Trong chuyến công tác tại tỉnh Tiền Giang, kiểm tra việc công bố tình huống khẩn cấp của tỉnh này về hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt, sáng nay (7/4), Phó thủ Tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tài nguyên – Môi trường có cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình này. Tại điểm cầu Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử và Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Hoàng Vũ chủ trì.
Tiền Giang là tỉnh đầu tiên của khu vực ĐBSCL vừa công bố tình huống khẩn cấp về hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 đối với huyện Tân Phú Đông. Hiện nay, độ mặn nước trên sông Tiền rất cao, trong khi các kênh mương nội đồng khô cạn từ lâu. Toàn huyện có hơn 44.000 người đang thiếu nước ngọt sử dụng.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, mọi kịch bản ứng phó hạn mạn đều phải chủ động, linh hoạt.
Tại cuộc họp, một số tỉnh khu vực ĐBSCL cũng thông tin về tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sụt lún, sạt lở. Qua đó, kiến nghị Phó thủ tướng Chính Phủ, các Bộ, ngành có giải pháp lâu dài để ứng phó với tình hình này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử báo cáo tình hình hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt, sụt lún trên địa bàn tỉnh.
Riêng tại tỉnh Cà Mau, đến thời điểm này toàn tỉnh có 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Kéo theo tình trạng sụt lún, sạt lở trầm trọng, với 599 vị trí sạt lở, sụt lún, tổng chiều dài 15.868 m (trong đó, đường bê tông dài 11.668 m, đường đất đen 4.015 m), ước tính thiệt hại trên 22 tỷ đồng. Nguy cơ cháy rừng cao với hơn 35.638,55 ha rừng U Minh Hạ khô hạn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí dự kiến đầu tư 5 hệ thống thuỷ lợi khoảng 197 tỷ đồng; xây dựng hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé đấu nối với dự án Quản lộ - Phụng Hiệp; xây dựng hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua các trạm bơm…
Cà Mau có 599 vị trí sạt lở, sụt lún, ảnh hưởng đến đi lại và sinh hoạt của người dân. (Ảnh minh hoạ, chụp tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời)
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của các địa phương khu vực ĐBSCL với nhiều giải pháp ứng phó với hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt, sạt lở, sụt lún. Trong đó, có nhiều sáng kiến hiệu quả.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng nhắc nhở, cần có tầm nhìn với đối với cả ĐBSCL và đặt trên bối cảnh tình hình sẽ cực đoan hơn do thiếu lượng nước thượng nguồn, do đó, cần có giải pháp căn cơ hơn, đồng bộ trên toàn vùng. Thống nhất đầu tư hạ tầng thuỷ lợi đồng bộ, các dự án liên quan hạ tầng để điều tiết hệ thống thuỷ lợi hiệu quả cho cả vùng, cấp nước càng sớm càng hiệu quả. Phải khép kín và phát huy hiệu quả các công trình thuỷ lợi, giúp ĐBSCL chuyển đổi nhanh sang trạng thái bền vững. Mỗi năm phải thích ứng và có biện pháp bảo đảm hơn, mạnh mẽ hơn, bởi tình hình ngày càng phức tạp hơn.
Về các nguyên nhân gây sụt lún, sạt lở, Phó thủ tướng đề nghị, tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và các địa phương liên quan xem xét đánh giá lại vấn đề khai thác nước ngầm, tác động của việc quy hoạch liên quan đến dân cư, hạ tầng giao thông, khu vực trọng yếu… để có các giải pháp đảm bảo yêu cầu.
“Trong mọi kịch bản đều phải chủ động, linh hoạt. Trong đó, đòi hỏi sự tham gia của người dân, có phương án chủ động tích trữ nước. Cần gắn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật tình hình, cung cấp thông tin về thời tiết cực đoan, hạn mặn, sụt lún, để nông dân nắm bắt, có sự chủ động thích ứng trong sản xuất, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp. Cần làm thật nhanh, thật sớm các giải pháp đảm bảo cung cấp nước cho người dân”, Phó thủ tướng Chính Phủ nhấn mạnh./.
Hồng Nhung