(CMO) Đó là mong muốn của các sở, ngành, địa phương tại cuộc họp đánh giá công tác tổ chức các hoạt động trong Chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023” (Chương trình), chiều 19/5.
Cuộc họp do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân và Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị rà soát lại cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch để mời gọi đầu tư.
Kể từ năm 2021 khi triển khai thực hiện Chương trình đã đánh dấu bước chuyển biến lớn trong phát triển du lịch Cà Mau, nhất là tạo đà phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Riêng năm 2023, tính đến thời điểm này, Chương trình đã triển khai tổ chức thành công nhiều hoạt động: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc; Lễ tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ giỗ Tổ Hùng Vương; sự kiện kết nối đường bay Hà Nội - Cà Mau; sự kiện “Hương rừng U Minh”; Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ III và các hoạt động thể dục, thể thao; hội chợ thương mại; cùng nhiều hoạt động du lịch khác…
Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ - TP Cà Mau lần thứ III năm nay thu hút đông khách tham quan, thưởng thức.
Hiệu ứng tích cực chính là thu hút đông đảo khách tham quan; các doanh nghiệp hưởng ứng với nhiều giải pháp thu hút khách như: không tăng giá, nâng chất lượng dịch vụ, cân đối phòng lưu trú...; các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch được quan tâm; chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được nâng cao… Từ đó, tạo sự an tâm và ấn tượng tốt đẹp đối với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm tại Cà Mau.
Sự kiện "Hương rừng U Minh" được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn: Hội thi bánh dân gian, phiên chợ quê, theo chân thợ gác kèo ong vào rừng lấy mật, trò chơi dân gian…Ảnh: Nhật Minh
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, do Chương trình được ban hành vào thời điểm cuối tháng 3, trong khi nhiều sự kiện diễn ra trong tháng 4 nên công tác chuẩn bị, triển khai gặp khó khăn. Công tác xã hội hóa, thu hút sự hợp tác, hỗ trợ của doanh nghiệp còn hạn chế nên quy mô tổ chức chưa như mong muốn. Một số đơn vị lúng túng trong lập kế hoạch, xác định nhiệm vụ nên nội dung các hoạt động chưa phong phú…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng, trong công tác chuẩn bị các hoạt động của Chương trình cần sự chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo định hướng các nội dung, nhiệm vụ từ sớm, để các đơn vị có điều kiện tham mưu trong công tác xã hội hoá và chủ động kinh phí trong tổ chức sự kiện; công tác phối hợp cần chặt chẽ hơn; trong quá trình tổ chức cần xử lý tình huống linh hoạt…
Đối với ý kiến của lãnh đạo Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau về việc cần đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, nhất là quy hoạch phát triển cơ sở lưu trú và xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh để phục vụ tối đa nhu cầu du khách đến ngày càng đông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị các sở, ngành có liên quan cần có kế hoạch đầu tư dài hạn; rà soát lại cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch để mời gọi đầu tư. Việc hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của hộ làm du lịch cộng đồng cần gắn với Đề án Làng văn hoá du lịch Đất Mũi.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đề nghị các sở, ngành, địa phương nghiên cứu tổ chức các hoạt động Chương trình còn lại của năm 2023 và những năm tiếp theo, hướng đến mục tiêu kinh tế du lịch để du khách tiêu tiền. Đồng thời, nâng tầm Chương trình “Cà Mau - Điểm đến” bằng cách đưa hoạt động cấp quốc gia về tỉnh; thu hút các doanh nghiệp lớn về tỉnh tổ chức và các hoạt động nghệ thuật đặc sắc có tầm ảnh hưởng, từ đó thu hút nguồn lực xã hội hoá chứ không chỉ tổ chức bằng nguồn ngân sách.
Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, đề xuất tỉnh cần xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch để tăng sức hút cho Cà Mau.
Từ nay đến cuối năm còn 3 hoạt động lớn của Chương trình, gồm: Festival Tôm Cà Mau 2023; Giải Đất Mũi Marathon - Cà Mau 2023; Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là (1963-2023).
Riêng về Ngày hội khinh khí cầu, doanh nghiệp có văn bản đề nghị không tổ chức do điều kiện thời tiết không đảm bảo.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất, năm 2024, UBND tỉnh xem xét chỉ đạo đưa vào Chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến” các hoạt động giao lưu di sản văn hoá phi vật thể đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; mở rộng các lễ hội như: Lễ hội Thuỷ Long Cung Thần nữ, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi; lễ cầu siêu chiến sĩ hy sinh và đồng bào bị thảm sát tại di tích Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng...
Băng Thanh - Anh Tuấn