Sáng 28/5, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Tham gia góp ý, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đã nêu nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình tổ chức và thực hiện quy hoạch hiện nay, đồng thời kiến nghị một số giải pháp đột phá nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quy hoạch, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên thảo luận.
Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, quy hoạch là công cụ quản lý và định hướng phát triển rất quan trọng, tác động toàn diện đến phát triển quốc gia, các vùng kinh tế và từng địa phương. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch hiện hành còn nhiều bất cập lớn, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập sâu rộng và thúc đẩy các động lực phát triển mới.
Đại biểu chỉ rõ, tại nhiều địa phương, số lượng quy hoạch lên tới hàng chục, thậm chí gần 100 loại khác nhau. Thực trạng này không chỉ gây ra sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch mà còn khiến các hoạt động kinh tế bị cản trở nghiêm trọng do liên tục “vướng quy hoạch”.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu tại phiên thảo luận.
“Chúng ta đang chứng kiến tình trạng mỗi tỉnh, thành là một đơn vị kinh tế khép kín, thiếu liên kết vùng và thiếu các chuỗi cung ứng hàng hóa quốc gia. Đây là nguyên nhân làm giảm hiệu quả phát triển, lãng phí nguồn lực và không khuyến khích được sáng tạo, đổi mới”, đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một số quy hoạch được cho là mang tính chất chiến lược, như phòng chống thiên tai, lại được đưa vào thành quy hoạch kỹ thuật – điều này gây khó khăn cho người lập quy hoạch và làm sai lệch bản chất của công cụ hoạch định.
Từ thực tiễn nêu trên, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề xuất cần tiến hành sửa đổi sâu, cải cách toàn diện Luật Quy hoạch theo hướng tinh gọn, hiệu quả và phù hợp với định hướng phát triển mới của Đảng, Nhà nước.
Thứ nhất, cần giảm mạnh số lượng quy hoạch áp dụng tại một địa phương, chỉ giữ lại tối đa 6 loại quy hoạch, gồm: (1) Quy hoạch tổng thể quốc gia; (2) Quy hoạch vùng gắn với các cụm sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa quốc gia; (3) Quy hoạch cấp tỉnh; (4) Một số quy hoạch ngành mang tính “cứng” như: An ninh – quốc phòng; Ba loại rừng; Giao thông trọng yếu (đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay).
Bỏ toàn bộ hơn 70 quy hoạch ngành kỹ thuật khác hoặc chuyển thành các chiến lược phát triển ngành kỹ thuật do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao cho các địa phương triển khai linh hoạt.
Thứ hai, đại biểu đề xuất bổ sung các quy định cấm trong quy hoạch – tương tự như pháp luật nhiều nước – nhằm ngăn ngừa các tác động tiêu cực đến di tích lịch sử, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia và quốc tế.
Thứ ba, cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm quy hoạch, tăng cường năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và khả năng ứng dụng công nghệ.
Theo đại biểu, việc đổi mới Luật Quy hoạch không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật lập quy hoạch, mà còn là bước đi chiến lược nhằm tạo không gian phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, giải phóng nguồn lực xã hội. Khi các rào cản do chồng chéo quy hoạch được tháo gỡ, nền kinh tế sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển theo chuỗi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng khả năng hội nhập quốc tế.
“Luật Quy hoạch mới phải thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo của Đảng trong bộ tứ chiến lược về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế tư nhân”, ông Thanh nhấn mạnh.
Từ thực tiễn và tầm nhìn phát triển, những ý kiến góp ý của đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho thấy nhu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Quy hoạch theo hướng tinh gọn, hiệu quả, khoa học và hiện đại. Đó là điều kiện tiên quyết để quy hoạch thực sự trở thành công cụ dẫn dắt, thúc đẩy phát triển bền vững trong kỷ nguyên hội nhập và chuyển đổi số./.
Thúy Hằng