ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-7-25 01:38:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Quyết tâm cao để đạt mục tiêu lớn

Báo Cà Mau Mục tiêu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên đang được các cấp, các ngành và từng địa phương trong tỉnh triển khai hiện thực hoá bằng những kế hoạch, giải pháp và hành động cụ thể với quyết tâm cao nhất.

Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, bảo đảm phát triển hài hoà giữa kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh... là một thách thức rất lớn đối với tỉnh đang phát triển như Cà Mau. Tuy nhiên, nếu đạt được mục tiêu này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân. Do đó, các địa phương trong tỉnh đang xắn tay cùng hành động với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Theo kết quả đánh giá quý I của UBND tỉnh, mức tăng trưởng dự kiến 5,36%, cho thấy chưa đạt theo kế hoạch đề ra là 7,04%. Cụ thể, lĩnh vực ngư - nông - lâm nghiệp ước tăng 3,53% so cùng kỳ; công nghiệp, xây dựng ước tăng 3,51%; dịch vụ ước tăng 9,35%.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương, qua theo dõi, tất cả chỉ tiêu trong khu vực mà ngành chịu trách nhiệm đều tăng, nhưng tăng chưa đạt yêu cầu, do tác động của nhiều yếu tố. Ðặc biệt, tháng 1 là tháng vừa xuất khẩu xong các mặt hàng thuỷ sản, tháng mà các nước châu Âu ngừng nhập hàng thuỷ sản và đúng vào thời gian nghỉ tết Nguyên đán kéo dài, từ đó một số lĩnh vực của ngành giảm rất sâu. Tiêu biểu như công nghiệp chế biến tôm giảm đến 19,91%; khí thương phẩm giảm 0,67%, sản xuất điện giảm 3,4%, phân bón giảm 7,36%. Chỉ có nhóm ngành thuộc khu vực bán lẻ hàng hoá và kim ngạch xuất khẩu tăng.

Tuy nhiên, đến tháng 2 tình hình bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc hơn, tất cả các nhóm ngành thuộc khu vực công thương đều tăng nhưng tốc độ tăng trưởng còn chậm. Ðến tháng 3 thì tốc độ tăng trưởng cao trở lại, như sản lượng tôm chế biến tăng 11,61%, khí thương phẩm tăng hơn 19,31%, điện sản xuất tăng 14,39%, khí hoá lỏng tăng 27,38%, phân bón tăng 8,65%.

Hằng năm, hoạt động khai thác cung cấp cho thị trường hơn 230 ngàn tấn thuỷ sản các loại, một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của khu vực ngư - nông - lâm.

Hằng năm, hoạt động khai thác cung cấp cho thị trường hơn 230 ngàn tấn thuỷ sản các loại, một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của khu vực ngư - nông - lâm.

“Do tháng 1 tăng trưởng âm, tháng 2 tăng trưởng không cao nên bình quân chung cả quý I tăng trưởng chưa đạt yêu cầu kế hoạch như kỳ vọng. Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng của tháng 3 và kim ngạch xuất khẩu tôm trong quý I có khởi sắc hơn rất nhiều so với cùng kỳ, đây là các cơ sở để kỳ vọng vào các tháng còn lại đạt mức tăng trưởng tốt”, ông Thiện nhận định.

Tuy nhiên, hiện nay với mức thuế cao mà Mỹ áp cho mặt hàng thuỷ sản đang đặt ra một thách thức lớn cho tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh. Ðể ứng phó với thực tế này, ông Thiện cho biết thêm, Sở đang tiến hành tổ chức các buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản để có những hướng đi cụ thể, thận trọng hơn. Sở đang tiếp tục cùng với các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm tăng sản lượng xuất khẩu. Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt nhất các chương trình xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước để vừa nâng kim ngạch xuất khẩu, vừa nâng mức tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, đang tiếp tục làm việc với chủ đầu tư các dự án điện gió, kể cả các dự án đang vận hành thương mại cũng như các dự án đang thi công, để tập trung tháo gỡ khó khăn, khai thác tối đa tiềm năng lĩnh vực này.

Xác định thương mại dịch vụ là lĩnh vực chính đóng góp vào sự tăng trưởng, TP Cà Mau đang triển khai các giải pháp để khai thác hết tiềm năng dư địa hiện nay. Theo ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND thành phố, thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 60% trong cơ cấu kinh tế nên TP Cà Mau đang tập trung làm việc với từng chủ thể có tham gia vào các dịch vụ phục vụ du lịch, kể cả nhà hàng, quán ăn, dịch vụ mua sắm... để kết nối tour tuyến. Ðồng thời, công tác quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường... được triển khai thường xuyên, liên tục, đảm bảo cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch khi đến với thành phố. Hiện nay, TP Cà Mau đã xây dựng và ban hành kế hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó xác định từng chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể và giao cho từng cơ quan, đơn vị phụ trách.

Nhận định về tốc độ tăng trưởng quý I, ông Hồ Trung Việt, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ, cho rằng, con số hụt quý I rất xa so với chỉ tiêu đề ra, nên trong 3 quý còn lại phải phấn đấu đạt trên 8% mới bù lại được. Theo đó, để đạt được tốc độ tăng trưởng 8% vào cuối năm, trước tiên các cấp, các ngành cần phải quan tâm đến 2 nội dung có liên quan với nhau và mang tính chất cốt lõi, đó là sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức mới, đồng thời ứng dụng thành công và có tạo ra giá trị mới từ việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó phải quyết tâm thực hiện kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về tổ chức "Bình dân học vụ số”.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực.

Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư là một lĩnh vực khá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút 6 dự án đầu tư mới với số vốn đăng ký 297,8 tỷ đồng. Như vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh có tổng số 468 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 147.953 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án FDI. Tuy nhiên, có thể thấy, hết quý I toàn tỉnh có 175 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 983,3 tỷ đồng, nhưng cùng thời gian này có đến 19 doanh nghiệp giải thể tự nguyện và 159 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; chấm dứt hoạt động 25 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Ðây là một thực tế đáng lo ngại.

Trước những khó khăn và thách thức, để đạt có số tăng trưởng 8% trở lên vào cuối năm 2025, UBND tỉnh đã đề ra nhiều kịch bản và các nhóm giải pháp cụ thể cho từng khu vực kinh tế cụ thể. Trong đó, tăng cường làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các loại hình kinh tế khác... để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo ra những động lực mới, sản phẩm mới để thúc đẩy kinh tế phát triển./.

 

Nguyễn Phú

 

Cà Mau quyết liệt tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công

“Dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên đôn đốc, nhưng đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu và nếu không có sự đột phá thì cuối năm các chủ đầu tư sẽ không hoàn thành nhiệm vụ”, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại nêu thực trạng tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sau hợp nhất, chiều 11/7.

Bệ phóng cho Cà Mau phát triển

Sau khi hợp nhất, trên cơ sở tính toán tiềm năng và năng lực hiện có, Cà Mau đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8,5%.

Không để hợp nhất làm chậm đầu tư công

Cùng với việc nhanh chóng vận hành chính quyền hai cấp hiệu quả, các địa phương trong tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Dù hợp nhất đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, điều hành, nhưng các địa phương quyết tâm không để quá trình này cản trở việc triển khai dự án.

Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi khẳng định: “Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là cơ sở để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của từng chủ đầu tư và sẽ xem xét kỷ luật những chủ đầu tư nào có tỷ lệ giải ngân trong năm 2025 đạt dưới 80 %”.

Nhân đôi thế mạnh

Nhìn tổng thể, bức tranh kinh tế của Bạc Liêu có sự tương đồng với Cà Mau về tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Vì thế, việc hợp nhất 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau mở ra nhiều kỳ vọng phát triển bứt phá cho vùng đất cuối trời Tổ quốc, khi nguồn lực được tập trung, khai thác và phát huy.

Quyết tâm đạt tăng trưởng GRDP sau hợp nhất tỉnh

“Đây là một nhiệm vụ rất khó, phải tập trung hết sức lực để tạo khí thế mới, niềm tin mới sau hợp nhất tỉnh. Việc thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng là tiêu chí đánh giá cán bộ năm 2025, đặc biệt là người đứng đầu”. Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồ Hải đã nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Phấn đấu tăng trưởng GRDP tỉnh Cà Mau năm 2025 đạt 8% trở lên”, diễn ra vào sáng 27/6.

Tập trung mọi nguồn lực để tăng trưởng

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế tỉnh Cà Mau đã chuyển biến tích cực, góp phần đưa nền kinh tế tỉnh vượt qua được những khó khăn, thách thức trước những biến động chưa từng có của bối cảnh trong nước và quốc tế.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của tỉnh được triển khai trong bối cảnh cả nước bước vào cuộc cách mạng mạnh mẽ với 2 mục tiêu lớn, đó là thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị và thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, hướng đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, ghi nhận đến thời điểm này, kết quả giải ngân của tỉnh còn khá chậm, cần giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ.

Dáng dấp tỉnh Cà Mau mới với những bước đột phá

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính (ÐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang chuyển động mạnh mẽ khắp cả nước. Trong bối cảnh đó, việc hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau được quyết liệt triển khai, với nhiều nội dung quan trọng đã được thống nhất. Phấn đấu tỉnh Cà Mau mới đi vào hoạt động trước ngày 15/8/2025.

Hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo

Với mục tiêu hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII xác định phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thuỷ điện) phục vụ sản xuất điện, đạt khoảng 28-36% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 74-75%.