ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 10-1-25 20:27:23
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cán bộ xã “mê” làm thiện nguyện

Báo Cà Mau (CMO) “Năm 2019, khi mới về đảm nhận vị trí Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), trong lần đi cơ sở, thấy tình cảnh vợ chồng cụ Lê Văn Hiệp (sinh năm 1943, ở Ấp 16) thật thê thảm. Ông bà làm nghề lượm ve chai, căn chòi rách nát, tôi hết sức trăn trở. Với vai trò, trách nhiệm, tôi nghĩ phải tìm cách gì đó hỗ trợ người dân. Vậy rồi liên hệ các chú trước đây là lãnh đạo xã, huyện, nhờ giới thiệu kết nối những người quen biết có thể xin hỗ trợ được. Các chú nhiệt tình giúp đỡ, thế là xin được căn nhà cho ông bà cụ. Lúc xuống bàn giao nhà, hai cụ mừng tới khóc, từ đó gợi cho mình nhiều suy nghĩ…”, anh Trần Quốc Sự, Phó bí thư Thường trực Ðảng uỷ, Chủ tịch HÐND xã Nguyễn Phích, tâm tình.

Và cũng từ đó, anh bắt đầu “dấn thân” vào công tác thiện nguyện, vận động hỗ trợ nhà, rồi cầu và làm nhiều việc khác giúp quê hương. Tính đến nay, sau gần 4 năm, anh đã kết nối, vận động, tiếp nhận từ các nhà hảo tâm xây dựng được 52 căn nhà cho hộ nghèo, 53 cây cầu, 180 xe đạp cho học sinh khó khăn, hơn 11.800 suất quà cho người nghèo, cùng nhiều việc làm thiện nguyện khác, tổng trị giá trên 10 tỷ đồng.

Có đi thực tế những căn nhà được hỗ trợ xây dựng mới thấy hết ý nghĩa của việc cho - nhận này.

Vợ chồng anh Thạch Văn Ô - chị Nguyễn Thị Mỹ (Ấp 7) được anh Sự vận động cất nhà cách đây hai năm. Căn nhà khá chắc chắn, mái lợp tol, nền lát gạch bông, vách xây tường lên một đoạn, đoạn trên bằng thiếc; anh Sự vận động 50 triệu đồng, gia đình mượn thêm trong anh em góp vào 15 triệu đồng.

Tiếp chúng tôi sau buổi sáng đi gặt về, chị Nguyễn Thị Mỹ rất vui: “Cái nhà trước đây hết biết luôn, không còn ở được. Gia đình không đất sản xuất, chồng đi bốc vác cây tràm cho người ta, tôi vừa lo cho hai đứa con nhỏ, vừa tranh thủ ai mướn cấy, gặt, làm cỏ thì tranh thủ đi làm. Thu nhập thất thường, đâu có khả năng xây, sửa lại. Chú Sự vận động cất được căn nhà như vậy, mừng dữ lắm. Giờ ráng phấn đấu làm ăn để vươn lên”. 

Anh Trần Quốc Sự thăm lại gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ (người ngồi giữa) sau hai năm hỗ trợ nhà.

Căn nhà mới hơn, vừa đưa vào sử dụng được 20 ngày là của vợ chồng anh Phan Thanh Giới - chị Nguyễn Thị Diễm (cùng Ấp 7). Nhà sơn màu tím, nhìn khá khang trang, ấn tượng, vách xây tường toàn bộ. Anh Sự vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình mượn thêm của người thân góp vào 20 triệu đồng; công thợ không nhiều, vì anh làm thợ hồ, tự đứng ra xây dựng.

Chị Nguyễn Thị Diễm bày tỏ niềm vui và xúc động: “Chồng đi làm hồ, tôi thì lo cho hai con nhỏ, vừa rồi nhà sập đâu có tiền cất lại. Nhờ anh Sự giúp đỡ, có được căn nhà chắc chắn như vầy vợ chồng tôi mừng và biết ơn vô cùng. Chứ lúc trước mưa ngập sân, ngập nhà, con cái lội lủm chủm té lên té xuống, tội lắm!”.

Anh Sự giải thích, thường mức tài trợ tuỳ theo đơn vị, nhà hảo tâm, từ 40, 50, 60, 80 triệu đồng. Anh thường yêu cầu gia đình vận động người thân thêm một khoản đối ứng 15, 20, 30 triệu đồng để căn nhà chất lượng hơn; đồng thời cũng để chủ hộ thấy được trách nhiệm với căn nhà mà chăm chút, bảo quản sử dụng lâu dài (tránh việc ỷ lại hư được cho nữa mà không gìn giữ). Hộ khó khăn quá, mà mức hỗ trợ tương đối thì không vận động thêm.

“Nhà làm tiền chế, tuỳ tiền nhiều hay ít mà xây lên một mét, hai mét hay cả vách bằng tường. Cửa, ít tiền làm bằng cây, nhiều tiền làm cửa nhôm… Nói chung mỗi căn nhà cố gắng đảm bảo chất lượng, sử dụng thấp nhất 15 năm”, anh Sự diễn giải.

Ðối tượng hỗ trợ nhà được khảo sát, xét chọn kỹ lưỡng để đồng tiền hỗ trợ thực sự ý nghĩa; đồng thời tránh lời ra tiếng vào ảnh hưởng công tác từ thiện. Việc xây dựng cũng phải lựa, mời những nhà thầu uy tín, chất lượng, giá cả phải chăng. “Tuyệt đối không chỉ định riêng nhà thầu nào với mục đích hưởng chênh lệch”, anh Sự khẳng định.

Với cầu giao thông thì đa số nhà tài trợ có thiết kế và thợ riêng nên chất lượng an tâm. Tuy vậy, sau khi bàn giao nhà hay cầu, anh đều lưu ý dặn dò khâu bảo quản. Kể cả việc nhỏ như tấm bảng ghi tên tổ chức, cá nhân tài trợ có bị hư, sứt mẻ anh cũng yêu cầu làm bảng khác gắn vào. Theo anh: “Có bảng để sau này nhà tài trợ còn biết, có khi đến khảo sát; hay có dịp đi qua, họ ghé thăm như một kỷ niệm. Còn đối với người dân, đó là sự nhắc nhở lòng biết ơn, từ đó mà phấn đấu vươn lên”.

Xã hội có rất nhiều người sẵn lòng làm từ thiện, quan trọng là việc chọn nơi trao gửi niềm tin. Có lẽ tín nhiệm được cách làm của anh mà nhà tài trợ, cũng như con số tài trợ ngày một tăng thêm. Hiện anh kết nối được hơn 20 nhóm, cá nhân làm từ thiện. “Ban liên lạc Ðồng hương Bạc Liêu - Cà Mau, Nhóm Chung sức Cà Mau của cô Mỹ Não, rồi Sư Nhuận Trí, Linh mục Nguyễn Văn Vinh… ủng hộ nhiều lắm. Rồi có khi nhóm này giới thiệu cho nhóm khác…”, anh bảo.

Trên trang cá nhân của anh, dày đặc các hoạt động thiện nguyện. Ðặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, hoạt động này hết sức sôi động. Có khi anh đứng ra vận động rau củ quả gửi hỗ trợ vùng tâm dịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; khi vận động hỗ trợ khu cách ly, lực lượng tuyến đầu. Song song đó là tiếp nhận, phân phối hàng hỗ trợ từ các nơi... Nguy hiểm đó, nhưng cố gắng trang bị kỹ theo yêu cầu phòng, chống dịch, rồi xông vào, chứ không thể ngồi nhìn…

Thấu hiểu, cảm thông hộ nghèo không may lâm vào hoạn nạn, anh còn vận động hòm, mai táng phí giúp đỡ khi họ từ trần; vận động tiền hỗ trợ cho những hoàn cảnh bệnh tật, tai nạn lao động nguy cấp. Số tiền vận động hỗ trợ cao nhất gần 200 triệu đồng (trường hợp chị Lại Thị Kim Trang ở Ấp 7, bị tai nạn lao động khi làm ở Bình Dương.

“Vợ tôi bị máy quấn lột da đầu, nát cánh tay. Nếu không nhờ số tiền anh Sự phối hợp vận động hỗ trợ thì vợ tôi chắc đã chết, vì đâu có đủ tiền phẫu thuật…”, ông Võ Quốc Thái, chồng chị Trang, xúc động.

Nguyễn Phích địa bàn rộng, đến 20 ấp, trong đó hơn phân nửa ấp lâm phần, thuộc xã nghèo của huyện U Minh. Hiện xã còn tới 700 hộ nghèo, 100 hộ cận nghèo. Qua sự kết nối của anh, mỗi năm các hộ nghèo được nhận bình quân hơn hai lần quà. Những ngày sát thềm năm mới này, anh lại tất bật kết nối, tiếp nhận, trao quà để tất cả hộ nghèo đều có Tết.

Những cây cầu được xây dựng ở vùng khó khăn có ý nghĩa lớn trong đi lại, lưu thông hàng hoá, phát triển kinh tế của người dân. (Trong ảnh: Cầu “Vì Tấm Lòng” (Ấp 7, xã Nguyễn Phích) do anh Trần Quốc Sự kết nối nhóm “Vì Tấm Lòng” tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng các mạnh thường quân chung tay đóng góp xây dựng).

Ông Võ Văn Liêu, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, trần tình, thời gian qua mặc dù xã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng nguồn lực đầu tư có hạn. “Một điều đáng mừng là đồng chí Trần Quốc Sự, mặc dù bận nhiều công việc vẫn tranh thủ thời gian vận động, kết nối các tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ hộ nghèo từ xây dựng nhà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ có mái ấm an cư; tặng quà giúp các hộ xở gỡ khó khăn trong cuộc sống; tặng cầu bắc qua những khu vực khó khăn, tạo thuận lợi trong đi lại của bà con và nhiều hỗ trợ khác. Ðây là nguồn lực rất lớn góp phần thực hiện tiêu chí nhà ở, thu nhập, giao thông trong xây dựng NTM”.

Lợi thế của cán bộ xã khi tham gia công tác thiện nguyện là có điều kiện sâu sát, bao quát tình hình, hiểu được từng hoàn cảnh; lại có nhiều mối quan hệ, thuận lợi trong vận động; đồng thời cũng linh động trong hỗ trợ, tạo điều kiện khi các nhóm từ thiện về giúp đỡ địa bàn mình…, từ đó tạo được sự yên tâm, hài lòng đối với nhà tài trợ.

Anh Sự tâm tình: “Ða số những căn nhà bàn giao người ta đều mừng, xúc động tới khóc. Vì mình giúp đúng điều họ khát khao, mong ước. Có người 60-70 tuổi nếu mình không cho nhà, cả đời họ đâu có nhà, vì làm sao lo nổi. Vậy là mình càng có động lực tiếp tục kết nối, tạo thuận lợi nhất để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho bà con”.

Ngoài nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua hàng ngàn cây cầu bắc qua sông, hàng ngàn căn nhà cho hộ nghèo, hàng ngàn giếng nước và vô số việc khác được thực hiện tại tỉnh, qua sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, góp phần rất lớn thay đổi bộ mặt làng quê, vực dậy đời sống người dân. Dù bận việc cơ quan, trách nhiệm với gia đình, nhưng đáng trân trọng là anh vẫn tự nguyện tranh thủ tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội. Việc cán bộ cơ sở tham gia kết nối làm thiện nguyện như anh càng có ý nghĩa lớn giúp phát huy mạnh mẽ nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng.

Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh càng khích lệ anh tiếp tục duy trì hoạt động đầy nhân văn và ý nghĩa này, để quê hương ngày thêm khởi sắc./.

 

Trang Thăm

 

Hàm Rồng sẵn sàng cho đại hội điểm

Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ xã Hàm Rồng lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2025-2030, được huyện Năm Căn chọn làm điểm chỉ đạo. Ðến thời điểm này, Ðảng bộ xã đã sẵn sàng cho sự kiện chính trị quan trọng này.

Xử lý các dự án điển hình để cảnh tỉnh, răn đe

Năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục tập trung, tăng cường lãnh đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các kết luận và các chương trình, kế hoạch của Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thông tin được nêu tại Phiên họp tổng kết năm 2024 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, sáng 6/1.

Khẩn trương xây dựng dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội khoá mới 

Đây là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ tại Hội nghị cho ý kiến đề cương chi tiết Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngày 4/1/2025.

Ðại tá từ du kích

Trong các bạn bè, đồng đội cùng hàm, trên dưới tuổi tám mươi, Ðại tá Trần Công Bình (Út Bình) có lẽ là người đậm chất từ du kích, tên ông gắn liền với du kích Thạnh Phú một thời lẫy lừng chốt chặn phía Nam tỉnh lỵ An Xuyên, bảo vệ vùng giải phóng Nhà Phấn, Rạch Mũi trong tầm đại bác của địch.

Ðoàn kết đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ðảng được chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, cơ quan, đơn vị. Các trường đều đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống về chủ đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào các buổi họp chi bộ cũng như họp hội đồng sư phạm tại trường.

Dân vận khéo từ việc nhỏ

Thời gian qua, Chi hội Cựu chiến binh (CCB) ấp Cái Bát, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời triển khai thực hiện hiệu quả mô hình xây hố đốt rác, tạo sức lan toả rộng rãi, góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Niềm tin vào khí thế mới

Năm 2024 đã khép lại, ở thời khắc chuyển giao sang năm mới, chắc hẳn mỗi người đều có cho riêng mình những dự định, quyết tâm và niềm hy vọng về những điều tốt đẹp trong năm mới cho gia đình, cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Lan toả điều tích cực để an dân, tạo sức đề kháng, thành trì vững chắc trong lòng dân

Năm 2024, các hoạt động của ngành Tuyên giáo luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh uỷ, góp phần ổn định tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đó là một trong những nội dung được đề cập tại Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, vào sáng 31/12. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Trường Chính trị tỉnh, các cơ quan báo chí, Ban Tuyên giáo các huyện, thành phố tham dự hội nghị.

Cuộc “cách mạng” của báo chí

Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã nhấn mạnh một công việc hệ trọng của báo chí cách mạng trong giai đoạn mới: “Báo chí phải thực hiện tốt sứ mệnh trong kỷ nguyên mới”.

Nửa đời tìm nhau

Ở các địa phương miền Tây Nam Bộ, chúng tôi tìm gặp một số cán bộ lão thành, học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc năm 1954. Trong câu chuyện kể của họ, ngoài ký ức đẹp về tấm lòng Nhân dân miền Bắc dành cho HSMN tham gia học tập, từ nơi ở, chén cơm, manh áo... còn là những mối tình “cơ duyên trời định”. Người còn sống giờ tuổi đã ngoài 80, nhưng khi nhắc nhớ về kỷ niệm ở miền Bắc, họ lại ngời lên những ký ức năm xưa.