(CMO) Hiện nay, huyện Thới Bình đang bước vào giai đoạn nước rút trong xây dựng huyện đạt chuẩn NTM. Mặc dù địa phương đã có nhiều bước phát triển rất đáng ghi nhận, song, để hoàn thành mục tiêu đặt ra là cả quá trình phấn đấu trong thời gian tới. Ngoài nội lực của địa phương, rất cần sự hỗ trợ từ ngoại lực, cũng như cần có sự điều chỉnh một số nội dung các tiêu chí NTM phù hợp tình hình thực tế.
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết: “Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, nội dung 17.10 “Tỷ lệ sử dụng hình thức hoả táng > 10%” là khó có khả năng thực hiện, do không phù hợp với tập quán của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện, tỷ lệ sử dụng hoả táng chỉ chiếm khoảng 0,01%, chủ yếu ở người đồng bào dân tộc, người không có đất”.
Thời gian tới, huyện Thới Bình sẽ tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đối với các công trình giao thông nông thôn; kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. |
Việc xây dựng NTM, NTM nâng cao theo chuẩn mới đã và đang là những thách thức mới. Có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu mặc dù quy định là thế nhưng điều kiện khách quan tại địa phương sẽ khó thực hiện trong giai đoạn này. Việc thực hiện cần có sự rà soát và định hướng cụ thể.
Ðơn cử như quy định mỗi xã có ít nhất 1 điểm vui chơi, giải trí độc lập cho người già và trẻ em. Hiện tại, trên địa bàn các xã trong huyện đều có, nhưng chưa có điều kiện đầu tư riêng biệt. Tất cả đều đặt trong khuôn viên của Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã và các trang thiết bị hoạt động còn ít, chưa phù hợp để phục vụ cho nhiều đối tượng người già, trẻ em.
Thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, được chứng nhận VietGAP và tương đương là nội dung mới trong bộ tiêu chí mới. Ðối với nội dung này, trên địa bàn huyện, một số xã đã có các vùng nguyên liệu được chứng nhận tương đương VietGAP, như chứng nhận sản xuất lúa hữu cơ của xã Trí Lực, mô hình sản xuất lúa hữu cơ của xã Thới Bình với Công ty Tấn Vương... Tuy nhiên, các mô hình này quy mô còn nhỏ, giới hạn trong các hợp tác xã.
Ðối với nội dung “có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống (nếu có) gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường”, hiện trên địa bàn huyện chưa hình thành được các làng nghề, làng nghề truyền thống. Từ lâu nay trên địa bàn huyện chỉ một số xã có các hộ gia đình làm nghề truyền thống như đan đát, dệt chiếu, nấu rượu, làm mắm... Tuy nhiên, theo thời gian, một số nghề truyền thống không phát triển được, do thu nhập không cao...
Ðối với nguồn kinh phí để địa phương “đi nước rút” mục tiêu NTM, huyện kiến nghị HÐND tỉnh ưu tiên phân bổ, hỗ trợ ngân sách cho huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, xem xét hỗ trợ ngân sách duy tu, nâng cấp cơ sở hạ tầng, các trạm y tế trên địa bàn huyện (tiêu chí này đã được công nhật đạt chuẩn quốc gia, nhưng hiện nay cơ sở hạ tầng đã xuống cấp); đầu tư hệ thống loa đến các ấp trên địa bàn huyện (trừ xã Thới Bình, Tân Phú, Biển Bạch, Trí Lực) theo chỉ tiêu yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia xã đạt chuẩn NTM./.
Văn Ðum