ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 2-2-25 15:46:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cảm thức cội nguồn

Báo Cà Mau (CMO) Trong hành trình khẩn hoang, mở cõi tiến về phương Nam, cha ông ta luôn mang theo cảm thức ngàn đời của dân tộc về cội nguồn, đau đáu hướng về “Quê cha đất Tổ”. Tại vùng đất mới Cà Mau, tín ngưỡng thờ Vua Hùng đã bắt đầu từ 200 năm trước, với sự hiện diện của “Miếu ông Vua” mà cư dân vùng Thới Bình, phía Bắc Cà Mau đã phụng lập, hương khói truyền đời.

Ngay tại nội ô TP Cà Mau ngày nay, hơn trăm năm trước, Ðền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ cũng đã hiện diện, nhắc nhớ cho con người về câu chuyện “Trăm trứng một bào”. Từ thuở Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, nở trăm con, 50 người con theo mẹ lên non, 50 người con theo cha xuống bể, nòi giống Tiên Rồng đã chung sức, đồng lòng mở mang cơ đồ, bờ cõi nước non.

Học sinh và Nhân dân vùng Ðất Mũi tề tựu để dâng hương Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân.

Ông Phan Văn Thông, người dân cố cựu ở ấp Giao Khẩu (xã Tân Phú, huyện Thới Bình), gắn bó với Ban Quản lý Ðền thờ Vua Hùng suốt thời gian dài, chia sẻ: “Hồi xưa, Ðền thờ Vua Hùng chỉ là ngôi miếu nhỏ cất bằng cây lá, có bài vị ghi đôi dòng chữ Nho. Từ đó đến nay, người dân nơi đây đời nối đời cung kính phụng thờ, mỗi dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch dù khó khăn cỡ nào cũng dâng lễ vật cúng bái. Có thời điểm nơi đây bị bom đạn phá tan hoang, người dân lại cùng nhau xây cất lại. Bây giờ Ðền thờ Vua Hùng đã có cơ ngơi khang trang, Lễ Giỗ Tổ cũng được tổ chức chỉn chu, rộn rã, là nơi chiêm bái tổ tiên của người từ muôn phương về Cà Mau. Bà con ở vùng Tân Phú này luôn coi đó là niềm tự hào lớn lao”.

Những trao gởi của tiền nhân được các thế hệ con người Cà Mau tiếp nối gìn giữ, đạt thành. Năm 2019, UBND tỉnh Cà Mau đã trang trọng tổ chức Lễ Khánh thành Ðền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và cụm Tượng Mẹ tại Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Cũng từ thời điểm đó, nơi đây trở thành điểm đến tâm linh thiêng liêng của du khách hành hương khi về với vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc.

Chót Mũi Cà Mau, Ðền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân sừng sững án ngữ hướng về phía bể Ðông, như khát vọng hướng về biển đảo muôn đời của dân tộc. Tượng Mẹ Âu Cơ kề bên đại diện cho sự thuỷ chung son sắt, đức hy sinh, lòng bao dung và tình yêu cao cả. Mẹ là hậu phương vững chắc, là nguồn cội của tình yêu con người, yêu quê hương đất nước và đồng bào. Trên núm đất thiêng liêng địa đầu cực Nam Tổ quốc, Ðền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Tượng Quốc Mẫu Âu Cơ hiện diện lộng lẫy, uy nghiêm, là biểu tượng cho sự trường tồn của dân tộc, nhắc nhớ về nguồn cội con Lạc, cháu Hồng.

 Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và tượng Quốc Mẫu Âu Cơ hiện diện lộng lẫy, uy nghiêm tại Mũi Cà Mau; là biểu tượng cho sự trường tồn của dân tộc, nhắc nhớ về nguồn cội chung của dòng máu Lạc Hồng.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Cụm công trình văn hoá tâm linh Ðền thờ Quốc Tổ và Tượng Mẹ được đặt tại Mũi Cà Mau với ý nghĩa thiêng liêng. Tại bờ cõi biên thuỳ của Tổ quốc ở phía Nam, Quốc Tổ và Quốc Mẫu lại được trùng phùng, vẹn lời thề xưa, thoả lòng chứng kiến cơ đồ đất nước vẹn tròn hôm nay. Ðó cũng là nơi nhắc nhớ cho mỗi người về cội nguồn chung của dân tộc, về trách nhiệm gìn giữ sự trường tồn phát triển của Tổ quốc”.

Là người dân ấp Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, bà Nguyễn Hồng Loan xúc động: “Mấy bữa nay, bà con ấp Mũi cùng nhau quây quần thức trắng đêm để làm bánh, nấu xôi, đợi đến hôm nay, ngày Tri ân Quốc Tổ, Quốc Mẫu, dâng lễ vật, thắp hương khấn vái cầu quốc thái dân an, tưởng nhớ về nguồn cội của dân tộc”.

Các huyện, thành phố của tỉnh Cà Mau kính dâng lễ vật trong Lễ Tri ân Quốc Tổ.

Còn với em Nguyễn Duy Anh, học sinh lớp 9, Trường THCS Ðất Mũi, Lễ Tri ân Quốc Tổ gắn liền với lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cùng với các bạn về dự Lễ Tri ân Quốc Tổ, em Duy Anh xúc động nói rằng: “Thắp nhang cho Quốc Tổ, Quốc Mẫu, trong lòng em và bạn bè cảm thấy tự hào khi hiểu rõ rằng đã là người Việt Nam thì ai cũng có chung một cội, một nguồn”.

Nhịp Lân Sư Rồng rộn rã dẫn đầu dòng người hành hương tiến về phía chót Mũi Cà Mau trong Lễ Tri ân Quốc Tổ. Trong thời khắc thiêng liêng, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, xúc động: “Lễ Tri ân Quốc Tổ thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống tốt đẹp, lòng hiếu đạo, sự biết ơn của lớp con cháu hôm nay với tổ tiên đã “lên rừng, xuống biển” mở mang bờ cõi. Ðền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ sẽ mãi là điểm tựa tinh thần cho các thế hệ con cháu chúng ta, luôn giữ mãi niềm tin và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ nền độc lập và sự phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam”.

Dòng người thành kính tri ân Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, thông tin: “Từ năm 2019, tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ Tri ân Quốc Tổ, Quốc Mẫu tại Ðất Mũi, Ngọc Hiển vào ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch; sau đó là Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở xã Tân Phú, huyện Thới Bình vào mùng 10 tháng 3 âm lịch để tạo ra sự thống nhất, kết nối và trang trọng theo đúng phong tục, tín ngưỡng truyền thống. Từ Ðền thờ Quốc Tổ sẽ có thêm nghi thức lễ thỉnh hương về Ðền thờ Vua Hùng theo đúng tinh thần văn hoá hiếu đạo, biết cội, biết nguồn của người Việt”.

Là du khách từ Bà Rịa - Vũng Tàu, lần đầu tiên về Mũi Cà Mau đúng dịp Lễ Tri ân Quốc Tổ, ông Nguyễn Trung Quý từ ngạc nhiên đến bồi hồi: “Tôi quá bất ngờ. Cứ đinh ninh khi về Mũi Cà Mau sẽ trải nghiệm du lịch thôi. Rồi khi cùng mọi người dâng hương tri ân Ðức Quốc Tổ, tôi mới biết Mũi Cà Mau có nơi chốn thiêng liêng để mọi người về đây cùng hướng về nguồn cội của dân tộc. Quá ý nghĩa, quá xúc động!”.

Ðâu đây, tiếng phù sa cựa mình lắng đất, chồi mắm, rễ đước rì rào vươn tới phía biển. Ngoài xa kia, cụm đảo Hòn Khoai ẩn hiện bình yên. Trên vòm trời xanh, đàn bồ câu tung lượn tươi vui. Mũi Cà Mau như bừng sáng theo nhịp hành hương trong tâm thức của mỗi người cùng hướng về nguồn cội. Và tiếng trống giục lòng người trẩy hội về phía Ðền thờ Vua Hùng: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”./.

 

Hải Nguyên

 

Ðất lạ hoá quê hương

Có nhiều lý do đưa họ đến với Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Song, điều khiến họ gắn bó là do đất lành mang đến cuộc sống ấm no và tình người ấm áp. Trên quê hương thứ hai, họ góp sức khai phá, dựng xây, biến vùng đất hoang sơ thuở nào trở thành vùng đất trù phú, đa dạng về cách phát triển kinh tế.

Tiềm năng tín chỉ carbon

“Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các hướng dẫn về tín chỉ carbon vẫn chưa đầy đủ, các địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, mời gọi các tổ chức để khảo sát, nghiên cứu và thực hiện các bước chuẩn bị. Mặc dù vậy, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đang rất quan tâm vấn đề này, qua đó tiếp tục tăng cường công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, để đến khi hoàn thiện thể chế, có thể sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon”, ông Phan Hoàng Vũ thông tin.

Những 'điểm sáng' an sinh năm 2024

Lao động, việc làm năm 2024 có nhiều điểm sáng, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đem lại những hiệu quả lớn.

Hội thi “Bánh chưng xanh” người lính biển

Trong 2 ngày 26-27/1 (nhằm 27-28 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức Hội thi “bánh chưng xanh” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Xuân về phum sóc

Mùa xuân mới đang điểm tô rực rỡ từ thành thị đến từng làng quê, phum sóc, nhà nhà háo hức đón chào năm mới. Bộ mặt nông thôn đang được thay áo mới, những tuyến đường hoa, hàng rào cây xanh chạy dài theo các tuyến lộ bê tông. Những cánh hoa tươi thắm khoe sắc như điểm tô cho mùa xuân no ấm, sum vầy.

Tròn đầy yêu thương

Dù không phải là nhà, nhưng ngày Tết ở những nơi đặc biệt như Trung tâm Bảo trợ xã hội, Làng trẻ em SOS, không khí vẫn rộn ràng, ấm áp, tràn đầy tình yêu thương.

Mùa vui ở vùng đồng bào dân tộc

Những ngày này, về vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trần Văn Thời, U Minh, sẽ thấy cảnh đồng bào Khmer nơi đây đang tất bật thu hoạch lúa, hoa màu và sản xuất các mặt hàng truyền thống bán dịp Tết.

Hương tết quê nhà

Chiều 26/1/2025 (nhằm 27 tháng Chạp năm Giáp Thìn), Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức Chương trình “Hương tết quê nhà” trong không khí ấm áp của những ngày giáp tết. Đây là sự kiện đặc biệt, không chỉ mang lại cho mọi người những trải nghiệm thú vị về tết cổ truyền, mà còn là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những phong tục, tập quán ngày tết tại vùng đất Cà Mau.

600 phần quà tết ấm lòng người khiếm thị và người khó khăn

Ngày 26/1/2025 ( nhằm ngày 27 tháng Chạp năm Giáp Thìn), Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Thiền viện Trúc Lâm Cà Mau tổ chức trao 600 phần quà cho người khiếm thị, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao 200 suất quà cho hội viên nông dân nghèo

Sáng 26/1, tại huyện Thới Bình, Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do đồng chí Phan Như Nguyện, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao 200 suất quà cho hội viên nông dân tỉnh Cà Mau.