(CMO) Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến “Tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 vào chiều ngày 18/3. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân chủ trì hội nghị điểm cầu Cà Mau.
Đánh giá kết quả tổng thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC Chính phủ nhấn mạnh, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, CCHC luôn là một nội dung quan trọng trong việc đổi mới của Đảng ta, là 1 trong 3 giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, thúc đẩy đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế.
Tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 6.300 tỷ đồng/năm
Công tác CCHC được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung. Trong đó, nổi bật là công tác chỉ đạo, điều hành CCHC từ Trung ương đến địa phương đã tạo động lực cải cách mạnh mẽ và lan tỏa trong toàn hệ thống, tạo được niềm tin cho xã hội, người dân, doanh nghiệp. Đã có trên 460 mô hình, sáng kiến CCHC các bộ, ngành; các tỉnh có trên 6.120 mô hình, sáng kiến CCHC.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân chủ trì hội nghị tại điểm Cầu Cà Mau
Về cải cách quy định TTHC, tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.
Đặc biệt, giai đoạn 2013 - 2020, Chính phủ đã ban hành 19 Nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân trên các lĩnh vực quản lý để phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.097 thủ tục, với 992 mẫu đơn và 399 tờ khai, trong đó có nhiều phương án có đối tượng tác động lớn.
Có 59/63 địa phương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Tính đến 31/3/2020 các bộ, ngành Trung ương giảm 10.284 biên chế công chức so với số biên chế giao năm 2015; các địa phương giảm 13.612 người. Đến tháng 4/2020, tổng số cán bộ, công chức cấp xã có 234.617 người, bình quân 21 người/xã.
Về hiện đại hoá nền hành chính, hiện nay đã có 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử và đang tổ chức triển khai, thực hiện.
Để “tiếng kêu” người dân, doanh nghiệp ít đi
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho tới quý II năm 2020, số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3 cả nước là 38.833; DVCTT mức 4 cả nước là 17.959 dịch vụ. Tỷ lệ trung bình hồ sơ giải quyết qua hệ thống một cửa điện tử tại các tỉnh từ năm 2015 đến tháng 3/2020 đạt 84,44%.
Nhờ vậy, về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, năm 2019 Việt Nam xếp vị trí 67/141 quốc gia và nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018, mức tăng cao nhất trên thế giới trong năm qua.
Tuy nhiên, cải cách thể chế vẫn còn những bất cập, hạn chế; cải cách TTHC vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu. Cải cách tài chính công còn nhiều hạn chế. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả. Việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số còn chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương.
Tỉnh Cà Mau là 1 trong 59 tỉnh, thành phố trên cả nước thành lập Trung tâm giải quyết TTHC tỉnh
Biểu dương các cơ quan, địa phương có nhiều thành tích đóng góp tích cực cho công tác CCHC 10 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, CCHC phải hướng về người dân, phục vụ Nhân dân để phát triển, tạo niềm tin Nhân dân thông qua cải cách thể chế. Những tiến bộ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh đã qua rất lớn. Thay đổi lề lối, phương thức làm việc theo hướng hiện đại, giảm tham nhũng vặt. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn hiện tượng vòi vĩnh, thái độ ứng xử thiếu văn hoá.
Định hướng sắp tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, chúng ta phải thực hiện chiến lược số hoá, tăng cường kiểm tra giám sát cá nhân, tổ chức vi phạm trong CCHC, tăng cường công khai minh bạch để phục vụ, để “tiếng kêu” của người dân, doanh nghiệp ít đi.
Ngoài ra, Chương trình CCHC giai đoạn 2021-2030 phải quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, lấy người dân làm trung tâm. Hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật về kinh tế, đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho sự đổi mới, phát triển và sáng tạo. Thủ tục là vấn đề quan tâm hiện nay, làm sao đơn giản nhất có thể, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, liêm chính, phục vụ Nhân dân./.
Hồng Nhung