(CMO) Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC) thời gian qua đã cho thấy quyết tâm cao của Ðảng, Nhà nước trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Hiện nay, công tác phòng, chống TNTC tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Nhất là gắn phòng, chống TNTC với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm, miễn nhiệm, từ chức theo quy định của Ðảng, Nhà nước, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của các địa phương, của đất nước.
Sau khi Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII) quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTC cấp tỉnh và Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QÐ/TW, Ban Thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTC của địa phương. Ðến tháng 8/2022, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động, nhiều ban chỉ đạo đã chủ động xây dựng và ban hành các quy định, quy trình, hướng dẫn về một số mặt công tác để triển khai thực hiện thống nhất.
Xác định công tác phát hiện, xử lý TNTC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến rõ nét, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác phòng, chống TNTC ở địa phương, ban chỉ đạo, thường trực ban chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo rà soát, quyết định đưa hàng trăm vụ án, vụ việc TNTC phức tạp được dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Trong năm 2022 và quý I/2023, các địa phương trong cả nước đã khởi tố mới 563 vụ/1.414 bị can về tội tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 227 vụ án/838 bị can. Trong năm 2022 đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); cho thôi giữ chức Uỷ viên Trung ương Ðảng (khoá XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 phó Thủ tướng Chính phủ, 3 thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 chủ tịch HÐND, chủ tịch UBND tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút.
Việc các ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và nhanh chóng triển khai hiệu quả các hoạt động đã thể hiện quyết tâm cao của các tỉnh uỷ, thành uỷ trong việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống TNTC, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao từ Trung ưng đến địa phương, cơ sở theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương là: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; khẳng định chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền các cấp và đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh, tạo hiệu quả rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và phòng, chống TNTC. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 50 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn về xây dựng Ðảng, phòng chống TNTC, nhất là chủ trương thành lập ban chỉ đạo phòng, chống TNTC cấp tỉnh; về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng; về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; về bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật; về chủ trương phân loại, xử lý tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á… Nhiều quy định đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành.
Công tác phòng, chống TNTC trong các cơ quan chống tham nhũng được chú trọng, tăng cường; trong năm đã xử lý kỷ luật trên 200 cán bộ, công chức của các cơ quan này có sai phạm liên quan đến TNTC, trong đó chuyển xử lý hình sự 74 trường hợp.
Thời gian qua, nhất là từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống TNTC trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo, công tác phòng, chống TNTC có bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, “Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”, góp phần quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Nhân tố có ý nghĩa quan trọng, quyết định thành công của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Với quyết tâm cao, sự sâu sát, quyết liệt, cụ thể, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo nhiều cách làm hay, sáng tạo, khoa học, bài bản, chắc chắn; nhiều quan điểm, tư tưởng, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động đã được khẳng định, phát huy hiệu quả trên thực tế và đã được cụ thể hoá, thể chế hoá thành các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước.
Việc xuất bản cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã trở thành “cẩm nang” trong công tác đấu tranh phòng, chống TNTC ở Việt Nam. Nội dung cuốn sách là tổng hợp thực tiễn phong phú, thể hiện quá trình lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn điện, cụ thể, đầy sức thuyết phục của Ðảng và đồng chí Tổng Bí thư trong cuộc đấu tranh phòng, chống TNTC. Do vậy, nội dung cuốn sách có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Quyển sách góp phần làm rõ quá trình phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Ðảng ta về công tác phòng, chống TNTC, nhất là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đã trở thành “kim chỉ nam” cho hành động của Ðảng, toàn quân và toàn dân trong đấu tranh phòng, chống TNTC.
Cuốn sách đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Ðảng, Nhà nước và của đồng chí Tổng Bí thư trong cuộc chiến không khoan nhượng với TNTC, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. Nội dung cuốn sách đã phản ánh chặng đường 10 năm đấu tranh phòng, chống TNTC của Ðảng, Nhà nước ta (từ năm 2012-2022), khẳng định những bước tiến quan trọng trong cuộc chiến “chống giặc nội xâm”.
Cuốn sách đã đưa ra nhiều nhận định, đánh giá cho thấy rõ hành trình đấu tranh phòng, chống TNTC ở Việt Nam: Từ nhận định “vẫn còn là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay” (năm 2014), đến nhận định “đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng giảm” (năm 2018), “đạt được nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận” (năm 2020) và tin tưởng rằng “trong thời gia tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. TNTC nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Ðảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của Nhân dân” (năm 2022). Qua đó cho thấy quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Ðảng, Nhà nước và của đồng chí Tổng Bí thư trong đấu tranh phòng, chống TNTC.
Ðể công tác phòng, chống TNTC tiếp tục có bước tiến mới, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả cao hơn nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là “Nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng”./.
Ðặng Duẩn tổng hợp