặc đi và về từ TP Hồ Chí Minh phải tuân thủ khi về đến Cà Mau. Gần 1 tháng phải cách ly với xã hội, vậy những người thuộc diện cách ly phải làm gì cho thời gian trôi mau và quá trình này họ có những điều gì phải chú tâm.

Nghĩa cử đẹp

Ngày chuẩn bị đưa con lên TP Hồ Chí Minh thi tốt nghiệp THPT, anh Lê Minh Xuân, cư trú tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, đã chuẩn bị sẵn tâm lý khi về sẽ phải cách ly với gia đình. Sau khi hoàn thành kỳ thi, cả 2 cha con tức tốc thuê xe về Cà Mau trong đêm. Theo dõi hướng dẫn cũng như diễn biến dịch Covid-19, anh biết rằng nơi mình tạm trú ở TP Hồ Chí Minh là vùng có dịch, khi về địa phương phải cách ly tập trung.

Anh Xuân chia sẻ: “Trong khu cách ly tập trung, mọi người rất nghiêm ngặt về việc giao tiếp, hầu hết ai cũng ở yên trong phòng, không lui tới trò chuyện cùng nhau. Tất cả mọi vật dụng từ mùng mền, chiếu gối đều được trung tâm cấp, cơm ăn ngày 3 bữa đều được nấu sẵn mang đến tận phòng, đầy đủ dinh dưỡng và rất vừa miệng”.

Vài ngày trôi qua, anh và con cũng đã thích nghi dần, những khi rảnh rỗi thì gọi điện về hỏi thăm gia đình, còn lại thì theo dõi tin tức bằng điện thoại. Những lúc trong sân trung tâm vắng người, 2 cha con sẽ xuống sân để tập thể dục. Mỗi ngày anh và con trai đều dành cả giờ đồng hồ để tập thể dục duy trì trạng thái sức khoẻ tốt nhất.

Hỏi thăm việc anh có lo lắng gì khi con trai mình đang ở độ tuổi thanh niên nhưng phải cách ly như vậy? Anh cười vui vẻ nói, trước đây con anh học ở trường nội trú trên TP Hồ Chí Minh, việc đi lại cũng rất hạn chế, chủ yếu là quanh quẩn ở trường nên khá quen thuộc với việc này.

Hôm 10/7, ở trung tâm cách ly Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú có 2 ca dương tính, là ngày thứ 2 anh ở khu cách ly, lúc đó anh hơi lo sợ. Thế nhưng, việc quản lý ở đây khá nghiêm, cùng với đó là cha con anh không giao tiếp với những người ở phòng khác nên cũng an tâm.

Anh Xuân chia sẻ: "Vốn là giáo viên đang giảng dạy tại Trường THCS Sông Ðốc 1, tôi ý thức mình phải làm gương cho học sinh, phải sống trung thực, không vì chút lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng đến cộng đồng".

Ngoài việc cách ly tập trung, hiện tại, người về từ TP Hồ Chí Minh không nằm trong khu vực cách ly tập trung thì sẽ cách ly cả hộ gia đình trong 21 ngày. Thời gian vừa qua, có rất nhiều người trở về từ TP Hồ Chí Minh và đã cách ly tại nhà 21 ngày. Như trường hợp anh Vũ Minh Chính, Khóm 11, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, đã có 19 ngày cách ly tại gia đình cùng cha mẹ và con trai nhỏ 3 tuổi.

"Mỗi sáng thức dậy, tôi chuẩn bị đồ ăn cho con trai, xong rồi chơi cùng con, chiều cũng vậy. Những khi bé chơi với ông bà thì tôi có thời gian xem phim, dọn dẹp nhà cửa, suy nghĩ bày trò chơi gì cho nhóc chơi. Trẻ nhỏ nhiều khi cũng quấy khóc, khó chịu, phải cho con xem ti-vi để dỗ", anh Chính chia sẻ.

Anh Chính cho biết: "Việc cách ly là bắt buộc phải làm theo quy định Nhà nước, nên tôi thấy bình thường. Hãy suy nghĩ đơn giản, bản thân mình phải an toàn trước dịch bệnh đang hoành hành. Ðó là mình đã làm được việc tốt cho xã hội hiện tại. Thời gian này, tôi rất trân quý tấm lòng bà con hàng xóm, họ hàng đã giúp đỡ, tiếp tế nhu yếu phẩm cho gia đình”.

Những hộ cách ly y tế luôn được địa phương quan tâm và theo dõi sức khoẻ. Ảnh: VÂN KHÁNH

Cách ly tập trung hay cách ly tại nhà, không có nghĩa là cách biệt với toàn bộ thế giới bên ngoài. Người cách ly vẫn có thể liên lạc với người thân, bạn bè qua nhiều cách khác nhau và trong thời gian này chúng ta cần giữ sức khoẻ ở trạng thái tốt nhất. Nếu bạn là người đang được cách ly, có nghĩa là bạn đang được Nhà nước quan tâm đến sức khoẻ và đội ngũ y tế luôn túc trực sẵn sàng hỗ trợ bạn khi cần.

Việc cách ly y tế cần phải được nhìn nhận theo cách nhìn khác, bởi những người đang cố gắng chấp hành tốt việc cách ly với bên ngoài là nghĩa cử đẹp vì cộng đồng và xã hội. Ðừng suy xét hay kỳ thị, cần phải có cái nhìn khách quan hơn trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Khu vực phong toả không đơn độc

Sáng sớm ngày 7/7, khi Cà Mau ghi nhận ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 tại ấp Ðầu Nai, xã Tân Phú thì cả vùng quê yên bình bắt đầu xáo trộn. Bao nỗ lực phòng bệnh giờ cấp tốc chuyển sang giai đoạn phòng chống và cấp tập truy vết nguồn tiếp xúc.

Ngay khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên và truy vết nguồn lây F1, F2; các địa phương huyện Thới Bình và TP Cà Mau tiến hành khoanh vùng giãn cách và lập khu vực phong toả.

Phía ấp Ðầu Nai, xã Tân Phú, chính quyền địa phương đã khoanh vùng khoảng 1,2 km, cách 2 phía từ nhà bệnh nhân 22348 mỗi hướng 500 m, với 88 hộ, 297 khẩu; cùng với đó, phía Ấp 2, xã Tân Lộc Bắc (giáp ranh, hướng đối diện qua sông Ðầu Nai) cũng có trên 100 hộ dân với gần 500 khẩu thực hiện các giải pháp an toàn.

Ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên, TP Cà Mau cũng đã khoanh vùng chiều dài khoảng 1 km, với 209 hộ, 872 khẩu. Như vậy, cả 2 khu vực thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch như vừa nêu có 297 hộ, 1.169 khẩu. Ðể kịp thời đảm bảo an ninh trật tự và đời sống, tiêu dùng của người dân, chính quyền địa phương 2 xã Tân Phú và An Xuyên kịp thời  hỗ trợ người dân và vận động mạnh thường quân ủng hộ.

Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Phú Lê Chí Tâm cho hay: “Hiện khu vực giãn cách ở Ðầu Nai đã ổn. Cuộc sống, nhu cầu tiêu dùng của người dân được đảm bảo. Xã nhận được nhiều sự quan tâm của các ban, ngành và nhà hảo tâm trong hỗ trợ kinh phí và các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng”.

Hàng hoá hỗ trợ người dân khu giãn cách ở ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên, TP Cà Mau luôn đảm bảo đủ. Ảnh: PHONG PHÚ

Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc Lâm Thị Trúc Mai thông tin: “Là địa bàn giáp ranh với xã Tân Phú, ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, cán bộ, người dân Ấp 2, xã Tân Lộc Bắc nơm nớp lo sợ. Vì người nhà bệnh nhân ở Tân Phú có nhiều mối quan hệ bà con họ hàng ở Tân Lộc Bắc. Ngoài nỗ lực truy vết tiếp xúc, người dân ở Ấp 2 hạn chế ra đường. Ðến nay, cuộc sống và sinh hoạt đã ổn định”.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND TP Cà Mau Lê Tuấn Hải thông tin: “Ðịa phương nhận được hỗ trợ tích cực từ mạnh thường quân và nhà hảo tâm không chỉ riêng khu vực giãn cách ở An Xuyên, mà cả các xã, phường. Bởi, hiện nhiều dịch vụ đã tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng phần lớn lao động tự do ở địa phương. Bằng các giải pháp, mô hình như: mua hàng hộ, Bếp ăn 0 đồng... đã và đang khích lệ, động viên và là động lực mạnh mẽ cho Nhân dân, chính quyền thành phố vượt qua đại dịch”.

“Hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm cung ứng cho bà con trong khu vực giãn cách xã hội đến nay đảm bảo đủ. Tình hình an ninh trật tự ổn định, đồng thời bà con cũng an tâm thực hiện các biện pháp giãn cách”, Chủ tịch UBND xã An Xuyên, TP Cà Mau Quách Thanh Nhã thông tin.

Ðến nay, các hộ dân ở 2 khu vực giãn cách ấp Ðầu Nai và Tân Hiệp đều đã được test nhanh Covid-19. Riêng xã An Xuyên, ngoài test nhanh cho dân, địa phương cũng đã test nhanh tầm soát SARS-CoV-2 cho 82 đối tượng khác là cán bộ xã và cán bộ đang làm nhiệm vụ túc trực tại khu vực giãn cách.

 

Khánh Phương - Phong Phú

 

Cẩn trọng với dị vật tai mũi họng ở trẻ nhỏ

Mắc dị vật tai mũi họng (TMH) thường gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là trẻ em. Ðặc biệt, trẻ em hay tinh nghịch, hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh nên thường có thói quen nhét vật lạ vào mũi, tai, hay ngậm các vật nhỏ vào miệng, dễ sặc vào phổi... Một số trường hợp do bất cẩn trong chế biến thức ăn, trẻ dễ bị hóc xương. Dị vật TMH ở trẻ em nếu không được phát hiện, chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ gây các biến chứng khôn lường.

Tai biến mạch máu não và cách phòng ngừa

Tai biến mạch máu não (TBMMN) là tình trạng đột quỵ não do máu đến nuôi dưỡng não rất ít, hoặc không đến được do hẹp hoặc do tắc nghẽn động mạch não (nhồi máu não) hoặc do vỡ mạch máu não (xuất huyết não).

Cần xử lý cương quyết vi phạm an toàn thực phẩm

Những năm gần đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng đang ngày càng phổ biến, do việc vi phạm về chế độ an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật đối với người kinh doanh trên thị trường.

Ung thư và những căn nguyên cần biết

Các chuyên gia của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) cho biết, thông thường tình trạng ung thư chỉ xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các tế bào một cách không kiểm soát được, sau đó thì các tế bào này sẽ tập hợp lại thành một khối u. Theo thời gian, các khối u bất thường đó sẽ tiếp tục có xu hướng di căn và xâm lấn sang các bộ phận khác trong cơ thể con người. Lúc này thì căn bệnh ung thư được xem như đã hình thành.

Khai trương phòng khám chuyên đề bệnh vảy nến tại Bệnh viện Mắt - Da liễu Cà Mau

Sáng nay (29/10), đúng Ngày Bệnh vảy nến Thế giới, Bệnh viện Mắt - Da liễu Cà Mau khai trương phòng khám chuyên đề bệnh vảy nến. Tham dự có PGS.TS - Bác sĩ Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cùng đoàn y, bác sĩ bệnh viện. Về phía tỉnh Cà Mau có Bác sĩ Trần Quang Khoá, Phó giám đốc Sở Y tế.

Ðảm bảo sức khoẻ người cao tuổi

Ngày 7/4/2021, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt Ðề án “Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi (CSSKNCT) tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”, mục tiêu nhằm nâng cao sức khoẻ NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ CSSK ban đầu; đồng thời, đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp tại các cơ sở y tế, tại nhà cho NCT.

Cách vắt sữa và bảo quản sữa mẹ

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà các bà mẹ không thể trực tiếp cho con bú, nên vắt sữa là giải pháp tốt nhất.

Đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Từ nay đến Tết dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ không còn xa. Thời điểm này, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh hàng thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết như: thịt nguội (giò chả, chả lụa, xúc xích, lạp xưởng, nem…) cũng như các loại thực phẩm đóng hộp, thực phẩm đóng gói, thức ăn nhanh, thực phẩm đông lạnh; các loại khô (cá khô, tôm khô), mắm đang được đẩy nhanh quá trình nhập nguyên liệu dự trữ và tăng công suất sản xuất để kịp thời cung ứng cho thị trường tiêu dùng.

Điều trị ung thư phải theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa

Hiện nay, nhiều người cảm thấy lo lắng khi căn bệnh ung thư đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Trong đó, nhiều nhất là ung thư phổi, gan, dạ dày, đại trực tràng và tuyến vú.

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch do hút thuốc lá

Thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.